Saturday 2 April 2016

Chương 1

PHẦN 1

CHƯƠNG 1: NHIỄU

Tháng mười một năm Canh Thân, Đại Bảo nguyên niên [1], đoàn tháp tùng nhà vua du ngoạn xuống phía Nam khi ngang qua xã Bố Vệ, huyện Đông Sơ [2] thì trời vừa sẩm tối. Từ trong kiệu lớn vén mành nhìn ra, thấy bên ngoài đã không còn nhìn rõ mặt người, Hoàng thượng liền ra lệnh cho đoàn người ngừng di chuyển. Viên Nội quan Đinh Phúc nhìn bao quát xung quanh, thấy đồng quê vắng vẻ không bóng người qua lại, chỉ có tiếng quạ kêu xế chiều não nề, cảm thấy không yên tâm liền đưa ra lời can ngăn với nhà vua:
"Bẩm Hoàng thượng, chỗ này cách tư dinh của Chuyển vận sứ [3] huyện Đông Sơn không còn bao xa, cứ đi thong thả cũng chỉ mất nửa canh giờ. Nô tài nghĩ ấy mới là chốn dừng chân an toàn. Nơi thôn xóm nghèo nàn này vừa vắng vẻ, vừa ảm đạm, tiết trời hiện giờ lại đang giữa đông, nghỉ lại ngoài trời với Long thể mà nói là việc không tốt".
[1] Đại Bảo: Niên hiệu của Lê Thái Tóng, vị vua thứ hai của triều Lê Sơ. dùng từ năm 1440 đến 1442. Đại Bảo nguyên niên là năm thứ nhất cứa niôn hiệu Đại Bảo. Trong cuốn Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh Niên, tác giả Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng ghi Lê Thái Tông lấy niên hiệu Đại Bảo từ năm 1439 đến năm 1442.
[2] Xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn: Nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.
[3] Chuyển vận sứ: Chức quan đứng đầu mệt huyện, được vua Lê Thái Tổ đưa vào quan chế nhà Hậu Lê. Đến năm Quang Thuận thứ bảy, tức năm Bính Tbất (1466), dưới thời vua Lê Thánh Tông, chức quan này được đổi thành "Tri huyện".
Vị vua trẻ bước hẳn ra ngoài kiệu, vươn người uể oải, xua tay mà rằng:
"Thôi đi, đối với trẫm bây giờ một khắc cũng là quá dài! Hãy mau dựng trại đốt lửa!"
''Bẩm Hoàng thượng..."
"Trẫm vừa mệt, vừa đói không muốn đôi co với ngươi nữa!" — Người lạnh nhạt cắt ngang.
Đinh Phúc đành giấu tiếng thở dài, tất tả chạy đi lo liệu công việc. Xem ra Hoàng thượng thực lòng tin tưởng đám thị vệ tinh nhuệ đem theo nhưng Đinh Phúc thì không thể suy nghĩ đơn giản, nhẹ nhàng như thế. Tính mạng của chủ nhân liên quan trực tiếp đến mạng sống của ông ta mà ông ta thì yêu quý cái mạng của mình vô cùng. Dù chỉ là một thái giám, cái kẻ đàn bà không phải, đàn ông chẳng còn, cuộc sống vốn chẳng có mục đích gì rõ rệt ngoài việc ngày ngày làm thân tôi tớ mua vui cho Hoàng thượng nhưng ông ta tuyệt đối không vì thế mà cảm thấy chán ghét bản thân mình. Ớ vị trí kề cận đấng chí tôn, vinh hoa phú quý trong cái cuộc đời này ông ta đã có cả, so với đấng mày râu chân chính, cái ông ta thiếu chỉ là chút hơi ấm đàn bà nhưng cái đó thì có gì quan trọng? Đàn bà cũng giống như ngọc ngà châu báu, vốn là thứ trang sức bên ngoài, càng đẹp thì càng đáng giá, càng làm tôn lên địa vị của kẻ đeo chúng trên người, phô chúng ra ngoài. Nhưng suy đi tính lại, thậm chí đàn bà lại chẳng bằng những món châu ngọc đắt tiền ấy. Châu ngọc vốn càng để lâu càng sáng, còn đàn bà càng già càng mất giá. Châu ngọc thích thì đeo lên, chán thì cất đi, đàn bà muốn trưng ra phải cho ăn, cho mặc, phải ghẹo cười, phải nịnh nọt. Châu ngọc trăm năm hay vạn năm cũng chỉ là thứ vô tri, câm lặng, còn đàn bà, cái miệng không biết phân biệt nặng nhẹ, đôi khi có thể gây ra cả mối họa diệt vong.
Bữa ăn của Hoàng thượng chẳng vì không được nấu trong gian bếp Hoàng gia mà trở nên đơn giản đi. Đầy đủ ba mươi bảy món được bày biện đẹp mắt trên những chiếc đĩa sứ: thức ăn mười bảy món, bánh sáu loại, mứt năm loại, trái cây bốn loại, xôi ba loại, chè hai loại. Gạo thổi cơm phải là loại thật trắng và chọn lựa từng hạt, nồi đất đều phải đập bỏ sau một lần nấu, đũa Hoàng thượng dùng vót bằng tre vừa mới trổ đủ lá và cũng thay bỏ sau mỗi lần ngự thiện. Khi cung nữ đang nếm thử từng món trước mặt vua và viên Nội quan để chắc chắn thức ăn không có độc thì nghe bên ngoài có tiếng người đến bẩm báo. Nhà vua phất tay ra hiệu cho Đinh Phúc bước ra xem có chuyện gì, ông ta nhanh nhẹn đi rồi quay trở lại tâu:
"Bẩm Hoàng thượng, Chuyển vận sứ huyện Đông Sơn là Nguyễn Tài Tông xin trình diện!"
Nhà vua khẽ gật đầu, Đinh Phúc từ trong trướng lớn tiếng nói vọng ra truyền lệnh:
"Cho quan Chuyển vận sứ vào!"
Hai tên lính gác chắn lối vào nghe lệnh liền đứng tách ra, rộng đường cho viên quan huyện bước qua. Chuyển vận sứ Đông Sơn vừa e dè khúm núm, vừa vui mừng khấp khởi tiến vào, trong hơn mười năm làm quan, đây là lần đầu tiên ông ta được diện kiến Long nhan. Từ nơi này đến Kinh thành khoảng cách địa lý không quá xa xôi nhưng từ phủ huyện đến Cung thành [4] thì quả là khoảng cách lớn về tầm vóc. "Đây quả là cơ hội ngàn vàng không thể bỏ qua, biết đâu lại có thể nâng cao vị thế của mình!" — Viên quan huyện nhẩm tính nhanh trong mấy bước chân di chuyển từ cửa lán tới chỗ khấu đầu trình diện đức vua.
[4] Cung thành: Là vòng thành trong cùng, nơi vua sống.
"Thánh thượng vạn tuế!" — Tài Tông quỳ mọp xuống đất, run giọng bái kiến.
"Ái khanh, miễn lễ!" — Một giọng nói trong sáng vang lên, đáp lời viên quan huyện.
"Đội ơn Hoàng thượng!" — Chuyển vận sứ Nguyễn Tài Tông khúm núm cảm tạ rồi từ từ đứng lên, trong ánh đèn cầy vàng vọt, ngồi bên bàn ăn thịnh soạn là một vị Hoàng đế tuổi còn rất trẻ, gương mặt tuấn tú, sáng ngời, toát lên vẻ cao quý. Người mặc Long bào màu vàng chính sắc thêu rồng ổ ở bụng và hai vai, đai đỏ nạm ngọc, đầu đội mũ Xung thiên bằng the đen, có đính sức vàng hình lửa và mây, chân đi đôi hia đen thêu rồng bằng chỉ vàng oai vệ.
''Chậm trễ trong tiếp đón, thần thật là tội đáng muôn chết! Vi thần ngay khi hay tin đã cho sửa soạn lại tư gia, tuy đơn giản, sơ sài nhưng kính mong người di giá tới đó. Nơi này đồng không vắng vẻ, lán trại không kiên cố, thần e ngại thú hoang và mưa gió sẽ làm người ngủ không ngon giấc".
"Trẫm không trách cứ gì khanh cả!" — Đại Bảo tỏ rõ sự rộng lượng — "Vốn trẫm cũng muốn lặng lẽ tuần du nhưng có vẻ như người hầu cận bên ta đã trở nên lắm chuyện chỉ vì lo lắng thái quá!" — Nói đoạn, người đưa mắt nhìn sang Đinh Phúc trách khéo, ông ta khẽ cúi đầu nửa như biết lỗi, lại nửa như tỏ ra đây là chuyện chẳng đặng đừng.
"Trẫm hiểu ý tốt của khanh nhưng ở đây cũng tốt! Ta vẫn mong được có dịp nghỉ lại ngoài trời, hít thở không khí trong lành nơi thôn dã như thế này".
''Muôn tâu..." — Viên quan ngập ngừng toan thuyết phục thêm nhưng lại bắt gặp cái lắc đầu kín đáo của Đinh Phúc liền hiểu Ý mà sửa lại lời nói - ''Vậy thì thần xin được bố trí thêm binh lính hộ vệ bên người!"
"Xin Hoàng thượng chấp nhận ý tốt của quan Chuyển vận sứ!" — Thái giám Đinh Phúc vội vã đỡ lời như sợ nhà vua sẽ từ chối — ''An nguy của người là ưu tiên hàng đầu, quan trọng hơn tất thảy!"
''Vậy cũng được! Trẫm không nên làm khó cho Chuyển vận sứ! Dù sao đây cũng là địa phận thuộc sự quản lý của khanh, cứ làm theo ý khanh!" — Đại Bảo gật đầu ưng thuận.
''Đội ơn Hoàng thượng!" — Viên quan huyện cúi gập người xuống tỏ ý vui mừng — "Vi thần xin cáo lui để Hoàng thượng dùng bữa! Xin người thứ lỗi cho thần vì xuất hiện không đúng lúc!"
Nói đoạn Nguyễn Tài Tông khom lưng, cúi mặt, bước lui từng bước, ra đến tận ngoài cửa mới dám quay đầu thẳng tiến. Đêm đó, số binh lính canh gác quanh Hoàng thượng tăng lên gấp ba lần.
''Hoàng thượng!" — Tiếng nữ nhân văng vẳng đâu đây, vừa xa lại vừa gần, yếu ớt nhưng đầy khẩn khoản khiến Đại Bảo không thể không chú ý. Người nhìn quanh, thấy nơi mình đang đứng như giữa một cánh rừng, hai bên cây cối um tùm, chỉ có một lối mòn dẫn về phía trước, bầu không khí âm u, tĩnh mịch. Xung quanh người không có lấy một bóng binh lính hộ vệ, cả thái giám Đinh Phúc cũng không bên.
''Hoàng thượng!" — Giọng nói ấy lại vang lên, lần này như vọng lại từ phía trước.
Nhà vua mạnh dạn bước tới, con đường mòn dẫn đến một bờ suối. Nơi đây u tịch, sương mù giăng giăng không còn thấy rõ cảnh vật. Bên bờ suối có một vật gì đó khẽ động đậy, Đại Bảo tiến lại gần thì nhận ra đó là một con rắn trắng rất lớn, bị chém ngang thân gần như đứt lìa, đang nằm thoi thóp. Thấy nhà vua, nó cất tiếng nói như người, chính là giọng nữ nhân văng vẳng ban nãy:
''Hoàng thượng! Xin hãy cứu thần thiếp!"
"Ngươi là ai? Tại sao lại ra nông nỗi này?" — Nhà vua gặng hỏi khi nhìn vết thương lớn trên người nó.
"Thần là con gái Bạch xà tướng quân [5], chẳng may lâm nạn, hiện đang rất nguy kịch. Xin Hoàng thượng hãy cứu lấy thần thiếp!"
[5] Bạch Xà tướng quân: Tượng rắn trắng quấn mình trên xà nhà trong điện thờ Mầu miền Bắc, cùng với Thanh Xà tướng quân là tượng rắn xanh.
"Ta phải làm gì?" — Nhà vua cúi người xuống để nhìn gần hơn, đột nhiên con rắn trở mình, quấn chặt lấy chân Hoàng thượng. Đúng lúc đó thì người giật mình choàng tỉnh giấc.
''Ra là một giấc mộng!" — Đại Bảo thở mạnh, cảm thấy mồ hôi lạnh túa khắp cơ thể. Nhưng thật kỳ lạ, giấc mơ vừa rồi không giống với những giấc mơ người từng gặp qua. Cảm giác vô cùng chân thực khiến người không sao gạt ra khỏi đầu óc. Đại Bảo bước xuống khỏi giường, xỏ chân vào giày, bước ra ngoài. Trông thấy nhà vua tiến tới bên cạnh, hai tên lính gác cửa vừa ngạc nhiên, vừa bối rối quỳ rạp xuống kêu lên:
"Hoàng thượng!"
Tiếng hô của bọn chúng khiến những người khác cũng vội vàng quỳ xuống. Nội quan Đinh Phúc gương mặt còn ngái ngủ hớt hải chạy tới, lo lắng gặng hỏi:
''Hoàng thượng! Sao người không ngủ mà lại ra đây? Ngoài này gió lạnh, sương muối, không tốt cho ngọc thể! Phải chăng Long sàng [6] chuẩn bị chưa dược chu đáo khiến người ngủ không ngon giấc? Hay người muốn truyền gọi điều gì?"
[6]: Long sàn: Giường vua nằm.
Nhà vua xua tay, người vẫn còn mải nghĩ về giấc ma kỳ lạ vừa rồi. "Đúng là chỉ có trong mơ mới không thấy bóng dáng binh lính và thái giám xung quanh!" — Vị vua trẻ nghĩ thầm. Phóng tầm mắt nhìn ra xa han, chợt người nhận thấy cảnh vật quanh đây quả thật quen thuộc như đã từng gặp qua.
''Đúng rồi! Đây chính là khung cảnh ta đã nhìn thấy trong giấc mơ!" — Người lẩm bẩm.
"Dạ?" — Đinh Phúc làm bộ dạng khó hiểu.
"Đinh Phúc! Phía trước là gì vậy?"
Viên thái giám quay người, nheo mắt nhìn về hướng Đại Bảo chỉ tay rồi tâu:
"Bẩm, chỉ là một cánh rừng!"
"Chúng ta hãy tới đó!" — Nhà vua ra lệnh, băng băng tiến tới, không để cho viên Nội quan thân cận kịp đưa ra lời can ngăn.
Đinh Phúc trông thấy thế liền hốt hoảng chạy theo, miệng không ngừng gọi lớn:
"Hoàng thượng! Hoàng thượng! Xin người cẩn thận! Đợi nô tài! Đợi nô tài với!"
Thoáng cái, nhà vua đã di chuyển tới gần, đúng như người dự đoán, lối vào khu rừng giống hệt với những gì người nhìn thấy trong giấc mơ, chỉ có điều nhà vua không bước vào đó một mình mà Đinh Phúc đã hất hàm ra hiệu cho một tên lính cầm đuốc tiến lên trước soi đường. Hơn mười năm theo hầu Đại Bảo từ khi người còn là một Hoàng thái tử, viên thái giám hiểu rất rõ con người bệ hạ, một khi đã quyết làm gì thì dù có can ngăn thế nào người cũng sẽ không để lọt tai. Ông ta đành để nhà vua làm theo ý mình, miễn là xung quanh có đông đảo binh lính theo sát hộ vệ.
Đoàn người men theo con đường mòn nhỏ hẹp ấy một quãng ngắn thì đến bên một bờ suối. Lúc này đã khoảng cuối giờ Tý [7], thời tiết giá lạnh khiến màn đêm càng thêm u tịch. Binh lính đốt đuốc sáng rực, đi dọc hai bên bờ suối lùng sục nhưng không thấy có gì khác lạ. Đoàn người tìm kiếm đã nửa canh giờ, viên thái giám nhìn sang thấy ánh mắt vị vua trẻ vẫn luôn chăm chú dõi theo đám lính, mới gặng hỏi:
"Hoàng thượng! Chính xác là người đang tìm kiếm gì ạ?"
[7] Giờ Tý: từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng.
Đại Bảo toan nói cho ông ta nghe về giấc mơ kỳ lạ của mình nhưng lại thấy Đinh Phúc co ro trong tấm áo phong phanh, có lẽ vừa nãy nghe tiếng lính canh hô lên "Hoàng thượng", ông ta liền bật dậy, chạy tới, không kịp mặc thêm áo ngoài. Nhà vua định không kể ra và toan dừng cuộc tìm kiếm vô nghĩa lại. Đúng lúc ấy một tên lính hớt hải chạy đến, hắn quỳ xuống trước mặt nhà vua và Đinh Phức, tâu lên:
"Bẩm Hoàng thượng, chúng thần vừa tìm thấy…”
Đại Bảo không đợi nghe hết câu, vội vã di chuyển về hướng tên lính vừa chạy tới, tại đó, vài tên lính khác đốt đuốc đứng vây quanh một bụi cây dại mọc cách bờ suối quãng chục bước chân.
"Hoàng thượng!" — Đám này quỳ rạp xuống khi nhà vua bước tới gần.
"Có chuyện gì?" — Đinh Phúc cất tiếng trước.
''Dạ muôn tâu, chúng thần phát hiện có tiếng động lạ phát ra từ bụi cây này!"
"Thế đó là gì? Đã ai kiểm tra chưa?" — Viên Nội quan tỏ ra sốt ruột.
”Dạ bẩm... chưa ạ!" — Tên lính bối rối nhận ra sơ suất của mình.
"Hồ đồ!" — Đinh Phúc tức giận — "Các người chưa kiểm tra xem đó là thứ gì mà đã dám chạy đến bẩm báo!"
Đại Bảo không để tâm đến những lời đôi co của hai bên, tiến lại gần hơn, khẽ vén đám lá ra.
"Hoàng thượng!" — Đinh Phúc hoảng hốt kêu lên — "Xin người cẩn thận!"
Nhà vua ra dấu như muốn nói Đinh Phúc không việc gì phải nhặng xị lên. Khi bụi cây được vén ra, thứ mà nhà vua nhìn thấy không phải là con rắn trắng như trong giấc mơ mà là một người con gái. Nàng trần, thứ che phủ lên da thịt nàng không phải là quần áo vải vóc mà là từng vệt máu lớn. Vị vua trẻ nhớ lại trong giấc mơ, con rắn trắng cũng bị thương tích rất nặng, máu chảy loang loáng, thấm đẫm đám cỏ bên bờ suối nơi nó nằm. Người vội vàng cởi áo bào, phủ lên người nàng, rồi bế nàng trong tay, lệnh cho Đinh Phức:
"Mau truyền gọi Thái y!"
Đã qua bảy ngày, bảy đêm từ khi người con gái lạ lùng kia được Đại Bảo phát hiện và cứu sống, nàng vần mê man chưa tỉnh lại. Theo như lời Thái y, vết thương sau lưng nàng là vết chém của đao kiếm. Đó là một vết thương rất sâu và hiểm mà ngay cả đàn ông trai tráng cũng khó vượt qua nổi. Nhưng thật kỳ diệu, cô gái ấy đã sống sót, dù còn hôn mê nhưng sắc mặt nàng đang dần trở nên hồng hào, tươi tắn, thần khí cũng tốt lên rất nhiều, chuyện nàng tỉnh lại không phải là không thể. vì việc này mà chuyến tuần du của Đại Bảo phải tạm dừng lại, thời gian người lưu lại huyện Đông Sơn cũng kéo dài hơn dự kiến. Hoàng thượng đã thuận theo lời Đinh Phúc và viên Chuyển vận sứ di giá về tư dinh của ông ta để tiện việc chữa trị cho cô gái cũng như sinh hoạt của người. Ngày nào người cũng tới thăm nàng ta và thấy rõ tình trạng của nàng chuyển biến theo chiều hướng tốt lên.
Đến ngày thứ mười tám, khi nhà vua đang thư thả thưởng trà, ngắm hoa trong sân vườn thì một nữ tì trong tư gia viên quan huyện chạy đến bẩm báo rằng người con gái nọ đã tỉnh lại, hiện Thái Y đang thăm khám cho nàng. Nhà vua vội vàng di giá tới đó. Khi đến nơi, người thấy nàng đã có thể ngồi dậy. Đại Bảo bước vào gian phòng, Thái Y và đám nô tì liền quỳ xuống khấu đầu cung kính:
''Hoàng thượng vạn tuế!"
"Miễn lễ! Miễn lễ!" — Nhà vua khoát tay ra hiệu cho mọi người nhưng mắt ngài chỉ mải nhìn vào gương mặt cô gái.
Nàng tỏ ra vô cùng bối rối khi chưa thể tùy ý cử động để hành lễ với nhà vua. Hiểu được tâm trạng ấy, Đại Bảo vội nói:
''Cả nàng nữa, trẫm miễn lễ!"
Nói đoạn, người quay sang Thái Y hỏi:
"Bệnh tình của nàng ấy thế nào rồi?"
"Muôn tâu, người đã tỉnh lại tức là bệnh đã được đẩy lùi ạ!"
''Nói như vậy là nàng ấy đã khỏe lại?"
"Dạ thưa, cũng có thể nói là như thế! Tuy cử động còn thấy đau nhưng rồi sẽ mau chóng bình phục hoàn toàn thôi ạ! Hơn ba mươi năm trong nghề, quả thật thần chưa từng thấy qua trường hợp nào gặp phải vết thương nặng mà lại có thể hồi phục nhanh đến thế. Nếu Hoàng thượng nhìn vết thương bây giờ người chắc chắn cũng sẽ vô cùng kinh ngạc, vết chém đã khép miệng, kéo da non, thật là thần kỳ!"
"Được rồi! Chuyện này cũng không có gì quá khó hiểu, ta vốn biết rõ khanh là một Thái y có năng lực xuất chúng! Nếu đã khám xong, khanh có thể lui ra!" — Vị vua trẻ tỏ rõ sự hài lòng.
"Các người cũng lui cả ra!" — Người nói với đám nô tì đang có mặt đó.
Khi tất cả đã lui đi, trong phòng chỉ còn lại Hoàng thượng và cô gái, người mới ngồi xuống giường, bên cạnh nàng, nhẹ nhàng hỏi:
"Bây giờ chỉ còn lại trẫm và nàng, nàng hãy nói cho trẫm nghe nàng là ai? vì sao lại bị thương nghiêm trọng như vậy?"
"Muôn tâu!" — Người con gái rụt rè thưa — "Có thể người sẽ thấy khó tin nhưng thần thiếp vốn khi tỉnh lại đã không còn nhớ gì về thân phận, gốc gác của mình, lại càng không có ý niệm gì về vết thương trên người!"
"Trước khi tìm thấy nàng, trẫm từng có một giấc mơ vô cùng kỳ lạ. Trong giấc mơ, trẫm nhìn thấy một con rắn trắng bị thương rất nặng và cầu xin trẫm hãy ra tay cứu giúp. Rắn trắng nói mình là con gái của Bạch Xà tướng quân. Khi trẫm tỉnh dậy, đã theo những gì nhìn thấy trong giấc mơ, băng qua cánh rừng, đến bên bờ suối và tìm được nàng, với một vết thương giống hệt. Phải chăng đây là ý trời? Là thần linh muốn ban nàng cho trẫm?"
''Thần thiếp..." — Nàng đáp, có chút ngập ngừng — "Nếu người đã tin vào điều đó thì thần thiếp cũng xin được nghe theo!"
Hoàng thượng mỉm cười trìu mến, lặng ngắm vẻ yêu kiều của người con gái: gương mặt thanh tú, nước da trắng hồng, mái tóc đen huyền phủ xuống bờ vai mảnh dẻ, ánh mắt nhìn người vừa rụt rè, vừa tha thiết khiến tâm trí vị Hoàng đế trẻ bị khuấy đảo mạnh mẽ.
Buổi chiều hôm ấy, nhà vua cho gọi Nội quan Đinh Phúc đến và căn dặn:
"Trẫm muốn nạp nàng ấy làm phi tần, nay lệnh cho ngươi ghi lại: nữ nhân Nguyễn Thị Anh [8], người xã Bố vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, nhập cung ngày rằm tháng mười một năm Đại Bảo nguyên niên. Tuyệt đối không được đề cập đến những chuyện khác đã xảy ra, khanh hiểu ý trẫm chứ?"
[8] Nguyễn Thị Anh: Chữ Anh có nghĩa là tinh túy của vạn vật. Chữ Nguyễn gồm Nguyên nguyên nghĩa là trăm họ, dân chúng. Còn một nét trong âm A nghĩa là tựa, tựa vào. Ý là cô gái này nương tựa được hoặc nương nhờ Thiên tử để sống.

"Nô tài tuân lệnh!" — Đinh Phúc liền cung kính đáp lời.

1 comment: