Saturday 2 April 2016

Chương 10

PHẦN III

CHƯƠNG 1: TRỌNG

Bỗng nhiên Tư Thành trở thành nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất ở Kinh thành.
Các vị đại thần phe ủng hộ tất nhiên muốn tìm đến người để bàn việc đại sự, họ cần biết chắc rằng Bình Nguyên Vương có được sự chuẩn bị tốt nhất cho việc lớn lần này. Cuộc đua tranh để ngồi vào được ngôi vị Trữ cung sắp tới thậm chí sẽ còn quyết liệt hơn rất nhiều so với việc chọn lựa Thái tử thường thấy trong Hậu cung. Một ván bài lớn mà các quan đại thần đều phải tham gia đặt cửa là chọn được cho mình một vị chủ nhân thích hợp. Đây không chỉ là việc liên quan đến vận mệnh quốc gia mà còn là sự kiện có thể quyết định tiền đồ của bọn họ sau này. Trong chốn quan trường, đi sai một nước cờ chẳng khác nào như đem tính mạng của mình ra đùa bỡn.
Những người các phe phái còn lại cũng không phải không có việc gì cần tìm đến Bình Nguyên Vương. Bọn họ tất nhiên muốn thăm dò đối thủ như vẫn thường có câu: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".
Không có chung mục đích thâm sâu như các vị kể trên nhưng Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ và cả Diên Trường lại cũng cùng muốn tìm gặp bằng được Tư Thành, không gì khác là bởi vì họ cần xác minh một điều: Ngọc Huyên là ai?
Thị đồng của tứ Vương gia là ai?
Cô gái mà Tư Thành che giấu thân phận là ai?
Tiên nữ trong vườn mai Bình Nguyên phủ là ai?
Nữ nhân mà Thánh thượng đã gặp khi đến tìm Hoàng đệ là ai?
Và người đầu tiên nhận được câu trả lời hóa ra chính là Đà Quốc Trưởng công chúa nhưng đáp án không đến từ Tư Thành mà lại từ mẫu thân nàng, Ngô Thái phi, khi người nhập cung vấn an Thái hậu, và cũng là để thăm con gái.
"Có phải có một cô nương nào đó đang lưu lại phủ đệ nhà ta?" — Diên Trường vồn vã nắm lấy tay Thái phi dò hỏi khi chỉ còn hai người ngồi lại với nhau. Công chúa vì đang quá hiếu kỳ về một chuyện khác mà quên khuấy cả việc vấn an sức khỏe mẫu thân.
"Cô nương?" — Thái phi dặt tách trà xuống bàn, hỏi lại.
''Vâng! Một nữ nhân khá xinh đẹp, trạc tuổi Hoàng đệ!" — Công chúa cố gắng nhớ lại những gì nghe dược từ Bang Cơ.
Lần này Thái phi không phải suy nghĩ quá lâu để biết được đích xác người mà Diên Trường đang nhắc đến là ai. Trong Bình Nguyên phủ, đám con cái của các gia thần dù không ít nhưng người vẫn luôn quan tâm đến từng đứa trẻ, yêu thương chúng chẳng khác nào con cái mình. Không chỉ tên, tuổi, ngoại hình mà đến cả tính cách từng đứa, người chẳng bao giờ nhầm lẫn. Cô gái trạc tuổi Tư Thành, có dung mạo xinh đẹp khiến người khác chỉ cần gặp một lần là nhớ mãi có thể là ai khác ngoài Ngọc Huyên? Nhưng thân thế đặc biệt của nàng khiến Thái phi ngần ngại nhắc đến, ngay cả với Diên Trường. Người dè dặt hỏi lại:
''Sao Công chúa lại thắc mắc về một người chưa từng gặp mặt?"
Diên Trường tỏ ra bối rối trước câu hỏi của mẫu thân. Người không thể giấu được chuyện mình hoàn toàn chưa bao giờ trông thấy người ấy bởi cũng như các Công chúa khác, người sẽ luôn sống trong Hậu cung cho đến khi xuất giá, việc ra ngoài tự do đi lại, gặp gỡ người khác là điều không thể đối với một khuê nữ trong Hoàng thất. Nhưng Diên Trường cũng không thể nói rằng chính Hoàng thượng mới là người đã gặp nàng ta, nếu để việc này đến tai Thái hậu, không hiểu người sẽ giận dữ đến mức nào nữa khi biết được Bang Cơ đã lén xuất cung mà không mang theo đội hộ giá.
"Là bởi... Là bởi trước đây con từng được nghe Hoàng đệ nhắc đến người này nên hiếu kỳ muốn biết!" Công chúa ấp úng, khó khăn lắm nàng mới tìm được lý do có phần hợp lý.
"Đó là con gái của một gia thần trong phủ!"
"Ra chỉ là một tì nữ thấp kém!" Diên Trường thầm nghĩ.
"Nàng ấy tên gì? Bao nhiêu tuổi ạ?" Nàng tò mò hỏi thêm.
"Ngọc Huyên năm nay mười một tuổi, là đứa trẻ được sinh ra ở nhà ta. Đối với Hoàng đệ con mà nói như tiểu muội, đối với ta lại như cốt nhục! vốn ta từng nghĩ nếu Công chúa cũng cùng lớn lên trong vòng tay ta, chắc chắn người và Ngọc Huyên sẽ thân thiết như tỷ muội!"
"Không đâu, con tuyệt đối không thể cảm thấy thân thiết với nữ nhân mà Hoàng thượng ưu ái!" Công chúa nuốt những suy nghĩ ấy vào trong lòng, mỉm cười một cách miễn cưỡng để che đậy tâm sự của mình.
"Đố kị" là cảm giác hoàn toàn mới mẻ, lần đầu xuất hiện trong lòng Công chúa kể từ lúc sinh ra đến giờ. Một người xinh đẹp và cao quý như nàng, lại luôn được Thái hậu hết mực nuông chiều, bao bọc, chưa bao giờ cảm thấy thua kém bất kỳ ai cho đến khi nhận ra không giống như mình luôn chỉ duy nhất nhìn thấy Hoàng thượng, Bang Cơ đã hướng ánh mắt về một người con gái khác.
"Nàng ta mười một tuổi! Ta thậm chí đã hiểu rõ trái tìm mình khi còn nhỏ hơn cái tuổi bây giờ của nàng ta. Nàng ta chỉ là một nữ nhân có thân phận thấp kém nhưng so với ta, thậm chí còn may mắn hơn khi không có mối ràng buộc huyết thống với Hoàng thượng. Để nói chuyên kết tóc se duyên, so với xuất thân và địa vị, chẳng phải đó lại là điều quan trọng hơn sao?"
Dù Công chứa có đối với Hoàng thượng như thế nào đi chăng nửa, trong lòng người, nàng chỉ là một người chị thân thiết cùng lớn lên bên nhau. Nàng tuyệt vọng nghĩ rằng đây mới chỉ là khởi đầu của bất hạnh bởi vì rồi đây Hậu cung này sẽ sớm đón nhận những nữ nhân xinh đẹp như hoa như nguyệt. Ngọc Huyên kia có thể chỉ là một cơn gió mơ hồ thoảng qua trong đời Hoàng thượng nhưng cũng đủ khiến Diên Trường đau khổ. Vậy làm thế nào để nàng có thể bình tâm trước tất cả những diều sẽ xảy đến sau này? Liệu nàng có đủ rộng lượng để không căm ghét tất cả bọn họ, những kẻ sẽ được tiến cung để trở thành phi tần của Hoàng đế?
Nhưng Diên Trường hoàn toàn không biết rằng "Cơn gió mơ hồ" kia lại chính là người duy nhất khiến Công chúa phải suốt đời đố kị.
Hoàng thượng dù nôn nóng cũng không có cách nào biết được điều mình thắc mắc, trong lòng cảm thấy khó chịu vô cùng.
Bang Cơ không thể liều lĩnh một lần nữa lẻn ra khỏi Hoàng cung để đến gặp Tư Thành bởi sự việc lần trước đã bị Công chúa phát giác, tuy người chắc chắn sẽ không thưa lại với Hoàng mẫu nhưng nếu lỡ như lại vì hành động khinh suất mà để người khác trông thấy, rồi đến tai Thái hậu thì chẳng phải cũng khiến Công chúa bị trách phạt vì đã biết chuyện mà cố tình không bẩm báo hay sao? Hơn nữa dù người có muốn bất chấp tất cả thì cũng còn đó Đào Biểu, chắc chắn lần này Đào Nội quan sẽ không vì mệnh lệnh chủ nhân mà nhắm mắt liều lĩnh hùa theo, lần trước để lôi kéo được Biểu, Bang Cơ đã thuận miệng hứa rằng đó là lần đầu tiên và cuối cùng người ra khỏi Cung thành mà không mang theo đội hộ giá, quân tử "Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy" huống hồ người lại đường đường là Thiên tử Đại Việt.
Tư Thành giờ đây lại không phải là người muốn gặp là có thể gặp ngay được. Nếu như trước kia, cứ không quá ba ngày, Bình Nguyên Vương lại vào vấn an Hoàng thượng và Thái hậu thì suốt cả tháng nay không còn thấy bóng dáng Hoàng đệ trong cung nữa. Nếu giờ tùy tiện cho vời người tới gặp thì dù có là Hoàng đế cũng sẽ bị Thái hậu trách mắng, đây chính là diều mà Bang Cơ không muốn đối mặt nhất.
Hoàng thượng không hề biết rằng câu trả lời mà mình mong mỏi có thể tìm thấy ngay ở người gần gũi mình nhất, chính là Diên Trường. Bang Ca cũng đâu hay biết Hoàng tỷ để tâm dến người con gái kia chẳng kém gì mình, cái hôm mà hai người cùng nhau chơi cờ, Diên Trường đã sơ Ý suýt làm lộ ra tâm tư của mình đối với Hoàng thượng nhưng người xưa nay vốn chẳng mảy may nghĩ ngợi về điều này nên Công chúa mới có thể dễ dàng che giấu được bằng lời giải thích qua loa, quả nhiên Bang Cơ tin ngay vào lời nói dối vụng về đó.
Rốt cuộc để biết được nàng là ai, Bang Cơ buộc phải chờ đợi.
Thời gian mà mọi thứ sẽ được hé lộ cũng chẳng còn bao lâu nữa khi mà kỳ sát hạch đặc biệt dành cho các Thân vương đã được ấn định là một tuần sau, đến lúc đó, ngôi vị Trữ cưng cũng sẽ tìm được chủ nhân của mình. Bỗng dưng nhà vua cảm thấy vô cùng tò mò về đề bài mà Thái hậu và các quan Thái học viện dã chọn để đưa ra cho các Thân vương lần này.
Tuy trên danh nghĩa đây chỉ là một kỳ sát hạch thông thường dành cho các Thân vương nhưng tất cả mọi người đều có thể đoán ra được lý do đột nhiên triều đình và Hoàng thất lại tổ chức kỳ thi này, ắt hẳn muốn thông qua đó để định ra chủ nhân của ngôi vị Trữ cung. Bang Cơ rất trông đợi vào việc Tư Thành sẽ thuận lợi vượt qua được thử thách ấy.
Nghi Dân tuy tức giận vì bị Hoàng đệ làm cho hỏng việc nhưng nghĩ lại hành động bất thường không giống với một Khắc Xương hiền lành, nhu nhược thường thấy càng khiến Lạng Sơn Vương thêm khó hiểu. Chắc chắn chuyện này không hề đơn giản chỉ là sự hiểu lầm, và như thế, mối nghi ngờ của Nghi Dân về thân phận của thị đồng kia càng có cơ sở, vậy nên người quyết phải tìm ra sự thật, nếu những gì người nghĩ là đúng thì đây có lẽ chính là quân cờ quan trọng để lật ngược thế cục, giành về phần thắng cho chính mình dù cho kết quả của cuộc thi kia có ra sao.
Trong lúc tất cả mọi người đều đang chờ đợi thời cơ, hoặc im lặng quan sát đối phương thì có một người đã hành động trước.
Tân Bình Vương Lê Khắc Xương, con người xưa nay vốn chẳng có hứng thú với bất kỳ điều gì khác ngoài sách vở, thơ phú, cũng không thường giao du, qua lại với ai, bỗng nhiên tìm ra cho mình một nguồn vui thích mới, ấy là tới vãn cánh chùa mỗi ngày rằm, mồng một hằng tháng.
Chùa Dục Khánh, nằm trên khu đất của thôn Huy Văn thuộc tổng Hoàn Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, "Dục Khánh "tức là"chung đúc sự tốt lành". Đây chính là nơi suốt một thời gian dài, vị phi tần họ Ngô đã che giấu thân phận, chỉ mong mình và Tư Thành có thể sống một cuộc đời yên lành, chay tịnh, tránh xa khỏi những quyền mưu và thị phi. Từ khi người được phục vị, còn Tư Thành được phong làm Bình Nguyên Vương, Thánh thượng đã ban cho Hoàng đệ tư phủ rộng lớn, bổng lộc vua ban dùng đến đời con cháu cũng không hết nhưng người vẫn giữ nguyên nền nếp ăn chay niệm Phật, vừa để thành tâm cầu chúc cho Thái hậu và Hoàng thượng "Vạn thọ vô cương" [1], vừa cầu xin sự bình an cho đám trẻ.
[1] Vạn thọ vô cương: sống lâu trăm tuổi.
Ngày thường, Ngô Thái phi tụng kinh tại phủ, chỉ đến mồng một và ngày rằm mới mang hương hoa lễ lạt lên chùa, nhân tiện vấn an vị sư trụ trì, người đã có ơn cưu mang năm nào. Tất nhiên, Ngọc Huyên luôn vui thích được đi cùng người thăm lại nơi ba anh em từng sống những ngày hồn nhiên thơ bé.
Có lẽ là ý trời để cho Khắc Xương tình cờ gặp được Ngọc Huyên tại chốn ấy.
Không còn nghi ngờ gì nữa, người con gái trong xiêm y sắc hồng tươi mới đứng ngay bên cạnh đây chính là cô gái mà người thầm mong nhớ, lại vốn tưởng không có cách nào gặp lại được.
Buổi chiều hôm người nhầm tưởng Anh Vũ là nàng, lo thân phận nàng bị bại lộ mới vội vàng cầm tay kéo đi, băng qua cả quãng đường dài, quên cả việc dừng lại thở, vậy mà cuối cùng hóa ra người đã lo lắng một việc thừa thãi.
Nhưng cũng nhờ thế, Khắc Xương mới làm sáng tỏ được một điều quan trọng rằng trái tim mình đã thực sự rung động trước một người con gái. Giờ đây, sau bao ngày nhưng nhớ, tương tư đến hao mòn tâm trí, ông trời bỗng run rủi cho người được gặp lại nàng, ngay khi Tân Bình Vương vừa mở mắt, chắp tay, khấu đầu thỉnh cầu Thần Phật.
Ngọc Huyên quỳ bên cạnh, nhắm mắt, lẩm nhẩm cầu nguyện một điều gì đó. Bỗng nhiên Khắc Xương nhớ đến một câu thơ mà tự nhiên bật cười:
Đường tác hợp trời kia run rủi,
Trốn làm sao cho khỏi nhân tình.
Nghe thấy tiếng người cười khe khẽ cạnh bên, Ngọc Huyên mở mắt, khẽ liếc nhìn sang, giật mình nhận ra Tân Bình Vương liền vội vàng hành lễ:
"Khấu kiến nhị Vương gia!"
"Chẳng hẹn mà lại gặp nhau ở chốn linh thiêng này, liệu có phải ông trời đã nghe thấy lời thỉnh cẩu của ta?" Khắc Xương thầm nhủ trong đầu, mỉm cười hỏi nàng:
"Có phải là vị cô nương sân bóng hồi nào?"
"Dạ?" — Ngọc Huyên ngơ ngác. Nàng nhận ra Tân Bình Vương vì những ngày giả trang theo Bình Nguyên Vương tới cung Diên Ninh vẫn thường gặp người, chứ chẳng hề nhớ ra chuyện Khắc Xương chính là người từng giúp mình tránh kịp trái bóng hôm xưa.
"Em không nhớ về chuyện ở sân bóng sao? Thế thì thật là lạ, bởi vì đó là lần duy nhất chúng ta gặp nhau, vậy mà mới nhìn qua em lại có thể nhận ngay ra được ta!" — Khắc Xương cố Ý dò hỏi.
Bất ngờ bị hỏi khó, nàng càng thêm bối rối. Ngọc Huyên lúng túng tìm cách chuyển hướng câu chuyện, nàng sợ rằng cứ tiếp tục e là sẽ càng bị lộ:
''Chẳng hay Điện hạ có thường lui tới đây vãn cảnh chùa?"
''Cũng không hẳn, chỉ là đột nhiên cảm nhận được không khí vui tươi của ngày rằm, thấy mọi người nô nức cùng nhau đi chùa cúng bái, cầu xin sự lành mới chợt nhó ra lâu lắm rồi ta chưa thành tâm cầu khẩn!"
"Dám hỏi Điện hạ muốn cầu khấn điều gì?" Ngọc Huyên vui miệng hỏi.
"Ta cầu để gặp được người ta muốn gặp! Mà hình như đúng như lời đồn rằng ngôi chùa này rất linh thiêng, có vẻ như Phật tổ đã nghe được lời thỉnh cầu ấy!" Khắc Xương nhìn nàng trả lời, cái nhìn như xoáy sâu vào tâm can người đối diện ấy khiến Ngọc Huyên bỗng nhiên cảm thấy bối rối, ngại ngùng, vội cụp mắt nhìn xuống có ý né tránh.
"Ngọc Huyên!" — Tiếng Thái phi gọi nàng cắt ngang mạch câu chuyện giữa hai người.
Khắc Xương quay lại phía sau, nhận ra mẫu thân của Hoàng đệ, liền kính cẩn chào hỏi.
"Ngô Thái phi!"
''Chẳng phải đây là nhị Vương gia ư? Khéo sao gặp chốn này!" Thái phi cười hiền, lại liếc thấy Vương gia và Ngọc Huyên dường như đang dở dang câu chuyện thì lấy làm lạ mới vui miệng hỏi thêm:
''Hai người đã biết nhau từ trước rồi sao?"
"Thưa, trước đây có gặp đôi lần khi đi cùng Hoàng đệ!" — Người lễ phép đáp, không quên đưa ánh mắt nhìn sang kín đáo dò xét nét mặt nàng.
"Là vậy ư?" — Thái phi gật đầu — "Đã gặp đây rồi, chẳng hay Điện hạ có chút thời gian, mời cùng dùng chung với ta bữa cơm chay đạm bạc, cũng vừa hay đến giờ dùng bữa!"
Nhìn mặt trời treo trên đỉnh đầu, Khắc Xương mới nhận ra cũng sắp tới chính Ngọ [2], tuy bụng chẳng đói nhưng lại muốn có thêm chút thời gian ở bên tiểu nữ kia, liền vui vẻ nhận lời.
[2] Giờ Ngọ: Từ 11 giờ trưa đến 1 giở chiều. Chính ngọ là giữa trưa, khoảng 12 giờ.
Cơm chay được dọn ra ở Quá đường [3]. Tuy Phật môn luôn coi chúng sinh bình đẳng nhưng việc để Ngọc Huyên ngồi cạnh dùng bữa cùng mình và ngài trụ trì khiến Tân Bình Vương có cảm giác đối đãi này của Ngô Thái phi không giống như là đang cư xử với kẻ dưới. Người vốn đã thấy lệnh bà không coi nàng là nô tì của mình, giờ lại càng thêm khẳng định về điều cảm nhận đó.
[3] Quá đường: Nơi Tăng chúng đến thọ thực mà tâm không tham trước (theo Từ điển Phật Học Huệ Quang, trang 5752). Quá đường, nghĩa đen; Đường là nhà. Quá là đi qua. nghĩa là chưTãng đi từ Tăng đường, Khách dường. Tẩy đường. Đông đường... đến Trai đường để thọ thực nên gọi là Quá đường hoặc Phó đường.
Mọi người dùng bữa trong yên lặng. Người xuất gia tu hành ngày chỉ ăn một lần gọi là "Nhật trung nhất thực" tức là "Giữa ngày ăn một bữa" và không ăn sau giờ Ngọ, bữa ăn đó gọi là "Thọ trai". Trước khi ăn phải cúng dường, phải tưởng niệm và sau đó giữ chánh niệm trong lúc ăn. Nếu hành giả nghiêm trì và cẩn thận trong bữa ăn như vậy, phước và đức phát sinh và tăng trưởng từ đây. Như vậy, nghi thức thọ trai Quá đường trong Thiền môn, được xem là nghi thức dùng cơm trong chánh niệm áp dụng cho tất cả các bữa ăn. Hành giả cần phải thuộc lòng các bài kệ chú áp dụng trong bữa ăn để giúp mình giữ gìn chánh niệm, không tạp tưởng, mơ màng trong lúc ăn là mục đích chính. Tuy luôn ghi nhớ trong lòng quy tắc ấy của Phật môn nhưng lần này Tân Bình Vương lại không thể buộc mình tuân theo. Nhìn Ngọc Huyên ngồi ngay trước mặt, lòng người xao động một cách kỳ lạ, vì thế mà tâm không cách nào tịnh. Ngay cả cho tới tận khi nàng nói lời từ biệt để theo Thái phi ra về, Khắc Xương vẫn chưa thể kéo tâm trí mình trở lại trạng thái cân bằng được.
"Nhị Vương gia! Phải chăng trong lòng người có điều gì khó nghĩ?"
Khắc Xương quay đầu nhìn lại, ra là ngài trụ trì đã lặng lẽ đến bên tự lúc nào mà người không hề hay biết.
"Ra là Đại Đức Thiền sư! Tại sao người lại hỏi ta như vậy? Chẳng phải ai cũng từng giữ trong lòng những điều không thể chia sẻ với người khác hay sao?"
"Mong Điện hạ bỏ quá cho nếu bần tăng vô phép! Nhưng quả thực lý do bần tăng hỏi người điều đó là bởi theo lý thông thường mọi người đến chùa cầu an để mong được cất nhẹ gánh những mối ưu tư trong lòng nhưng có vẻ như tâm trạng của người bây giờ còn rối bời hơn cả lúc mới bưốc chân vào chốn này khiến bần tăng cảm thấy có chút băn khoăn!"
"Đại sư có thể nhìn ra ư?"
"Đối với những chuyện nhân tình thế thái ở đời, bần tăng cũng có chút ít hiểu biết! Có phải mối ưu tư trong lòng người mang bóng dáng một nữ nhân?"
Khắc Xương im lặng không trả lời, chỉ khẽ thở dài, chắp tay sau lưng mà nhìn về hướng mặt trời sắp lặn khuất núi.
''Thứ lỗi cho lời nói của bần tăng sẽ khiến Điện hạ trăn trở nhưng đối với người con gái ấy nhân duyên là nợ, tình duyên là khổ, vì mắc nợ nhau nên khổ cả một đời, khổ cả một đời cũng chưa chắc đã trả dứt nợ! Dù là với ai thì lương duyên trong kiếp này của cô gái ấy e rằng sẽ phải trải qua không ít bi ai, sóng gió mà vẫn chưa chắc đã được vẹn tròn như sở nguyện!"
"Xin trụ trì hãy nói cho ta những điều mà người biết!"
Đại Đức Thiền sư nhìn kĩ những đường nét trên gương mặt hiền hậu của Tân Bình Vương, suy ngẫm một chút rồi đọc lên mấy câu:
Ngọc nữ thiên đình thác trần gian
Bi thương phải trả lệ ngàn hàng
Một thân, mấy kiếp đền ân oán
Chờ tới ngày Long Phụng cùng hoàn. [4]
[4] Hoàn: Bức tường xây quanh cung điện.
của đại sư là..."
"Có lẽ đó là số phận đã định của người ấy! Bần tăng tin rằng một ngày nào đó người sẽ tự mình giải được đáp án!" Nói đoạn, vị trụ trì cúi đầu hành lễ trước khi quay người bước đi.
Khắc Xương nhìn theo, trộm nghĩ một người chân tu hành khổ hạnh, nhìn thấu nhân gian và lòng người, chắc chắn không bao giờ buông ra những lời dễ dãi, chỉ có điều lời nói của người ấy về "Long Phụng cùng hoàn" — rồng và phượng ở trong cung cấm, giống như là đang ám chỉ vua, hậu nơi Cung thành.
Muốn có "Phụng" phải trở thành "Long", tận sâu thẳm ý nghĩ, Tân Bình Vương bỗng chạm phải một suy tính mà người biết nó có thể khiến cán cân quyền lực trong Hoàng cung thay đổi. Người chỉ còn phải suy xét xem đối với mình điều gì mới là quan trọng nhất: sự kỳ vọng của huynh trưởng? Cuộc đời bình lặng tránh xa mọi gươm đao? Hay người con gái không thể dứt bỏ khỏi tâm trí?
"Ngọc Huyên!"
"Vâng!"
"Anh có thể hỏi em điều này được không?"
"Vâng!"
''Đối với em, ai là người quan trọng hơn cả?"
Ngọc Huyên ngưng tay, ngẩng lên nhìn Anh Vũ. Ánh mắt Vũ không lảng tránh cái nhìn của nàng, đó không phải là gương mặt của một người đang hỏi điều bâng quơ, càng không giống với vẻ đùa vui thường thấy.
"Là mẹ và anh!" — Ngọc Huyên đáp.
"Vậy Điện hạ thì sao?"
"Cũng quan trọng!" — Nàng cụp đôi mắt xuống — ''Vô cùng quan trọng!"
Bàn tay nàng lại tiếp tục chầm chậm đưa thoi mực xoay tròn trong nghiên, màu nước đen lay láy, sóng sánh quện vào thứ ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn cầy được phản chiếu trong đó.
"Còn anh thì sao?" — Ngọc Huyên hỏi mà không ngước nhìn Anh Vũ.
"Là cha!"
Câu trả lời của Anh Vũ khiến Ngọc Huyên quá đỗi ngạc nhiên.
"Cha ư?"
"Phải! Cổ nhân có câu: "Phụ tại, quan kỳ chí. Phụ một, quan kỳ hạnh. Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỹ [5]" tức là "Cha còn, hãy xem chí hướng của người. Cha mất, hãy xem hành vi của người. Trong ba năm không thay đổi đường lối của cha có thể gọi là hiếu vậy." Còn chúng ta những gì biết về cha, chỉ là người mang họ Nguyễn. Trong lòng anh luôn mong muốn được hiểu nhiều hơn về cha, người là ai, khi còn sống là người như thế nào?"
[5] Lời Khổng Tử, sách Luận ngữ, chương 1: Học nhi.
"Ngộ nhỡ..."
"Phụ thân của chúng ta…” Anh Vũ vội ngắt lời như thể hiểu rõ điều mà em gái sắp nói ra, cũng là điều mà nàng ấy vì lo lắng cho mình mới trộm nghĩ đến — "Cha của chúng ta tuyệt đối không thể là loại người vô đạo hay phường trộm cướp bất lương. Tuy mẹ chưa bao giờ kể cho chúng ta nghe về người nhưng anh tin không phải do có điều gì đáng hổ thẹn cần phải giấu giếm, chỉ là vì sợ anh em ta còn nhỏ tuổi, trí tuệ chưa đủ để hiểu được những điều sâu xa. Thường ngày mẹ nuôi dạy, rèn giũa chúng ta vô cùng nghiêm khắc, nhất định là bởi không muốn làm mất mặt phu quân đã khuất núi. Người mà mẹ cả đời kính cẩn thờ phụng chắc chắn phải đáng trọng hơn bất cứ ai, cho nên dù sự thật thế nào tuyệt đối cũng không thể khiến chúng ta cảm thấy thất vọng hay hổ thẹn về gốc gác của mình!"
Ngọc Huyên không bàn luận gì thêm, âm thầm tán đồng suy nghĩ của huynh trưởng bởi nàng cũng tin vào điều đó. Nhưng họ không thể ngờ rằng sự thật mà mẫu thân che giấu bấy lâu nay thực sự quá xa vời so với những gì mà đầu óc non nớt của bọn trẻ có thể tưởng tượng. Phụ thân của họ cùng gia tộc ba đời đã bị kết án tru di bởi tội danh mưu phản, hành thích Tiên đế. Từ cổ chí kim đó vẫn bị xem là tội ác tày đình, vết nhơ muôn đời không thể rửa sạch. Ngọc Huyên, Anh Vũ cùng mẹ là những người cuối cùng trong gia quyến kẻ phạm trọng tội, nhờ vào chút may mắn và sự chở che của Ngô Thái phi mới giữ được tính mạng cho tới ngày hôm nay nhưng lại đang phải sống một cuộc đời chui lủi, ẩn dật. Tuy có rất nhiều điều đáng nghi xung quanh việc kết án Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi năm ấy nhưng không có cách nào để chứng minh cho sự trong sạch của ông, nhất là khi người kiên quyết khép ức Trai tiên sinh vào tội chết lại chính là Nhiếp chính Hoàng thái hậu, người đang nắm giữ quyền lực tối thượng trong triều. Phạm thị quyết định không nói cho hai đứa trẻ về thân thế gia đình vì sợ hai con còn nhỏ chưa hiểu chuyện thì ít mà vì lo ngại chúng sẽ gặp nguy hiểm khi biết được sự thật thì nhiều.

Nhưng dù khéo léo che đậy đến đâu, khi mà bọn trẻ ngày một trưởng thành, những thắc mắc trong lòng chúng cũng ngày một lớn hơn thì không một bí mật nào có thể an toàn mãi được. Chẳng bao lâu nữa, máu và nước mắt sẽ chảy, làm tan biến mọi điều tốt đẹp như thứ vỏ bọc mong manh, để lộ ra hạt nhân tàn độc, đáng sợ của thứ gọi là "Cuộc chiến giành quyền lực".

No comments:

Post a Comment