Saturday 2 April 2016

Chương 13

CHƯƠNG 4: ẨN
Thấy em gái cứ vuốt đi vuốt lại những nếp áo trên bộ trang phục của mình, Anh Vũ liền nắm lấy tay Ngọc Huyên, cúi xuống, nhìn vào đôi mắt đầy lo lắng của nàng, tìm lời dịu dàng nhất để trấn an:
"Đừng lo, Ngọc Huyên! Anh sẽ làm được, nhất định không phụ sự mong mỏi của lệnh bà và Điện hạ! Hơn nữa..." — Vũ ngập ngừng giây lát — "Chưa chắc Điện hạ đã cần đến sự giúp đỡ của anh. Thái bảo đại nhân đã chẳng nói rằng chỉ cần thắng hai trong ba phần thi sẽ người chiến thắng chung cuộc đó sao? Chúng ta hãy chờ tin tốt từ Hoàng cung!"
Ngọc Huyên khẽ gật đầu, cố gắng nặn ra một nụ cười để làm an lòng huynh trưởng. Trong thâm tâm nàng cũng có cùng suy nghĩ với Anh Vũ nhưng không hiểu sao lòng vẫn nóng như lửa đốt. Thời gian cùng Bình Nguyên Vương tới Kinh Diên luyện chữ, nàng đã được biết về tài năng của các Hoàng thân và con cái những gia đình quyền quý, ai ai cũng tỏ ra thông minh, sáng dạ, nhất là hai vị Hoàng huynh của Bình Nguyên Vương, xét về tuổi tác, Tư Thành còn nhỏ hơn họ, xét về tư chất, cả ba người đều được thầy giáo hết lòng ngợi khen là xuất chúng, xưa nay hiếm thấy, bên tám lạng, người nửa cân, khó mà phân định được ai tài giỏi hơn ai.
Tiếng mõ văng vẳng vọng ra từ nhà lớn, nơi Thái phi cùng những người phụ nữ trong phủ đang chăm chú tụng kinh niệm Phật, thành tâm cầu nguyện để Bình Nguyên Vương có thể vượt qua được thử thách này.
Ai cũng muốn làm một điều gì đấy có ích, chí ít là trên phương diện tinh thần, chỉ có Ngọc Huyên là cảm thấy mình vô dụng, thậm chí nàng còn chẳng đủ bình tâm để cùng ngồi xuống tụng những bài kinh tốt lành kia.
Đúng lúc ấy, tin tức từ trong cung truyền tới, người quản gia dắt người đưa tin vào giữa sân lớn, vui mừng nói lớn cho mọi người cùng được biết:
"Bình Nguyên phủ có tin tốt lành!"
Người lớn, người nhỏ, người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà, ai nấy đều bỏ dở việc đang làm, chạy ùa tới, lao nhao hỏi:
"Có tin tốt lành! Điện hạ đã chiến thắng sao?"
Phạm phu nhân đỡ Ngô Thái phi đứng dậy, đám người làm thấy chủ nhân bước tới liền dạt cả sang hai bên nhường lối cho người đi. Trông thấy Thái phi, người đàn ông nọ mới quỳ xuống hành lễ, chắp tay mà tâu:
"Thưa lệnh bà, hết phần thi thứ nhất tứ Vương gia được đích thân Hoàng thái hậu điện hạ chọn là người chiến thắng, văn võ bá quan cùng các vị Vương gia khác đều phải tâm phục khẩu phục trước kết quả đó! Nội tình thế nào, xin hãy đợi tới khi Thái bảo đại nhân về để hỏi rõ! Đại nhân lo lệnh bà nóng ruột nên đã sai nô tài chạy về đây bẩm báo. Bây giờ nô tài phải mau chóng quay lại trường thi, chắc giờ phần thi thứ hai đã bắt đầu!"
"Chẳng hay phần thi thứ hai là gì?" — Bà nhỏ nhẹ hỏi.
"Thưa, là thi bắn cung trên lưng ngựa ạ!"
Những tiếng xì xào lại rộ lên. Người trong Bình Nguyên phủ ai ai cũng biết hai món mà Tư Thành thành thục nhất chính là bắn cung và cưỡi ngựa bởi người cùng Anh Vũ vốn được đích thân Đinh Thái bảo dốc lòng kèm cặp. Chẳng thế mà người ta vẫn thường nói đùa rằng Bình Nguyên Vưcrng biết cưỡi ngựa trước cả tập đi.
''Vậy là chắc thắng rồi!" — Một người không kìm được sung sướng reo lên khe khẽ.
"Lão Đại, đừng nói trước điều gì!" — Ngô Thái phi lên tiếng nhắc nhở gia thần, đoạn người lại quay ra nói với người đưa tin: "Ngươi mau quay trở lại bên đại nhân kẻo trễ!"
"Nô tài xin đi trước!" — Người đàn ông khấu đầu vội vã rút lui.
"Nghe thấy không Ngọc Huyên!" — Anh Vũ quay sang nhìn nàng, mỉm cười rạng rỡ — "Anh chẳng đã nói với em rằng Điện hạ sẽ dễ dàng giành được chiến thắng sao? Phần thi thứ hai này chắc chắn người cũng sẽ không thể thua! Anh theo Điện hạ từ nhỏ nên rất hiểu tài nghệ cưỡi ngựa dùng cung của người ở tuổi đó khó ai sánh kịp!"
Ngọc Huyên thở phào nhẹ nhõm.
"Thật là may! Nếu không thì anh cũng không biết mình có gánh vác nổi trọng trách này không nữa! cầu trời cầu Phật để mọi việc diễn ra suôn sẻ, không phải dùng đến phần thi thứ tư để phân định thắng thua!" — Anh Vũ chắp hai tay vào nhau, ngửa mặt lên trời cầu khẩn.
Trong thâm tâm Vũ đã sớm tin rằng chiến thắng của Bình Nguyên Vương dường như đã ở ngay trước mắt.
Đề bài của phần thi thứ hai đã được công bố là cưỡi ngựa và bắn cung. Nhưng đến khi chiếc khăn phủ được lật lên để lộ ra vũ khí mà ba vị Hoàng thân sẽ dùng trong thi đấu, tất cả đều không khỏi kinh ngạc.
Thái hậu giấu nụ cười đắc thắng trong một cái nhếch mép rất nhẹ, liếc mắt về phía viên Nội quan thị hậu chánh trưởng ra hiệu cho hắn tiếp tục công việc của mình.
"Hẳn các vị đều từng nghe về giai thoại chiếc nỏ thần mỗi phát bắn được hàng trăm mũi tên do Tướng quân Cao Lỗ làm từ móng thần Kim Quy trong thời Thục Phán An Dương Vương và đặt tên là "Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ" [1]. Đương thời, đây chính là thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc, giúp An Dương Vương nhiều lần đánh tan quân Nam Việt, khiến Triệu Vũ Đế [2] phải xin cầu hòa." Viên Nội quan nâng chiếc nỏ lên và nói — "Trong thực tế, Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ do tướng quân Cao Lỗ làm ra là loại nỏ một phát bắn được nhiều mũi tên, đầu các mũi tên lại được bọc đồng nên có độ sát thương lớn khiến quân địch thương vong vô số, hàng ngũ rối loạn, kẻ chết, kẻ bỏ chạy giữ thân, chẳng mấy chốc mà tan tác, quân đội không còn sức chiến đấu! Đáng tiếc, Thục Phán An Dương Vương tuy có thể đánh tan được thù ngoài nhưng lại không phòng được giặc trong! Sau khi nhận lời cầu thân của Triệu Vũ Đế, cho phép Trọng Thủy được kết duyên cùng con gái mình là Mỵ Châu, chẳng bao lâu sau, bí mật về chiếc nỏ, loại vũ khí đã giúp Âu Lạc đứng vững trước sự xâm lăng của quân thù, đã bị Trọng Thủy đánh cắp mang về. Âu Lạc thất thủ trước quân Nam Việt, An Dương Vương tự tay trảm con rồi trầm mình xuống biển. Rồi nhiều năm sau, khi Nam Việt bị nhà Hán ở phía Bắc thôn tính, chiếc nỏ và kĩ thuật làm ra nó cũng bị thất truyền."
[1] Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ: Có rất nhiều sách và nguồn ghi chép khi nhắc về tích An Dương Vương và nỏ thần nước Âu Lạc đều gọi nó là "nỏ thần Liên Châu". Tuy nhiên, Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ của tướng quân Cao Lỗ và nỏ liên châu do Khổng Minh Gia cát Lượng chế ra là hai chiếc nỏ khác nhau và có lẽ công dụng của chúng cũng khác nhau.
[2] Triệu Vũ Đế: Tức Triệu Đà
"Một chiếc nỏ không làm nên thần thánh!" — Thái hậu lên tiếng — "Mà bí quyết làm ra và sử dụng nó mới khiến cho thần thánh phải đứng về phía chúng ta! Tuy những chiếc nỏ trước mặt các khanh không phải là loại nỏ thần diệu một phát bắn được nhiều mũi tên như Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ nhưng so với dùng cung, dùng nỏ trong thực chiến giúp cho người sử dụng chỉ cần dùng một tay vẫn có thể ngắm bắn chính xác. Đối với kỵ binh, là những binh sĩ chiến đấu trên lưng ngựa, loại vũ khí này tạo ra một lợi thế rất lớn khi vừa có thể cầm cương khiển ngựa, vừa nhắm bắn kẻ thù. Vì thế ta đã quyết định đổi loại cung bắn thông thường thay bằng loại vũ khí này trong phần thi thứ hai của các Thân vương!"
"Như vậy có phải là đã làm mất đi tính công bằng hay không, thưa Thái hậu bệ hạ?" — Nhập nội thái úy Lê Lăng lên tiếng tỏ ý phản đối. Tuy không nói thẳng ra nhưng ai cũng biết "Tính công bằng" mà Lê Thái úy nói đến là ám chỉ việc thầy dạy võ của Bình Nguyên Vương chính là Đinh Thái bảo, người từng là vị võ tướng uy dũng khi xông pha trận mạc, những vũ khí dùng trong thực chiến như gươm, đao, cung, kiếm và kể cả loại nỏ kia, chắc chắn Tư Thành đã được Thái bảo đại nhân này truyền dạy, trong khi đó Lạng Sơn Vương và Tân Bình Vương chỉ được học về những loại vũ khí cơ bản.
"Sự công bằng mà khanh nói chắc hẳn có liên quan đến sự hậu thuẫn mà tứ Vương gia có được?" — Thái hậu đọc ra ý nghĩ của Lê Thái úy — "Xuất thân là một trong những thứ con người ta không thể tự mình lựa chọn. Sự ưu ái của số mệnh sẽ quyết định người vinh quang và kẻ tầm thường, giống như việc Hoàng thượng sinh ra để làm Thiên tử trong khi những đứa trẻ khác mãi chỉ là kẻ bề tôi, trong trường hợp này, "công bằng" mà khanh nói đến có phải là đã có chút mạo phạm không?"
"Bẩm, thần thật không có ý đó!" — Lê Lăng bối rối.
"Ta biết khanh không có ý đó, càng không có ý trách móc gì khanh! Nhưng tiện nhắc tới hai chữ "công bằng", ta cảm thấy hậu thuẫn là một điều quan trọng mà người làm chính trị cần phải có, chẳng phải thông qua sự lựa chọn của chính các khanh về người thắng cuộc trong phần thi thứ nhất, tất cả chúng ta đều đã thấy rõ rằng các khanh ủng hộ ai trong ba vị Thân vương đây sao? Các khanh hãy làm đúng phận sự của mình, đừng băn khoăn về hậu thuẫn của người khác!"
Lời Thái hậu nói chẳng khác nào đang cảnh cáo những kẻ thuộc phe cánh chống đối mình. Thái hậu biết rằng chừng nào người còn là Nhiếp chính Hoàng thái hậu thì chừng đó những kẻ có ý bất tuân theo sẽ không thể có chỗ đứng trong triều đình này.
Nhưng thời điểm Hoàng thượng có thể tự mình chấp chính đang đến rất gần, đây chính là thời cơ tốt để những phe phái không vừa mắt với Thái hậu ngoi lên. Trước khi ngày đó đến, địa vị và sức ảnh hưởng của người trong triều cần phải được củng cố bằng ngôi vị Trữ cung mà không ai khác ngoài Bình Nguyên Vương được phép ngồi vào, nếu không, sớm muộn gì Thái hậu cũng sẽ bị đẩy lùi vào Hậu cung, chấp nhận sống một cuộc đời mờ nhạt và an phận như hầu hết các vị "mẫu nghi thiên hạ" của những triều đại trước.
"Để gạt bỏ đi những suy diễn vô lý của các khanh, ta có thể nói cho các khanh biết lý do khiến ta buộc phải thay đổi loại cung bắn chính là vì sự an nguy của các Thân vương. Các khanh thử nghĩ xem, tuy các Thân vương đều tài năng hơn người, thành thục cưỡi ngựa nhưng tuổi trẻ thường ham mê chiến thắng, nếu vì mải mê ngắm đích trong lúc bắn mà buông dây cương quá lâu, chẳng may ngã ngựa thì hậu quả thật khôn lường, cho nên với loại vũ khí này, các Thân vương có thể sử dụng ngựa một cách an toàn hơn. Đã biết như vậy, nếu ai còn cho rằng đổi vũ khí là không công bằng thì cứ việc đứng ra phía trước, nếu quá nửa đồng ý với ý kiến đó, ta sẽ để cuộc thi đấu được diễn ra với loại cung thông thường. Nhưng một khi các Thân vương gặp phải chuyện gì không may ảnh hưởng tới thân thể thì những người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Hoàng thượng và ta!"
Thái hậu dứt lời, các vị đại thần quay ra nhìn nhau, không giấu được sự phân vân, chờ đợi một người đầu tiên bước ra nhưng không có ai cả. Họ làm sao dám đưa đầu mình ra để đảm bảo rằng trong lúc thi đấu, ba vị Hoàng thân tuổi còn niên thiếu kia không vì chút sơ sẩy hoặc mê mải mà xảy ra sát thương ngoài mong muốn. Rốt cuộc, trong vụ cá cược này, Thái hậu đã chiến thắng bằng một đòn tâm lý không dễ đối phó.
Cơn đau ập đến, bất ngờ và quằn quại khiến Anh Vũ tái mét mặt, đổ mồ hôi lạnh khắp người. Vũ co gập người lại để giảm bớt những hồi thúc như muốn đâm thủng bụng mình từ bên trong.
"Anh, chuyện gì thế?" — Ngọc Huyên chạy vội tới đỡ lấy Anh Vũ, lo lắng đến cuống lên.
"Đau... bụng anh đau quá!" — Vũ thều thào.
"Để em gọi người tới giúp!" — Ngọc Huyên đỡ Anh Vũ nằm lên giường, toan chạy đi thì Vũ đột ngột giữ chặt lấy tay nàng, ánh mắt nhìn nàng hoang mang cực độ.
"Việc của Điện hạ phải tính sao đây?"
"Anh đừng nói nữa kẻo lại càng đau hơn!" — Nàng cố gắng trấn an Anh Vũ — "Phải tìm cách chữa trị cho anh đã, những việc khác anh... đừng nghĩ đến nữa!"
Nói rồi, nàng buông tay ra, chạy đi cầu cứu những người lớn trong phủ. Trong lòng Ngọc Huyên bỗng hoang mang cực độ, mọi thứ dường như đang rất suôn sẻ, bỗng hóa thành nắm tơ vò rối bời mà những tin xấu lại dồn dập xảy đến một lúc khiến người ta càng thêm có dự cảm bất an.
Ba cột đích bắn tạo thành ba đỉnh tam giác đều nằm tâm đường tròn có đường kính mười trượng được rải đầy đá dăm để ngựa không thể giẫm vào. Mỗi cột được buộc một dải lụa màu khác nhau để phân biệt: màu trắng của Lạng Sơn Vương, màu lục của Tân Bình Vương và màu đen của Bình Nguyên Vương. Bên ngoài khu vực đá dăm là đường đua của ba vị Hoàng thân.
"Mỗi vị phải hoàn thành ba vòng đua, dùng chiếc nỏ đã lắp sẵn tên lấy vạch đích mỗi vòng để bắn vào cột đã được đánh dấu bằng màu của mình! Thời gian cho mỗi vòng đua là một hồi trống, hồi trống kết thúc mà ngựa chưa về đích thì sẽ bị trừ đi một mũi tên trên cột khi tính điểm cuối cùng". — Viên Nội quan dõng dạc giải thích về luật thi cho ba vị Thân vương cùng đám quan văn võ nghe trước khi ba người bưốc vào vị trí.
Bình Nguyên Vương là người mở đầu, dù áy náy với các Hoàng huynh bởi có lợi thế hơn họ, người cũng không vì thế mà thiếu cố gắng để giành lấy chiến thắng. Ba mũi tên trúng đích là kết quả không thể xuất sắc hơn khiến các đại thần trầm trồ thán phục, còn Thái hậu và Hoàng thượng thì khỏi nói hài lòng ra sao.
Đen lượt Tân Bình Vương, dù cũng được biết về loại vũ khí này nhưng vốn chỉ là bài giảng qua loa khiến người đã không thực sự chú tâm tới nó. Ai cũng biết đây là thứ vũ khí chỉ dùng trong thực chiến, một lần giương lên có thể bắn ra cùng lúc nhiều mũi tên để giết chết kẻ thù đang xông tới. Nhưng là một Hoàng thân, người chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình phải cầm đến nó. Thứ mà thầy giáo chuyên tâm dạy người chỉ là loại cung thông thường mà những người trong Hoàng thất vẫn dùng để thỏa mãn thú vui mỗi khi mùa săn bắn tới. Tuy khoảng cách từ chỗ người đang đứng tới tâm bắn là không xa nhưng để vừa điều khiển ngựa, vừa sử dụng loại nỏ vốn không hề quen tay này, Khắc Xương đã không thể làm tốt được như Tư Thành. Chỉ hai trên ba mũi tên trúng đích là kết quả mà Tân Bình Vương đã đạt được, tuy là không tệ nhưng cũng chẳng đủ để giành được chiến thắng.
Lạng Sơn Vương là người cuối cùng thi đấu. Cũng giống như Khắc Xương, người không hề được chuẩn bị tâm lý để sử dụng một loại vũ khí không thông dụng trong thi đấu. Ngôi vị kia ngay từ đầu Thái hậu đã nhắm tới Tư Thành, và cuộc thi này chẳng qua là một cái cớ để hợp thức lựa chọn đầy thiên vị ấy của Thái hậu. Nhưng Nghi Dân không giống như nhị đệ hiền lành của mình, chỉ biết nỗ lực hết sức một cách mù quáng, người đã có trong đầu một kế hoạch khác cho tất cả. Và cho đến bây giờ, mọi việc vẫn đang đi theo đúng hướng mà người mong muốn.
"Cứ chờ xem, sẽ có một màn kịch hay đây!" Lạng Sơn Vương giấu ý nghĩ ấy trong lòng, giật cương thúc ngựa chạy tới, bắt đầu phần thi của mình.
Chiếc nỏ thứ nhất được giật khỏi tay tên nô tài, khoảng cách tới đích bắn là năm trượng, hồi trống đã nổi lên, thúc giục Nghi Dân phải nhanh chóng bắn tên và phi về đích trước khi âm thanh đó kết thúc.
"Phập!" — Mũi tên thứ nhất lao vút đi, găm trúng đích. Nhưng không may, nó lại là cột đích buộc dải lụa màu lục chứ không phải màu trắng của Lạng Sơn Vương.
Nghi Dân quẳng chiếc nỏ xuống đất, quất ngựa lao về đích, giật lấy chiếc thứ hai và nhắm bắn.
Viên thái giám vẫy cờ đỏ, lượt bắn thứ hai đã trượt. Vậy là với một mũi tên găm vào đích của người khác, một mũi tên bắn trượt, Lạng Sơn Vương có vẻ như đã hoàn toàn thua cuộc, không cần phải tiếp tục cuộc thi bởi kết quả đã rõ mười mươi. Vậy mà người vẫn không chịu từ bỏ, giành lấy chiếc nỏ thứ ba, cẩn trọng ngắm đích như thể toàn bộ quyết định sẽ nằm ở phát bắn này chứ không phải mọi việc đã an bài.
"Phập!" — Cờ vàng vẫy lên, mũi tên trúng đích nhưng cũng giống như lượt bắn đầu tiên, nó găm thẳng vào cột buộc lụa xanh của Tân Bình Vương.
Từ trên lưng ngựa, Nghi Dân thấy Thái hậu đứng bật dậy, không giống như cái vẻ điềm tĩnh thường thấy.
"Cuối cùng thì cũng phát hiện ra rồi sao!" — Người mỉm cười đắc thắng, không giống với tâm trạng của một kẻ thua cuộc, phóng ngựa về đích trước khi hồi trống kịp dứt.
''Công tử đây bị trúng độc nhẹ!" — Thầy lang đưa ra kết luận sau khi đã cẩn thận bắt mạch.
"Có gì nguy hiểm không?" — Thái phi lo lắng hỏi lại.
''Thưa, không có gì nguy hiểm đến tính mạng! Nhưng vì độc tính vẫn nằm trong người nên ngoài việc uống thuốc giải độc như kê đơn, người bệnh cần phải nằm yên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng khoảng một ngày. Chất độc sẽ theo mồ hôi và đường bài tiết thoát ra ngoài, đến lúc đó là có thể hoàn toàn yên tâm!"
"Vậy cuộc thi..."
Anh Vũ cố gắng lên tiếng nhưng Thái phi đã trấn an:
"Con đã nghe rồi đấy, hiện giờ việc quan trọng nhất là phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng! Những việc khác ta tự khắc biết cách sắp xếp!"
Nói rồi người quay lại ra hiệu cho một cô bé đứng gần đó:
"Mai Hương, con theo lang trung đây về tiệm bốc thuốc, nhớ gửi tiền người cẩn thận!"
"Dạ vâng, thưa lệnh bà!" — cô bé đáp, rồi cùng vị thầy lang bước ra khỏi phòng.
Đúng lúc đó, bên ngoài có tiếng người hối thúc:
"Thưa lệnh bà, nếu không khởi hành bây giờ e là trễ mất!"
Thái phi vén màn nhìn ra, xe ngựa đã chuẩn bị xong xuôi, có lẽ giờ này phần thi đấu thứ ba đã bắt đầu, không rõ mọi việc có thể thuận lợi diễn ra không. Ngọc Huyên đưa mắt nhìn người, rồi lại nhìn huynh trưởng đang đổ bệnh trên giường, lòng nàng rối bời.
"Thưa lệnh bà, hãy để con đi thay Anh Vũ!" — Một đứa trẻ khác lên tiếng.
Thái phi ngoái lại nhìn, nhận ra nó là Đại Phúc, một trong hai thị đồng của Bình Nguyên Vương. So với Anh Vũ tuy không xuất sắc bằng nhưng Phúc cũng là một đứa sáng dạ, đọc thông viết thạo, cư xử lễ phép, lại cũng từng theo Tư Thành đến lớp, nề nếp, quy tắc cư xử với những người có tước vị, phẩm hàm thế nào hẳn nó cũng được dạy dỗ cẩn thận. Đây đúng là một lời gợi ý hợp tình, hợp lý vào lúc này.
Không còn lựa chọn nào tốt hơn, Thái phi gật đầu chấp thuận:
"Con mau thay quần áo tươm tất, để ta nói người lớn chuẩn bị cho con!"
"Thưa lệnh bà!" — Đại Phúc khẩn khoản van nài — ''Xin cho Ngọc Huyên cùng đi theo được không ạ? Trên đường đi có em ấy cùng ôn lại sẽ không vì quá run mà quên mất!"
Thái phi thấy lời của Đại Phúc nói cũng có lý, lại nhìn vào ánh mắt sáng rỡ đầy trông đợi của Ngọc Huyên, liền gật đầu ưng thuận.
"Hai người hãy cố gắng làm cho tốt nhé!" — Anh Vũ gắng sức dặn dò một câu trước khi hai đứa trẻ được người lớn bế lên xe ngựa, chuẩn bị nhập cung.
"Phải chú ý cử chỉ, lời nói nghe con!" — Phạm phu nhân cẩn thận dặn với theo.
''Bẩm Thái hậu bệ hạ, chuyện này là..." — Viên Nội quan lộ rõ vẻ bối rối khi nhìn vào kết quả của cuộc thi, không biết phải kết luận người chiến thắng như thế nào khi trên cột thắt lụa xanh của Khắc Xương có tới bốn mũi tên, nhiều hơn Tư Thành một điểm nhưng hai trong số đó lại được bắa ra từ Nghi Dân.
''Tất nhiên người thắng cuộc là Bình Nguyên Vương! Tất cả các khanh đều trông thấy rõ, chỉ có Bình Nguyên Vương là người cả ba lần bắn trúng đích!"
"Thưa!" — Nghi Dân lên tiếng — "Thánh mẫu Hoàng Thái hậu bệ hạ hẳn chưa quên luật thi? Thần ghi nhớ rất rõ rằng điểm được tính dựa trên số mũi tên cắm trên cột đích, không phân biệt là của ai bắn vào!"
Thái hậu thực sự lúng túng bởi không thể ngờ được rằng Nghi Dân đã tình nguyện hi sinh kết quả lần thi thứ hai để đoạt lấy chiến thắng từ tay Tư Thành về cho Khắc Xương.
"Có vẻ như khanh đã cố tình bắn trúng cột đích của Tân Bình Vương!"
"Thưa, người đã đề cao thần rồi! Chỉ là do thần kém cỏi nên đã sẩy tay nhưng cũng không nên vì thế mà phủ nhận chiến thắng của nhị Vương gia!"
"Ta không chấp nhận kết quả ấy! Đó rõ ràng là hành vi cố tình phạm luật, khanh đã dựa vào tình cảm cá nhân để hậu thuẫn cho Tân Bình Vương, gây bất lợi đối với Bình Nguyên Vương!"
"Thưa! Nếu thần nhớ không nhầm thì vừa mới đây thôi người chẳng đã nói rõ ràng rằng "hậu thuẫn là một điều quan trọng mà người làm chính trị cần phải có". Cuộc thi này là chính trị, ngôi vị kia là chính trị, vậy thì nếu như vì có được hậu thuẫn mà Tân Bình Vương giành được số điểm cao hơn thì như lời người đã nói, Hoàng đệ hoàn toàn đủ tư cách để là người thắng cuộc!" — Nghi Dân điềm tĩnh trả lời.
Lạng Sơn Vương rõ ràng đã chuẩn bị cho tình huống này, còn Thái hậu thì không, vì vậy mà trong chốc lát người không thể tìm ra được cách phản biện. Mọi thứ không còn nằm trong vòng kiểm soát của Thái hậu, Nghi Dân quá tinh ranh còn người lại quá xem thường đối thủ.
Lạng Sơn Vương đã để lộ quyết tâm không nhân nhượng trước Thái hậu nhưng chẳng nhẽ người đó thực lòng muốn nhường ngôi vị kia cho Hoàng đệ của mình sao? Điều này khiến Thái hậu không khỏi cảm thấy khó hiểu.
Nhưng trước mắt, kết quả của phần thi thứ hai vẫn phải công bố, không may là dường như các đại thần đều cảm thấy những lời của Lạng Sơn Vương là xác đáng. Thái hậu dù thế nào đi chăng nữa cũng không thể khăng khăng giữ lập trường của mình mà không đoái hoài gì đến suy nghĩ, thái độ của các vị quan văn võ trong triều, nhất là khi những lời mà Nghi Dân dùng để biện minh lại vốn do chính Thái hậu tự mình nói ra mới cách đấy không bao lâu.
Tin báo từ Hoàng cung về kết quả không như ý ấy truyền tới Bình Nguyên phủ chưa được nửa tuần hương thì lại thêm chuyện Anh Vũ trúng độc khiến Vương phủ náo loạn. Mọi việc bỗng trở nên kém suôn sẻ với Bình Nguyên Vương hơn lúc nào hết.

Gia thần mà đích thân ba vị Thân vương chỉ định tới tham dự phần thi thứ tư nếu như sau ba vòng thi chưa phân định nổi người chiến thắng được lệnh phải nhập cung trước giờ Mùi. Không đợi phần thi thứ ba bắt đầu, Đại Phúc và Ngọc Huyên vội vàng được đưa lên xe rời khỏi Bình Nguyên phủ để kịp giờ tiến cung. Trên cả quãng đường đi, nàng thầm cầu trời khấn Phật để Tư Thành có thể giành được chiến thắng ở phần thi thứ ba, chỉ có như vậy mới không xảy ra một phần thi nữa khiến cho chủ nhân ngôi vị cao quý kia, trớ trêu thay, lại được quyết định bằng cuộc so tài của những đứa trẻ ngây thơ vốn chẳng can hệ gì đến Hoàng thất và những phe phái trong triều đình.

No comments:

Post a Comment