Saturday 2 April 2016

Chương 12

CHƯƠNG 3: KHỞI
Tháng tám năm Thái Hòa thứ mười một [1], trong Hoàng cung đã diễn ra một cuộc thi đấu vô cùng đặc biệt giữa các vị Thân vương mà mục đích ngấm ngầm của nó chính là để chọn ra người sẽ ngồi vào ngôi vị Trữ cung vốn đã bỏ trống quá lâu.
[1] Thái Hòa năm thứ mười một: Năm 1453 dương lịch.
Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, Tân Bình Vương Lê Khắc Xương, Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành lần lượt ở các độ tuổi mười lăm, mười bốn và mười hai, đều được đánh giá là những nhân tài hiếm thấy, văn võ song toàn, khí chất hơn người. Nhưng mọi người đều có cảm giác Thái hậu và Hoàng thượng dường như đã có sẵn lựa chọn của mình về vị trí người kế vị đó, cho nên cuộc thi này được tổ chức ra chỉ giống như là một cái cớ hay.
Ba vị Hoàng thân mặc Bổ phục [2] màu tía, Bổ tử [3] trên áo thêu hình Kỳ lân, mũ Phốc đầu [4] và đai sừng tê giác [5] đều gắn trang sức bằng vàng thể hiện địa vị tôn quý, đứng giữa triều, hai bên là các vị văn võ bá quan nghiêm trang trong triều phục, xếp thành những hàng thẳng tắp.
[2] Bổ phục: Áo cổ tròn đính Bổ tử.
[3] Bổ tử: Còn gọi là Hung bối, chỉ vuông vải thêu hình chim thú gắn trước ngực và sau lưng áo bào, dùng để phân biệt phẩm cấp của bá quan qua chính con vật được thêu trên dó như sư tử, hổ, báo, sếu...
[4] Mũ Phốc đầu: Loại mũ dáng vuông vức, có hai tầng, tầng sau nhô cao hơn tầng trước là nơi chứa búi tóc, gáy mũ đính hai cánh chuồn nằm ngang. Trên mũ, tùy theo tước hiệu người đeo mà có các trang sức bằng ngọc, bạc, vàng...
[5] Đai sừng tê giác: Thứ phục sức đeo ngang lưng bên ngoài áo bào, đươc gắn các mieiitj trang sức hỉnh tròn, hình quả trám Jàm bằng kim loại hoặc đồi mồi...
"Trẫm từ khi lên ngôi đến nay đã là mười một năm, nhờ có sự phò trợ từ các đại thần mới có thể làm tốt bổn phận của mình với giang sơn, xã tắc, giữ yên được đất nước, làm yên lòng bách tính. Nay cũng đã đến thời điểm trẫm tự mình chấp chính nhưng trước khi đó, trẫm muốn tìm ra một người tài đức vẹn toàn cho ngôi vị Trữ cung, vốn quan trọng nhưng lại bị bỏ trống quá lâu. Nay, các khanh đã tiến cử ba người có tư chất cao quý, phù hợp với ngôi vị đó là Lạng Sơn Vương, Tân Bình Vương và Bình Nguyên Vương, vậy trẫm tổ chức cuộc thi này, lấy làm một trong các căn cứ để có thể chọn ra người xứng đáng nhất để trở thành người kế vị của trẫm."
"Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!" — Văn võ bá quan đồng loạt hô vang ngay khi nhà vua vừa dứt lời.
"Có ba phần thi đấu, ai thắng hai trong ba sẽ là người thắng cuộc. Trong trường hợp chiến thắng chia đều cho cả ba thì sẽ có thêm một phần thi nữa để đưa ra quyết định cuối cùng. Trẫm chắc rằng các khanh đều đã được biết về điều này?"
"Chúng thần đã rõ, thưa Hoàng thượng!" — Nghi Dân, Khắc Xương và Tư Thành đồng thanh xác nhận.
"Tốt lắm! Ban tọa [6]!" — Bang Cơ ra lệnh cho bọn thái giám mang bàn ghế ra cho các Thân vương. Trên bàn có sẵn nghiên mực, giấy, bút.
[6]Ban tọa: cho ngồi.
Sau khi ba vị Vương gia đã ngồi vào ngay ngắn, chỉnh tề, nhà vua mới tiếp lời:
''Chẳng bao lâu nữa trẫm sẽ chính thức chấp chính, người trở thành Trữ cung chính là người mà trẫm có thể tin tưởng để cùng bàn bạc mọi việc triều chính. Vậy với tư cách là Trữ cung, các khanh hãy đưa ra cho trẫm một lời khuyên mà các khanh cho rằng trẫm cần phải luôn ghi nhớ nếu muốn trở thành một minh quân!"
Văn võ bá quan đều tỏ ra bất ngờ trước đề bài của Hoàng thượng. Không chỉ vậy, con người ít khi biểu đạt cảm xúc ra mặt như Thái hậu dường như cũng không giấu nổi vẻ kinh ngạc, cánh tay đang phe phẩy quạt bỗng ngưng lại vài nhịp. Ai cũng đinh ninh cho rằng Hoàng thượng sẽ dùng đến đề bài mà các quan Quốc Tử Giám đã soạn, thật không ngờ đến phút cuối cùng, người đã bất ngờ thay đổi ý định, tự mình đưa ra một đề bài mà chẳng ai được biết trước.
Các Thân vương thận trọng suy nghĩ rồi cầm bút bắt đầu viết ra ý tứ trong đầu mình. Phía bên ngoài, một vài vị quan kín đáo liếc nhìn, cố gắng đoán xem câu trả lời của họ là gì. Và khi cả ba đã đặt bút xuống, viên Nội quan thị hậu chánh trưởng An Quế nhìn lên chờ đợi hiệu lệnh từ Hoàng thượng, thấy người gật đầu hắn mới tiến lại gần, nhận lấy từ các Thân vương tờ giấy ghi đáp án, kính cẩn đưa lên cho nhà vua cùng Thái hậu xem xét. Phía bên dưới, bá quan đều tỏ vẻ ngóng chờ muốn biết các Thân vương đã viết những gì.
Thái hậu giữ vẻ bình thản, ánh mắt quét qua gương mặt từng vị đại thần, rồi dừng lại ở Lạng San Vương, bà cất giọng hỏi:
"Lạng Sơn Vương!"
"Có thần!" — Nghi Dân đứng dậy đáp lời, giữ vẻ cung kính.
"Trong số các Vương gia, khanh là huynh trưởng, vậy theo thứ bậc, khanh hãy là người trả lời trước! Hãy nói cho các vị đại thần có mặt ở đây biết đáp án của mình!"
"Thưa, trong số những lời dạy của Thánh hiền mà thần đã được truyền dạy, có một bài học khiến thần rất tâm đắc, muốn dùng làm lời khuyên gửi tới Hoàng thượng. Hoặc viết: "Dĩ đức báo oán, hà như?" Tử viết: "Hà dĩ báo đức? Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức." Tức là khi nghe người nói rằng: "Lấy ân huệ báo lại oán thù, như thế được chăng?" thì Đức Khổng Tử liền trả lời lại rằng: "Vậy lấy gì báo lại ân huệ? Lấy công chính báo lại oán thù, lấy ân huệ báo lại ân huệ".
"Khanh có thể giải thích rõ hơn không?" — Nhà vua tỏ ra hứng thú.
"Bẩm Hoàng thượng, trong khi Lão Tử, Phật Thích Ca đều chủ trương ''Dĩ đức báo oán" tức là lấy ân huệ báo lại oán thù thì Đức Khổng Tử lại chủ trương "Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức", lấy công chính báo oán thù, lấy ân huệ đền ân huệ, khiến xưa nay nhiều người cho rằng đạo đức trong Nho giáo hẹp hòi và Đức Khổng Tử đang dạy người ta phải báo thù nhưng thần lại không cho là như thế, "Trực" là sự ngay thẳng, dồng thời cũng là sự công chính, thực hiện công chính nghĩa là đem điều chính đến cho mọi người theo lẽ công bằng, có vay có trả. Đức Khổng Tử là bậc thầy nhưng cũng đã từng là một nhà cai trị, vì ngài đã từng là Đại tư khấu, Tể tướng của nước Lỗ, dĩ nhiên ngài phải dạy người ta lấy sự công chính tức là lấy pháp luật để giải quyết oán thù. Trên phương diện trị an, trị vì một đất nước, cần phải tỉnh táo để nhận biết rằng không phải tất cả người trong thiên hạ đều là những người tốt, ngay thẳng, vậy thì đối với kẻ tiểu nhân, phường trộm cắp, nếu áp dụng quy tắc đạo đức "Lấy đức báo oán", có lẽ bọn chúng sẽ tha hồ tung hoành mà không bị trừng trị, đất nước sẽ rối loạn mất."
''Hay! Rất hay!" — Bang Cơ không giấu nổi sự tâm đắc sau khi nghe những lời của Lạng Sơn Vương — "Đối với một xã hội vàng thau lẫn lộn ắt phải dùng luật pháp nghiêm minh để khắc chế tội phạm, đem sự công chính đến cho mọi người! Lời khanh nói cũng rất hợp với Ý trẫm!"
"Đội ơn Hoàng thượng đã khen ngợi!" — Nghi Dân rạp người kính cẩn cúi đầu tỏ vẻ hàm ơn trước lời tán dương của nhà vua.
Không ai nhìn ra một cái khẽ rùng mình của Thái hậu. Người có cảm giác đằng sau câu trả lời của Nghi Dân mang một ẩn ý sâu xa khác. Từng lời của người nói như đang chĩa mũi giáo vào kẻ đã gây nên "Oán thù" cho mình, mà người đó, không ai khác chính là vị mẫu nghi thiên hạ đang ngồi nhiếp chính sau bức rèm châu kia.
Không để Hoàng thượng có cơ hội kéo dài hơn nữa cuộc đối thoại với Lạng Sơn Vương, Thái hậu quay sang Khắc Xương và nói:
"Tân Bình Vương, về phần khanh thì sao?"
Đen lượt Khắc Xương đứng dậy, cung kính tâu lên:
"Thần tài mọn, tự cảm thấy mình không bằng huynh trưởng nhưng nếu được người hỏi, thần cũng xin đưa ra một lời khuyên, vốn là một câu nói của Đức Khổng Tử: "Dân chi ư nhân dã, thậm ư thủy hỏa. Thủy hỏa, ngô kiến đạo nhi tử giả by, vị kiến đạo nhân nhi tử giả dã." Có nghĩa rằng: "Dân chúng đối với đức nhân, rất cần hơn nước lửa. Nước lửa, ta thấy có người giẫm lên mà chết, chưa thấy người giẫm lên đức nhân mà chết".
Bang Cơ suy nghĩ một hồi rồi cất tiếng hỏi:
"Hoàng huynh giải thích rõ hơn xem!"
"Bẩm, chúng ta đều biết nước và lửa là hai yếu tố không thể thiếu của sự sống, vô cùng cần thiết cho dân chúng trong sinh hoạt. Thế nhưng, Đức Khổng Tử cho rằng có một điều còn quý giá và cần thiết hơn hai thứ đó, ấy chính là "Đức nhân". Không có đức nhân chủ trì có nghĩa là không có tình yêu thương giữa người với người, xã hội sẽ bạo loạn, dân chúng sẽ khổ sở khôn xiết. Như vậy, người cai trị dân chúng phải lấy đức nhân làm căn bản trong mọi hành động. ''Giẫm lên đức nhân" không phải là giẫm đạp, chà đạp mà ý của ngài là người trị vì dân chúng hãy xỏ vào chân mình một đôi giày "Đức nhân" để mang đi khắp nẻo đường".
"Vậy vế câu: "Nước lửa, ta thấy có người giẫm lên mà chết, chưa thấy người giẫm lên đức nhân mà chết" là ý làm sao?" — Nhà vua hiếu kỳ.
"Bẩm Hoàng thượng! Ý nghĩa của nó là: nước lửa tuy cần thiết nhưng đã có người giẫm lên nước bị chết đuối, giẫm lên lửa bị chết bỏng. Còn giẫm lên đức nhân, lấy đức nhân làm nền, đâu có ai chết bao giờ. Sâu xa hơn, Đức Khổng Tử muốn nói rằng nhà lãnh đạo nào lấy đức nhân cai trị còn được dân chúng lấy thân làm phên giậu che chở, vì thế mạng sống còn được bảo toàn lâu dài hơn nữa".
"Ra là vậy!" — Bang Cơ gật gù — "Thật sâu sắc, đáng để trẫm phải suy nghĩ!"
Thái hậu liếc nhìn thái độ của các quan trong triều, họ đều tỏ ra tâm đắc với câu trả lời của Tân Bình Vương. Đó là một đáp án xuất sắc, tỏ ra không hề thua kém trí tuệ của người huynh trưởng của mình, thật là một chín một mười khiến người ta khó lòng đưa ra quyết định ngay tức khắc.
Chỉ còn lại Bình Nguyên Vương, người nhỏ tuổi nhất trong số các Thân vương, thậm chí còn nhỏ tuổi hơn cả Hoàng thượng.
“Bình Nguyên Vương, khanh đã khuyên Hoàng thượng điều gì vậy?" — Thái hậu lên tiếng, chuyển hướng sự chú ý của bá quan trong triều.
"Phải, phải! Trẫm cũng muốn hỏi khanh điều đó! Chẳng phải trẫm đã nói rằng muốn được nghe những lời khuyên từ các khanh sao? Thay vì thế, tại sao khanh lại đặt ra cho trẫm một câu hỏi?" — Bang Cơ tỏ vẻ sốt sắng, vừa tò mò, vừa hồ nghi.
Phía dưới, các vị đại thần trở nên xôn xao, kẻ quay ra nhìn nhau, người liếc mắt về phía Tư Thành, lại có vị len lén nhìn lên nét mặt Thái hậu.
"Thưa Hoàng thượng, thần có thể mạn phép xin người đọc lên câu hỏi mà thần đã viết?" — Tư Thành đứng dậy, lễ phép tâu lên.
"Được thôi! Khanh đã viết: "Nhữ văn lục ngôn lục tế hỹ hồ?" Bởi câu khanh viết rất ngắn nên trẫm còn nhớ rõ!" — Nhà vua đọc to lên mà không cần phải nhìn lại tờ giấy đã viết.
"Bẩm Hoàng thượng, câu hỏi ấy nghĩa là: ''Người đã nghe về "Sáu đức" và "Sáu điều che lấp" chưa?" Vậy thần lại xin mạn phép được hỏi các vị ở đây, những người có phẩm hàm cao quý, đều là bậc danh tướng hoặc đại thần, hẳn các vị cũng từng được nghe về "Sáu đức" mà người học đạo quân tử luôn hướng tới ở đời?"
''Các khanh hãy mau trả lời câu hỏi của Bình Nguyên Vương!" — Hoàng thượng ra lệnh — ''Nhập nội hành khiển Đào Công Soạn, khanh thử nói xem!"
"Khải bẩm Hoàng thượng!" — Viên quan Hành khiển bước mấy bước ra đứng giữa đại điện, dõng dạc tâu lên — "Sáu đức ấy là: nhân, trí, tín, trực, dũng, cương."
''Nhập nội đô đốc Lê Ê, khanh có biết về sáu đức này không? Thử nói xem sao?" — Hoàng thượng chỉ về phía một viên quan khác thuộc hàng võ tướng.
''Khải bẩm, vi tướng kém cỏi chỉ là hạng võ biền [7] nhưng cũng xin nêu ra chút hiểu biết nông cạn của mình. Theo thần hiểu, đức nhân là tấm lòng tốt lành, đức trí là năng lực sáng suốt, đức tín là giữ lời đã hứa, đức trực là tính tình ngay thẳng, đức dũng là sự mạnh mẽ, đức cương là tính cứng rắn." — Lê Ê chắp hai tay trước mặt, giọng nói oang oang.
[7] Võ biền: là hai từ Việt gốc Hán “vũ biền” với nghĩa gốc là “mũ quan võ thời xưa”. Nghĩa phát sinh của nó ám chỉ loại người chỉ có sức mạnh cơ bắp mà không có đầu óc. Thời phong kiến quan văn không thích quan võ và miệt thị giới võ quan là “võ biền.”
''Những điều các vị đại thần nói đều đúng, đó là sáu đức mà những người bước vào đạo quân tử thường ưa thích, giữ mình tuân theo. Vậy còn "Sáu điều che lấp" mà khanh nhắc đến là gì?" — Nhà vua lại hỏi Tư Thành.
''Bẩm Hoàng thượng! Người ta thường chỉ chú ý đến sáu đức: nhân, trí, tín, trực, dũng, cương, cho rằng muốn trở thành người quân tử, nhất thiết phải có được sáu đức ấy, và ngược lại, khi sáu đức ấy tụ hội sẽ tạo nên một người quân tử chuẩn mực."
''Đúng! Nho giáo luôn đề cao những đức tính ấy, và trẫm cũng cho rằng dù không thể đạt tới điểm hoàn mỹ nhưng nhất thiết bản thân cần phải rèn luyện để có được sáu đức quý báu kia".
"Thưa, xin thứ lỗi cho thần nói thẳng!" — Bình Nguyên Vương mỉm cười, người biết bây giờ mới thật là lúc thích hợp để giãi bày hết ý tứ của mình — "Sáu đức ấy quan trọng nhưng điều càng quan trọng hơn chính là cái cách mà người ta hiểu về nó, học theo nó. vậy nên mới sinh ra sáu điều che lấp và làm hỏng sáu đức mà nếu không biết thì hậu quả của sự ưa thích sẽ dẫn đến nguy hiểm."
''Hãy nói rõ hơn đi!" — Bang Cơ nhoài người lên phía trước, chăm chú lắng nghe.
''Đức Khổng Tử nói: "Hiếu nhân, bất hiếu học, kỳ tế dã ngu" nghĩa là "Thích đức nhân mà chẳng thích học, điều che lấp là ngu muội". Nó giống như việc vì ngu muội, mù quáng mà đem tấm lòng tốt lành, tử tế của mình đi đối đãi với kẻ tàn nhẫn, xảo quyệt, ắt có ngày bị lường gạt, lợi dụng. Vậy chẳng phải là ngu muội chính là điều che lấp, làm hỏng đức nhân đó sao? Vì thế, cần phải học để biết cách thể hiện đức nhân một cách thích đáng trong từng trường hợp". "Đúng lắm!" — Vị vua trẻ reo lên thích thú.
"Tương tự như vậy, đức trí là năng lực sáng suốt, sự thông thái hơn người nhưng chính nó lại dễ khiến con người ta trở nên kiêu ngạo, khinh người và dễ nảy sinh hành động phóng túng. Đức tín giữ lời hứa để tạo niềm tin nơi mọi người nhưng nếu không học để biết cần phải dè dặt trong lời hứa thì dễ dẫn đến việc vướng vào những lời hứa làm tổn hại đến mình.
Người ưa thích đức trực là người ngay thẳng nhưng cũng chính những người này nếu thiếu sự hiểu biết lại thường mắc phải cái tật sỗ sàng, gắt gao khiến người khác phải ghét, như thế không thể hòa đồng với mọi người được. Đức dũng là sự mạnh mẽ, cần phải học để biết nên phát huy năng lực ấy ra sao, nếu mạnh mẽ quá mức, dẫn tới không biết kiểm soát bản thân, người ta sẽ trở thành kẻ phá rối, như một dòng nước lũ, lợi ít mà hại nhiều. Cuối cùng, đức cương là tính cứng rắn, cương quyết, Lão Tử có câu: "Thái cương tắc chiết" tức là "Cứng quá thì bị gãy", người cứng rắn thái quá dễ sinh ra ngông cuồng, bạo ngược, vì thế cần phải học để biết lúc nào cần cương, lúc nào cần nhu, ứng xử sao cho khôn khéo, hạn chế được sự tổn hại đến bản thân và mọi người".
''Ra là như vậy! Kể cả những điều được coi là tốt đẹp cũng sẽ trở nên có hại nếu ta không biết tiết che!" — Nhà vua tư lự suy xét.
''Câu nói đầy đủ của Đức Khổng Tử khi người dạy học trò về sáu đức và sáu điều che lấp là..." — Bình Nguyên Vương tiếp lời — "Hiếu nhân, bất hiếu học, kỳ tế dã ngu. Hiếu trí, bất hiếu học, kỳ tế dã đãng. Hiếu tín, bất hiếu học, kỳ tế dã tặc. Hiếu trực, bất hiếu học, kỳ tế dã giảo. Hiếu dũng, bất hiếu học, kỳ tế dã loạn. Hiếu cương, bất hiếu học, kỳ tế dã cuồng." Thích đức nhân mà chẳng thích học, điều che lấp là ngu muội. Thích đức trí mà chẳng thích học, điều che lấp là phóng túng. Thích đức tín mà chẳng thích học, điều che lấp là tốn hại. Thích đức trực mà chẳng thích học, điều che lấp là sỗ sàng. Thích đức dũng mà chẳng thích học, điều che lấp là phá rối. Thích đức cương mà chẳng thích học, điều che lấp là ngông cuồng. Như vậy, thưa Hoàng thượng, đối với một người muốn thực thi công lý, làm những việc lớn, điều hành đất nước, cai trị lòng dân, việc học là không thể lơ là, xem nhẹ. Hơn nữa, thần còn muốn nhấn mạnh với người rằng, không có điều gì thái quá mà còn giữ được sự tốt lành, kể cả những thứ mà thường ngày ta coi là tốt đẹp. Khi thiên hạ được xem là quá thái bình, dân chúng sẽ nảy sinh lười biếng, ỷ lại, khi quân đội được xem là quá hùng mạnh, binh sĩ sẽ nảy sinh kiêu căng, cuồng loạn. Sự thái bình và hùng mạnh ấy giống như một lớp vỏ che đậy sự mục ruỗng âm thầm đang xảy ra bên trong, sống trong vỏ bọc ảo tưởng, người ta dễ đánh mất cảnh giác, không biết trù bị cho mình, cho nên chỉ cần một biến cố nhỏ xảy ra cũng dễ khiến tất cả sụp đổ, đến lúc ấy mới xoay xở thì đã quá muộn. Là chủ quốc gia, người cần phải luôn mở to mắt để nhìn ra được những điều thái quá ấy bởi vì đằng sau nó sẽ tiềm ẩn sự bất ổn có thể gầy ra quả khôn lường".
Tư Thành vừa nói dứt câu, trong triều lại nổi lên những tiếng xầm xì bàn tán và cả tấm tắc ngợi khen của các vị văn võ bá quan, họ không giấu nổi sự kinh ngạc và thán phục dành cho Bình Nguyên Vương.
"Vậy vì sao khanh không nói rõ tất cả những điều đó ngay từ đầu mà lại dùng cách đặt câu hỏi cho Hoàng thượng?" — Thái hậu nói vọng ra từ sau bức rèm.
''Bẩm, thần không có ý làm trái với yêu cầu của Hoàng thượng nhưng lại nghĩ một câu nói dài dòng giống như dòng nước chảy đi, dễ dàng trôi mất, không kịp thấm vào lòng đất. Chi bằng, thần đặt ra một câu hỏi và kích thích người tự tìm ra câu trả lời trong đó. Con người bản tính vốn hiếu kỳ, đứng trước một ẩn số, khó lòng không nảy sinh ham muốn khám phá, tìm hiểu. Một chút thử thách không khiến con người ta vội nản chí, trái lại, khi đáp án được hé lộ, nó sẽ càng trở nên lý thú, dễ nhớ, như vậy mới khiến Hoàng thượng có thể ghi nhớ mãi trong lòng".
Bang Cơ vỗ hai bàn tay vào nhau để ngợi khen cho những lý lẽ sắc sảo của Bình Nguyên Vương. Dù luôn biết Tư Thành là một cậu bé thông minh nhưng người quả không ngờ Hoàng đệ của mình lại có thể bản lĩnh đến vậy.
"Hoàng thượng, người hẳn đã có được đáp án của mình về người chiến thắng vòng thi thứ nhất này rồi chứ?" — Thái hậu lên tiếng nhắc nhở mọi người về mục đích cuối cùng của màn đối đáp này.
"Với tư cách Thiên tử, trẫm sẽ không từ chối lời khuyên nào trong ba điều mà các Thân vương vừa nói. Do đó, trẫm không thể đánh giá được ai hơn ai. Trẫm chọn cả ba người!"
Tiếng xầm xì lại nổi lên, rõ ràng, Hoàng thượng trở nên rất kỳ lạ, không giống như đứa trẻ thường ngày vẫn ngoan ngoãn, im lặng ngồi nghe thiết triều. Hôm nay, người tỏ ra là một vị Hoàng đế có chính kiến rõ ràng, không chịu làm theo sự sắp xếp có sẵn của bất kỳ ai.
"Các khanh, sau khi nghe ba câu trả lời, trẫm muốn các khanh hãy tự chọn ra người khiến các khanh cảm thấy xứng đáng giành chiến thắng nhất! Hãy đến và đứng sau người các khanh lựa chọn!" — Nhà vua ướm hỏi các đại thần.
Bá quan văn võ trong triều lập tức chia làm ba nhóm với số lượng ngang ngửa nhau. Khắc Xương kín đáo liếc mắt đánh giá tình hình. Vậy là, dù câu trả lời của ba huynh đệ người thế nào thì trong lòng các vị đại thần kia vốn đã có sẵn đáp án về người chủ nhân mà họ ủng hộ.
"Thái hậu, phải chăng người cũng đã có quyết định của mình?" — Bang Cơ ướm hỏi Thái hậu.
''Ta không dùng nội dung các câu trả lời để đánh giá, bởi giống như Hoàng thượng đã nói, trên cương vị là một quân vương, cả ba lời khuyên dành cho người là hoàn toàn đúng đắn và xuất sắc, người cần phải thu nạp tất cả, chính vì thế không thể nói rằng ai hơn, ai kém. Điều mà ta dựa vào để đánh giá các khanh chính là các khanh đặt mình ở vị trí nào khi đưa ra lời khuyên với Hoàng thượng".
Ngưng một lát, Thái hậu mới tiếp tục:
''Lạng Sơn Vương!"


"Có thần!"
"Lời khanh nói rất xác đáng khiến Hoàng thượng vô cùng tâm đắc! Khanh đã đứng ở lập trường của ai để đưa ra lời khuyên ấy?"
"Thưa, thần luôn có suy nghĩ muốn khuyên nhủ một người, trước hết phải hiểu được tâm tư của người ấy, chính bởi vậy thần đã đứng lập trường của Hoàng thượng để suy nghĩ và đưa ra lời khuyên ấy!"
"Tân Bình Vương!"
''Muôn tâu, có thần!"
"Còn khanh thì sao?"
"Thưa, thần cho rằng quốc gia lấy dân chúng làm gốc rễ, giang sơn lấy bá tánh làm chuẩn mực, bởi thế thần mạo muội đưa ra lời khuyên nhủ Hoàng thượng khi bản thân tự xem mình là một thần dân bé nhỏ trong số hàng vạn con dân của người".
"Vậy Bình Nguyên Vương, khanh lấy tư cách gì để khuyên Hoàng thượng?"
"Thưa, khi đặt cho người câu hỏi, thần lấy tư cách là một người bạn. Khi yêu cầu người đọc nó lên và tìm lời giải đáp, thần lấy tư cách là một người thầy – Đến khi đáp án đã dần sáng tỏ, thần giải thích cặn kẽ lại cho người với tư cách là một quân sư. Trong cả quá trình ấy, thần lại tự coi mình là một bề tôi thân tín".
"Các khanh!" — Thái hậu tiếp lời — "Nên nhớ rằng, người đang yêu cầu các khanh lời khuyên là một vị vua, một nhà cai trị, cho nên, lập trường các khanh nên đứng, vị trí các khanh nên đặt mình vào không phải là Hoàng thượng, không phải là thần dân mà là những người thực thi luật pháp của người với dân chúng, mang nguyện vọng của dân chúng đến với người. Trữ cung là một người như thế, người cạnh Hoàng thượng, là bạn, là thầy, là quân sư nhưng không bao giờ được phép có hành động, suy nghĩ vượt ra khỏi giới hạn bề tôi, hay quá tách mình ra khỏi quyền lợi của Hoàng tộc".
Thái hậu dừng phe phẩy quạt, đứng lên, vén rèm bước ra, dõng dạc tuyên bố với bá quan:
''Chính vì lẽ đó, lựa chọn của ta là Bình Nguyên Vương!"
Hoàng đế không bác bỏ ai, văn võ bá quan trong triều lại chia làm ba phe ngang ngửa. Chính vì thế, lựa chọn của Hoàng thái hậu mang tính quyết định.
Vậy là vòng thi thứ nhất khép lại và người thắng cuộc là Tư Thành. Nhưng thay vì một chiến thắng gượng ép khi mà ai nấy đều biết Thái hậu và Hoàng thượng đều mong muốn điều dó xảy ra thì Bình Nguyên Vương đã xuất sắc khẳng định được mình là người hoàn toàn xứng với chiến thắng đó.
Chỉ còn hai vòng thi nữa, nếu Bình Nguyên Vương lại tiếp tục thể hiện được sự vượt trội thì ngôi vị kia sẽ thuộc về người trong sự tâm phục, khẩu phục của văn võ bá quan.
Hoàng thái hậu đã có một sắp xếp nho nhỏ để đảm bảo được điều ấy. Tuy là phần thi thứ nhất đã xảy ra một số chuyện ngoài tính toán như đề bài đã chuẩn bị trước bị Hoàng thượng bỏ qua, người cũng không ra mặt ủng hộ Hoàng đệ của mình nhưng may mà tất cả vẫn diễn ra suôn sẻ. Ở phần thi thứ hai Thái hậu càng chắc chắn sẽ không ai có thể gây trở ngại làm ảnh hưởng tới kết quả người mong muốn. Việc Bình Nguyên Vương trở thành Hoàng thái đệ đã hiển nhiên bày trước mắt.

Thái hậu giấu cái mỉm cười sau chiếc quạt, hạ lệnh cho đoàn người di chuyển ra trường đua.

No comments:

Post a Comment