Saturday 2 April 2016

Chương 20

PHẦN V

CHƯƠNG 1: BÍ MẬT
"Đường xa vạn dặm, cuối cùng cũng đến!" — Đại công tử họ Nguyễn hé mắt nhìn qua tấm rèm thưa. So với mười năm trước, cảnh vật nơi đây đã có nhiều thay đổi nhưng công tử vẫn nhận ra đây chính là con đường dẫn vào Kinh thành.
"Thấm mệt rồi ư?" — Người đàn ông cùng ngồi trong xe lên tiếng cắt ngang mạch suy nghĩ của vị thiếu gia trẻ tuổi — "Có lẽ chúng ta nên dừng chân tìm chốn nghỉ ngơi, trời cũng gần tối rồi!"
"Thưa cha, con không sao!" — Công tử liền đáp — "Công việc của cha vẫn là quan trọng hơn cả!"
Nguyễn Đức Trung nhìn con trai, suy nghĩ giây lát rồi lắc đầu:
"Từ đây đến Cung thành còn cần phải đi thêm canh giờ nữa, đã di chuyển cả ngày rồi chắc mọi người đều thấm mệt, hãy dừng lại nghỉ ngơi trước rồi sáng mai tiếp tục! Huống chi đây chỉ là một buổi yến tiệc, người cần vui cũng không phải là chúng ta!"
''Nhưng Thái hậu bệ hạ đã có ý muốn gặp, cha không có mặt liệu có bị người quở trách hay không?"
Nghe con trai nhắc tới người ấy, Nguyễn Đức Trung chỉ cười hiền không đáp. Trên đời này, không có quá ba người biết được một kẻ gần chục năm không còn trên quan trường như ngài vần giữ mối liên hệ mật thiết với Nhiếp chính Hoàng thái hậu.
Mười năm về trước, nếu không xảy ra một tai nạn cướp đi sinh mạng của trưởng nữ ngài hết mực yêu thương, khiến phu nhân đau lòng đến ngã bệnh, khiến Điện tiền đô chỉ huy sứ [1] Nguyễn Đức Trung lo nghĩ cho vợ con mà chấp nhận buông bỏ công danh, đưa cả gia đình trở về quê ngoại sống cuộc đời bình lặng thì giờ này, với thân thế và năng lực của mình, lại có sự hậu thuẫn ngấm ngầm của Thái hậu, việc ngài trở thành Nhập nội Thái úy chánh nhất phẩm võ giai là điều hoàn toàn nằm trong tầm với. Nguyễn Đức Trung mỗi khi nghĩ về chuyện đó, ngoài niềm đau xót mất con thì chưa từng cảm thấy luyến tiếc cho con đường công danh dang dở của mình. Người làm cha còn khó nguôi ngoai như vậy, chẳng trách suốt mười năm nay Nguyễn phu nhân luôn ủ dột như cây cỏ thiếu nước, sức khỏe cũng không mấy chuyển biến.
[1] Điện tiền đô chỉ huy sứ: Là trưởng quan của Điện tiền tỵ. “Điện tiền tỵ: có chức đô chỉ huy sứ và chức chỉ huy nhưng chức này đều là tướng hiệu chầu chực ở trong nội điện” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển XIV).
Lần này Nguyễn Đức Trung về kinh, ngoài mặt là đưa phu nhân đi thăm thú cảnh sắc Bắc Nam mà chục năm chưa từng nhìn lại, nhân tiện ghé qua ngôi chùa ở Kinh thành, nơi đặt bài vị trưởng nữ không may mất sớm để thắp nén nhang an ủi hương hồn con gái, thực chất bên trong là tuân theo mật chỉ triệu hồi của Thái hậu.
"Hoàng thái hậu đã phải vời đến kẻ từ quan quy ẩn bấy lâu như ta thì hẳn là chuyện này vô cùng cơ mật!" Ngài thầm nghĩ, với tay vén tấm mành cửa lên cao, nhìn ra bên ngoài.
Những chiếc xe ngựa lốc cốc ngược xuôi, người qua kẻ lại nói cười vui vẻ, ngọn đèn trên tay khẽ đong đưa theo mỗi nhịp chân bước. Sang thu, buổi tối dường như đến mau hơn, mới vào giờ Tuất mà mặt trăng đã treo cao trên nền trời đen thẫm. Nếu hôm nay không phải là Trung thu thì có lẽ giờ này mọi người đã thu dọn hàng quán để trở về nhà cả rồi. Yến tiệc trong cung chắc cũng đã bắt đầu từ lâu. Thực ra trên suốt quãng đường đi, Nguyễn Đức Trung đã suy nghĩ về việc có nên theo lời mời của Thái hậu mà góp mặt tại buổi thiết yến, cuối cùng ngài cảm thấy một kẻ bao năm không liên hệ với chốn quan trường bỗng đột ngột xuất hiện trong bữa tiệc dành cho Hoàng tộc và quan viên ắt sẽ càng gây ra sự chú ý không mong muốn.
"Phía trước là An Xương quán, đêm nay hãy nghỉ lại đó!"Ngài nói lớn để người đánh xe có thể nghe rõ mệnh lệnh.
"Dạ!" — Anh ta đáp và hãm ngựa đi chậm lại để rẽ sang lối khác, ra khỏi đường cái. Từ đây, quang cảnh trở nên vắng vẻ, thưa thớt dần.
Nguyễn lão gia buông rèm thôi không nhìn ra xung quanh, ngài quay người tựa vào thành xe, khép hờ đôi mắt, buông từng hơi thở đều đặn, chậm rãi như trong lòng hoàn toàn không còn điều gì cần phải nghĩ ngợi.
''Thưa cha!" — Công tử rụt rè lên tiếng.
"Con cứ nói!" — Ngài mở mắt nhìn con, khẽ gật đầu.
"Có điều này con nghĩ mãi mà không sao lý giải nổi, ấy là việc Thái hậu bệ hạ và triều đình nôn nóng muốn lập ngôi Trữ cung! Thánh thượng của chúng ta đang còn trẻ, lo gì việc sau này sẽ không có đích tử [2] nối dõi?"
[2] Đích tử: con ruột.
Nguyễn Đức Trung không trả lời ngay, ngài đưa tay khẽ vuốt chòm râu đốm bạc, những nếp nhăn trên trán như sóng xô vào nhau. Câu hỏi của con trai khiến ngài nhớ lại sự việc xảy ra cách đây tám năm, khi đó, Hoàng thượng mới lên năm tuổi đã bị một trận ốm rất nặng.
Ban đầu là sốt cao, sang ngày thứ hai thì trên khắp trán nổi lên những nốt nhỏ, các nốt phát ban sau đó nhanh chóng lan rộng cả khuôn mặt, xuống cổ, ngực, rồi toàn thể. Ngày thứ ba những nốt ấy biến thành các nốt sần, bên trong chứa một chất dịch màu trắng đục và trở thành mụn nước. Các Thái Y trong triều chẩn bệnh đều đưa ra cùng một kết luận rằng Hoàng thượng đã nhiễm phải căn bệnh đậu mùa và khẩn xin Thái hậu cho cách li người để tránh lây lan diện rộng. Không còn cách nào khác, Thái hậu miễn cưỡng phải đồng ý.
Sau khi mệnh lệnh được ban ra, tâm lý của tất thảy mọi người trong Hậu cung đều trở nên hoang manq, rối loạn. Ai cũng biết đó là căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bệnh nhân sẽ nổi mụn nước khắp người, sốt li bì khó hạ rồi chết nên căn bệnh này còn được gọi là "thất nhật nhiệt" tức là bảy ngày sốt cao. Những kẻ phải hầu hạ quanh Hoàng thượng trong thời gian này chẳng khác nào lãnh một án tử treo lơ lửng trên đầu, ngay đến các Thái y y thuật cao cũng phải nhiều phần dè chừng mỗi lần tiếp xúc.
Nhưng người cảm thấy lo lắng nhất lúc bấy giờ chính là Thái hậu. Hoàng thượng đăng cơ được ba năm, cũng là từng ấy thời gian Thái hậu buông rèm nhiếp chính, khắp trong ngoài triều luôn có rất nhiều thế lực chống đối, đe dọa đến ngôi vị của người. Nay Hoàng thượng bệnh nặng, tình hình vô cùng nguy cấp, có thể bịt được miệng của kẻ dưới trong một sớm một chiều chứ không thể bưng bít mãi, lại nhỡ may, Hoàng thượng có bề gì ...
Thái hậu trăm tính, ngàn tính, cuối cùng quyết định phải đi trước một bước. Lần đó cũng giống như bây giờ, Nguyễn Đức Trung đã nhận được một mật lệnh đặc biệt từ Thái hậu là bí mật tìm kiếm tung tích mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao và mật báo cho người.
Xa tận chân trời, gần ngay trước mặt, sau gần nửa tháng âm thầm tìm kiếm khắp vùng Thần Khê, Diên Hà [3] rồi vòng ra An Định, Thanh Hóa [4], cuối cùng, người ngài muốn tìm lại tìm thấy trong chùa Dục Khánh ngay giữa Kinh thành. Nhận được mật báo của Nguyễn Đức Trung, Thái hậu lập tức sai phái người của mình tới đón điệu mẹ con họ vào Cung thành, liền trong ngày hôm ấy lại nhân danh Thánh thượng ban chiếu chỉ ân xá cho mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao, phục vị Tiệp dư như trước kia và sách phong cho tứ Hoàng tử của Tiên đế là Lê Tư Thành làm Bình Nguyên Vương.
[3] Thần Khê, Diên Hà: nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
[4] An Định, Thanh hóa: nay là Yên Định, Thanh Hóa.
Giữa lúc mọi việc trong cung đang rối tung, còn lòng người hoang mang tột độ, động thái ấy của Thái hậu khiến triều đình dậy sóng. Mọi người đều có thể nhìn ra Thái hậu đang chuẩn sẵn bị một người kế vị ngai vàng phòng khi Đương kim Thánh thượng không qua khỏi.
Ngày Tư Thành nhận sách phong vương cũng là ngày thứ hai mươi kể từ khi Hoàng thượng phát bệnh. Những ngày sau đó, lớp vảy bao phủ toàn bộ các vết thương trên cơ thể người đã bắt đầu bong ra, các cơn sốt thưa dần rồi dứt hẳn, vậy là Hoàng thượng đã qua cơn nguy kịch.
Nhưng cũng chính lúc ấy, Thái hậu càng chắc chắn rằng quyết định của mình không hề sai lầm, đặc ân dành cho mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao không hề thừa thãi: Hoàng thượng tuy có thể giữ được tính mạng nhưng sau này người sẽ khó mà có được đích tử.
Đó cũng chính là đáp án cho câu hỏi của con trai ngài nhưng Nguyễn Đức Trung còn đang phải nghĩ xem mình nên giải thích từ đâu.
Đột nhiên có tiếng nhốn nháo vọng tới từ phía sau, nghe rõ cả tiếng ngựa hí vang hoảng loạn lẫn tiếng người la lối thất thanh.
"Thưa cha, chắc có điều chi không ổn!" — Công tử lo lắng nhìn sang nói với ngài, rồi lớn tiếng ra hiệu cho người đánh xe dừng lại.
Nguyễn Đức Trung vội nhảy xuống. Chiếc xe chở phu nhân cũng vừa kịp thắng lại, đôi ngựa vần lồng lên khiến người đánh xe phải khó khăn lắm mới ghìm được cương. Ngài xáp lại gần, giúp ông ta một tay vỗ yên đôi ngựa, chúng thở phì phì như đương cơn tức khí. Giống ngựa này rất thuần tính, lại thêm được huấn luyện để kéo xe chở phu nhân, nếu không phải gặp điều gì hoảng hốt thì chúng sẽ không phản ứng như thế.
Khi đôi ngựa đã yên, ngài mới lật rèm nhìn vào trong xem xét, cả phu nhân và tì nữ đi cùng đều trải qua một phen kinh hãi khi xe đột ngột nảy lên rồi đảo điên rung lắc.
”Có chuyện gì vậy?" — Ngài ngoái lại hỏi người đánh xe.
"Có... Có người!" — Ông ta mặt mày tái mét chưa kịp hoàn hồn, lắp bắp chỉ về phía sau — "Thình lình lao tới từ bên ngoài khiến nô tài không kịp tránh! Hình như... Hình như là đã đụng phải!"
Nguyễn Đức Trung nhìn theo hướng tay chỉ của người đánh xe, quả thực giật mình khi trông thấy một thân hình nằm bất động dưới nền đất cách đó không xa. Ngài chạy lại ghé xuống xem xét thì ra là một đứa bé.
"Cháu bé!" — Ngài khẽ gọi, lại luồn bàn tay xuống gáy. nhẹ nhàng nâng đầu nó lên. Ánh trăng trên cao bị tầng tầng mây mù che khuất, không gian xung quanh trở nên đen thẫm mịt mùng, ngài không trông rõ mặt mũi đứa trẻ nhưng có thể cảm nhận được sự sống trên đôi tay mình. Nhận ra có người, nó khe khẽ rên rỉ như muốn nói điều gì đó. Nguyễn Đức Trung liền cúi thấp hơn, áp tai lắng nghe.
"Cứu... người nhà... cháu với!"
Tiếng đứa trẻ yếu ớt như hai thở của gió nhưng cái cách nó bấu chặt lấy cánh tay ngài thật quyết liệt, khẩn thiết. Nguyễn Đức Trung nhíu mày, hô lớn gọi người nhà:
"Mau mang đèn lại đây!"
Vợ và con trai ông cũng vừa tiến đến bên cạnh.
”Là người nào vậy?" — Phu nhân rụt rè ướm hỏi, dường như chưa hết bàng hoàng.
"Một đứa trẻ! Có lẽ gia đình con bé đã xảy ra chuyện gì đó! Người nó ám mùi khói khét như thể vừa thoát ra từ một đám cháy, lại chẳng may đụng phải xe ngựa của ta nên sức khỏe yếu lắm!"
Nguyễn lão gia trao cô bé vào tay con trai, căn dặn:
"Hãy đưa mọi người nhà ta và cả đứa trẻ này tới An Xương quán chăm sóc, nhớ gọi một thầy lang tới xem xét cẩn thận! Cha cần phải đánh xe quay lại phía sau xem sao, biết đâu còn có thể cứu được thêm ai đó!"
Nói xong ngài quay người toan bước đi nhưng Nguyễn công tử đã kịp kêu lên một tiếng đầy kinh ngạc:
''Chuyện gì thế này?"
Mây trên trời như rẽ ra lộ diện trăng mười lăm vằng vặc sáng, dưới ánh trăng soi tỏ, Nguyễn Đức Trung bàng hoàng nhận ra những nét quen thuộc từ gương mặt lấm lem của cô bé xa lạ đang nằm bất động trong vòng tay con trai. Nguyễn Đức Trung đưa mắt nhìn sang phu nhân đứng bên cạnh, dường như bà cũng có cùng cảm nhận với ngài, xúc động đến nỗi phải vịn vào tay chồng mới có thể đứng vững.
"Hằng!" — Phu nhân thảng thốt gọi tên — "Con ơi!"
Cả ba người trong gia đình họ Nguyễn đều thảng thốt khi nhìn vào gương mặt giống hệt như đại tiểu thư, trưởng nữ đã mất cách đây mười năm của Nguyễn lão gia và Nguyễn phu nhân.
Bần thần một hồi không nói nên lời thì bỗng nghe có tiếng người sầm sập chạy tới từ đằng xa, vừa phạt cây bạt cỏ, vừa lớn lối quát nạt.
"Tìm mau, chỉ quanh đây thôi!"
''Mau đỡ phu nhân lên xe!" Ngài ra lệnh cho người nhà "Ai nấy đều trở về chỗ của mình cả đi!"
Mọi người răm rắp nghe theo, phu nhân trỏ tay ra hiệu cho công tử Vĩnh bế đứa bé lên xe mình rồi gật đầu, khoát tay cho con trai yên tâm về lại chiếc xe kia. Công tử vừa rời khỏi, tì nữ liền theo lệnh chủ nhân hạ kín rèm tứ phía, lại mở rộng chăn giúp phu nhân che giấu cô gái nhỏ bà đương ôm chặt trong tay.
Xe vừa lăn bánh chưa được bao xa thì lại dừng khựng lại, có tiếng quát từ bên ngoài:
''Ai ở trong xin ra nói chuyện!"
''Có chuyện gì?" — Người đánh xe bên phía lão gia lên tiếng — "Sao vô duyên vô cớ chặn đường?"
"Xe này chở ai? Từ đâu tới?" — Gã cố ý phớt lờ câu hỏi của người đánh xe, xẵng giọng hách dịch.
"Tôi họ Nguyễn, tên Đức Trung, tới từ lộ Lang Giang [5]!" Giọng lão gia cất lên.
[5] Lang Giang: Đời cổ là đất Lạc Long. Tần là quận Nam Hải, Hán thuộc quận Giao Chỉ, Đường đổi là Giao Châu. Đời Trần là lộ Lang Giang. Buổi đầu nhà Lê cũng theo như thế. Giữa năm Quang Thuận [1466] đặt làm Thừa tuyên Lạng Sơn, có một phủ và 7 châu thuộc vào (Lịch triều hiến chương loại chí, quyển 1, trang 267, NXB Trẻ, 2014).
''Danh tính đã biết, mời xuống xe gặp mặt!"
Sau câu nói của hắn, bên ngoài trở nên im ắng. Phu nhân vén rèm vừa đủ trông ra. Nguyễn Đức Trung đã bước xuống như yêu cầu của gã, người đánh ngựa cũng hấp tấp nhảy khỏi vị trí, cầm đèn chạy tới trước soi đường cho ngài.
Gã đàn ông nọ lùi lại mấy bước khiến đồng bọn cũng vội lùi theo, đưa mắt nhìn nhau tỏ ý lấy làm kỳ lạ. Gã chắp tay, tỏ vẻ thận trọng, cả giọng điệu và lời nói cũng thay đổi thấy rõ, từ xấc xược hùng hổ trở nên cung kính:
"Cảm phiền ngài, chúng tôi đang truy đuổi một tì nữ trộm đồ của gia chủ rồi bỏ trốn, không biết ngài có tình cờ trông thấy bóng đứa trẻ nào băng ngang qua đây?"
"Trời tối, xe ngựa chạy nhanh, ta ở trong xe nên không trông thấy!" — Ngài đáp, lại quay sang hỏi người bên cạnh "Trương Hòe, anh đánh xe khiển ngựa, có thấy điều chi bất thường?"
"Thưa, nô tài chăm chú khiển ngựa, tuyệt nhiên không trông thấy gì kỳ quái trên đường!" — Ông ta trả lời không chút ngập ngừng, tuy là người thất học nhưng theo hầu chủ nhân bao năm cũng học được chút ít sáng suốt.
"Xin hỏi trong hai xe này còn những ai?" — Gã chưa chịu từ bỏ.
Nguyễn Đức Trung đưa mắt về phía phu nhân, trông thấy cái liếc nhìn tỏ ý dò hỏi của chồng, bà kín đáo lắc đầu, mím chặt môi, đôi mắt ánh lên sự khẩn nài tha thiết.
"Xe này ngoài ta chỉ có trưởng tử, xe kia là đám đàn bà con gái trong nhà!" — Ngài ôn tồn trả lời gã.
''Xin phép cho kẻ hèn này được ngó qua một chút!"
"Vô lễ!" — Công tử Vĩnh vừa xuống khỏi xe, nghe gã nói thì xẵng giọng quát — "Các ngươi cho rằng nhà chúng ta thèm che giấu một đứa nô tì lạ mặt hay sao? Cha ta đang trên đường hồi kinh, còn bọn ngươi cứ việc tìm người của mình, hai bên đều có việc cần làm, cứ việc ai đi đường nấy miễn là không phạm đến nhau!"
Gã nhìn vị thiếu gia trẻ tuổi, dáng dấp thanh tao cao quý, lại nhìn sang phụ thân chàng, một ônq lão dáng người quắc thước, râu tóc điểm bạc, tuy ăn vận giản dị nhưng uy nghi không hề suy giảm. Hắn thoáng chùn lòng, đang lưỡng lự trong đầu thì ngài cất giọng ôn tồn:
"Không sao! Cứ để các vị đây ngó qua cho yên lòng họ!"
"Không dám! Kẻ hèn thất thố rồi!" — Gã vội đáp, cúi đầu kính cẩn — "Xin không phiền ngài đây và công tử nữa!"
Nói rồi quay lại khoát tay ra lệnh cho đồng bọn rút lui, chạy ngược về phía sau tiếp tục lùng kiếm.
Bọn chúng đi rồi, Nguyễn Đức Trung mới quay lại gật đầu với con trai và người khiển ngựa ra hiệu lên xe đi tiếp.
Bên chỗ phu nhân, người tì nữ khẽ thở phào một hơi khi thẩy bọn người hung hăng ấy buông tha không lùng soát.
Xe ngựa lộc cộc chuyển bánh, Nguyễn phu nhân nhìn vẻ dáo dác của người bên cạnh thì mỉm cười hỏi:
"Hồi hộp đến thế sao?"
"Quả là chưa từng cảm thấy lo lắng như thế bao giờ, thưa phu nhân!"
''Sao cô lại cho rằng bọn chúng dám lật rèm lên xem?"
"Ôi!" — Cô ta thốt lên — "Chẳng nhẽ phu nhân đã biết trước bọn chúng không làm thế hay sao?"
''Bọn chúng không phải đám người bình thường đâu!" — Bà đáp — ''Vừa rồi khi lão gia bước xuống xe, bọn chúng mới trông thấy thì lập tức thái độ khác hẳn, đến khẩu khí cũng thay đổi!"
"Xem ra bọn người đó cũng có mắt mũi đấy, nhìn ra được cái thần thái uy nghiêm của lão gia nhà chúng ta!"
"Đúng là có mắt nhìn nhưng không phải nhìn người mà là nhìn thanh bảo kiếm mà lão gia đeo bên mình. Thanh kiếm ấy là vật Tiên đế đích thân ban tặng, nếu là người bình thường, có nhìn kĩ thế nào cũng không thể nhận ra đó là bảo vật quyền uy!"
"Ý phu nhân là…” Người tì nữ tròn mắt lắng nghe.
"Bọn chúng tuy thực chỉ là đám lâu la nhưng chủ nhân của bọn chúng thì nhất định phải là người có địa vị vô cùng cao quý, nếu ta không lầm thì người ấy phải là bậc Hoàng thân Quốc thích! Dưới chân một người chủ như thế bọn chúng mới có dịp thường xuyên trông thấy những thứ tương tự để "nhìn vật đoán người", xem chừng tuy không biết đích danh lão gia nhưng bọn chúng đã lờ mờ đoán ra nhất định ngài không phải thứ dân tầm thường nên mới chẳng dám mạo phạm!"
"Nhưng vừa rồi, gã cầm đầu còn định lục soát hai xe!" — Người tì nữ thắc mắc.
"Đúng, điều đó càng chứng tỏ chủ nhân của bọn chúng là một nhân vật vô cùng hiển hách ở chốn Kinh thành. Vì có chủ nhân cao quý, lại đang đứng giữa địa bàn quen thuộc nên nhất thời gã đã có ý chủ quan, cho rằng trên đầu đã có tán cây to che chắn. Dấu vậy, khi lão gia bằng lòng cho người khám xét thì gã chẳng dám động thủ, là bởi vì gã không biết rõ đối phương, chỉ cảm thấy rằng người sở hữu thanh kiếm quý báu như thế kia khó có thể là quan viên hoặc kẻ giàu có thông thường. Đã biết thanh kiếm lão gia đeo bên mình nhưng không biết danh tính lão gia chỉ có thể có hai khả năng: một là bọn chúng mới theo hầu chủ nhân chưa được bao lâu và hai là chủ nhân của bọn chúng là người trước nay không thường giao thiệp với với lão gia, hoặc chưa từng quen biết. Trong Kinh thành này, nghe nói có tới ba vị Thân vương là anh em của Thánh thượng, năm xưa khi lão gia từ quan đưa gia đình rời khỏi Đông Kinh, ba vị ấy đều mới chỉ là những đứa trẻ chập chững tập đi hoặc còn ẵm ngửa!"
''Chao ôi!" — Người tì nữ thốt lên một tiếng đầy thán phục.
Vừa đúng lúc đứa trẻ trên tay phu nhân khẽ động đậy. Hai người phụ nữ ngừng trò chuyện, chăm chú quan sát. Cô bé từ từ mở mắt nhìn lên phu nhân, thoáng chốc hai khóe mắt đã ầng ậng nước, nó mấp máy môi nhưng không thể thốt nên lời, rồi vì kiệt sức lại rơi vào trạng thái mê man.
Nguyễn phu nhân gương mặt thoáng đờ đẫn, vòng tay ôm lấy cô bé càng siết chặt như sợ buông ra cô bé sẽ biến mất. Bà lẩm nhẩm khe khẽ, giọng thoảng gần, thoảng xa:
"Đừng lo, ta sẽ bảo vệ con!"

CHƯƠNG 2: GIẢ TẠO

Trung thu, Thái Hòa năm thứ mười một, điện Vạn Thọ rực rỡ đèn hoa, từ trong ra ngoài tiếng nói cười rộn rã, không khí lễ Tết tràn ngập khắp nơi nơi, trong ánh mắt, nụ cười, đến cả trong những lời tán dương, chúc tụng lẫn nhau. Xem ra, Đại Việt giống như đang trong thời thái bình thịnh trị, ai nấy đều cùng mang một tâm trạng hân hoan, vui vẻ.
Sau khi đi hết một vòng, chào hỏi khách sáo đủ mặt mọi người, Lạng Sơn Vương kín đáo rút lui vào một góc, lặng lẽ quan sát biểu hiện của mọi người xung quanh. Quả đúng như Nghi Dân dự đoán, nhân vật chính — người trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý khi Hoàng thượng và Thái hậu chưa xuất hiện ở buổi yến tiệc - chính là Bình Nguyên Vương. Trong cuộc thi lần trước, dẫu cho Khắc Xương giành được chiến thắng chung cuộc nhưng biểu hiện xuất sắc của Tư Thành mới chính là điều khiến người ta cảm thấy ấn tượng hơn cả.
Tư chất, tài năng là điều không còn phải bàn cãi, lại được Nhiếp chính Hoàng thái hậu ủng hộ, xem ra Bình Nguyên Vương đã có một sự khởi đầu vô cùng thuận lợi, tương lai sẽ càng không đơn giản! Chỉ suy nghĩ ấy thôi cũng đủ khiến lòng người lung lạc, bởi thế cho nên đã có rất nhiều vị trước nay đều ở phái trung lập giờ lại công khai bày tỏ thái độ ủng hộ Bình Nguyên Vương, chưa biết chừng chính trong nội bộ phe đối lập cũng đã có kẻ không giữ nổi lập trường của mình. Chủ nhân của ngai vàng vẫn là Thánh thượng nhưng một khi Thái hậu lui vào Hậu cung, người có vị trí quan trọng thứ hai chỉ sau Hoàng đế chính là một trong ba vị Vương gia có mặt tại đây ngày hôm nay. Mọi người tuy không ai nói ra nhưng đều ngấm ngầm hiểu rằng thời khắc này chính là lúc cần sáng suốt để đưa ra lựa chọn: nên ngả về phe ai?
Ánh mắt Nghi Dân quét tới chỗ Khắc Xương đứng cách mình không xa. Mới trải qua một trận ốm nặng khiến thần sắc Tân Bình Vương tiều tụy thấy rõ, dù từ lúc xuất hiện tới giờ người vẫn gắng hòa mình vào không khí vui tươi nhưng vẻ thẫn thờ trong ánh mắt thì không thể dùng nụ cười lấp liếm. Bắt gặp cái nhìn của Nghi Dân về phía mình, Khắc Xương thoáng tần ngần, nửa như muốn tiến lại, nửa ngại ngần không dám. Sau cuộc thi ấy, hai huynh đệ vẫn chưa có dịp nào để trò chuyện với nhau, đúng hơn là Lạng Sơn Vương chưa cho phép em trai được gặp, rồi sau đó... Khắc Xương vừa chợt nghĩ tới buổi chiều mưa tầm tã cùng điều bí mật được tiết lộ vội vàng trong thư phòng phủ Lạng Sơn thì lại rùng mình ớn lạnh, bất giác bỏ rơi ánh mắt của huynh trưởng để dõi tìm bóng dáng một nhân vật khác giữa bao con người đang đứng nói cười hể hả quanh đây.
Vừa đúng lúc Đinh Thái bảo thong thả bước vào, khóe môi đã nở sẵn nụ cười thân thiện để đáp lại lời chào hỏi nhiệt tình của mọi người xung quanh. Ngài vận Công phục sắc tía, bên ngoài đeo đai sừng tê sức bạc, hai cánh chuồn trên mũ Phốc đầu khẽ động theo từng nhịp chân bước khoan thai. Kể cả khi không khoác lên người Công phục dành cho bậc võ giai chánh nhất phẩm thì Đinh Liệt cũng không phải là người dễ bị hòa lẫn vào đám đông. Ngài có dáng dấp cao lớn của người nhà binh, tuổi tác không làm mất đi thần thái uy nghiêm của vị dũng tướng một thời, đôi mắt ánh lên vẻ tinh anh từng trải như thấu suốt thế sự. Đứng trước Đinh Thái bảo, người ta dễ có cảm giác tiếng cười hào sảng và giọng nói trầm ấm làm toát lên vẻ thân thiện, gần gũi ở ngài chính là điểm tương phản lớn nhất đối với những đường nét khắc khổ nghiêm trang trên gương mặt của bậc lão thần tuổi đã ngũ tuần.
Đinh Liệt bước tới hành lễ với Lạng Sơn Vương, người khách sáo đáp lại, đôi bên không trao đổi thêm điều gì. Ngài tiếp tục bước ngang qua chỗ Khắc Xương, vừa hành lễ, vừa kín đáo gật đầu đáp lại cái nhìn đầy trông đợi của Tân Bình Vương, thông điệp mà hai người trao đổi với nhau qua ánh mắt chỉ mình họ hiểu. Ngài nở một nụ cười tỏ ý trấn an như cơn gió thổi tới xua tan đám mây nhuốm màu âu lo che phủ trên gương mặt Khắc Xương suốt cả ngày hôm nay, khiến sắc diện người vụt tươi tắn như hoa bừng nở khi nắng lên, ánh mắt lấp lánh tia hi vọng.
Cái gật đầu của Đinh Liệt chính là lời đảm bảo cho việc ngài đã thực hiện đúng phần giao ước của mình trong thỏa thuận trao đổi giữa hai người, ấy chính là khi tất cả mọi người còn đương hân hoan say đón Trung thu, uống rượu thưởng trăng lâng lâng cao hứng thì người của Thái bảo đại nhân đã đưa ba mẹ con Phạm thị tới địa điểm mà nhị Vương gia đã thu xếp sẵn, phần còn lại chính là việc người cần phải giữ đúng lời giao ước của mình để những người đó có thể được an toàn đến tận phút cuối.
Đinh Liệt nhận được cái gật đầu xác nhận sẽ theo đến cùng lời đã hứa của Tân Bình Vương thì mỉm cười đáp lại, hai người đứng cách nhau chừng dăm bước chân, giữa xung quanh bao người đang rôm rả hỏi chuyện lẫn nhau, tuy chẳng ai mở miệng nói riêng với ai câu nào nhưng những điều cần hiểu thì đều hiểu hết.
Không tiện nấn ná lâu hơn, Đinh Thái bảo miệng cười tươi tỉnh, chắp tay đưa lên trước mặt cáo từ đám người phía ấy, bọn họ hoan hỉ đáp lại, chắp tay cung kính chào tiễn ngài. Đinh Liệt quay gót, bước tới chỗ Bình Nguyên Vương và Ngô Thái phi hành lễ, nán lại trò chuyện dăm ba câu với vài vị đại thần khác đứng gần đó rồi mỉm cười cáo từ, xoay người bước tiếp, cứ thế các vị lần lượt chào hỏi lẫn nhau, không ai bỏ sót ai, rôm rả náo nhiệt cho tới khi đã đông đủ mặt những người quan trọng.
Nội quan thị hậu chánh trưởng hô vang một tiếng: "Hoàng thượng, Hoàng thái hậu giá lâm!" Ai nấy đều ngừng việc đang làm, đưa tay chỉnh trang mũ mão, y phục và cùng quỳ rạp cả xuống, đồng thanh hô to:
"Thánh thượng vạn tuế! Hoàng thái hậu thiên tuế!"
Chỉ đến khi nghe Hoàng thượng cất giọng ân cần: "Bình thân!" tất thảy mới lục tục đứng dậy, lại thêm một lần sửa soạn mũ áo chỉnh tề, ngay ngắn.
"Ban tọa!" — Hoàng thượng nở nụ cười niềm nở, khoát tay ra hiệu cho Nội quan chánh trưởng bắt đầu yến tiệc.
Âm nhạc lập tức nổi lên, dàn đường hạ chi nhạc [1] tấu khúc "Vạn thọ khai hoa" vui tươi rộn rã như thay lời chúc phúc gửi tới Hoàng thượng và Thái hậu. Tiếng gõ thanh vang, ngân nga của huyền phương hưởng [2], tiếng chầy, tiếng phi [3] bay bướm của tứ huyền cầm [4], tiếng đàn không hầu [5] du dương, trong sáng, tiếng sáo quản địch [6] lảnh lót, véo von, trên nền nhịp đập rộn ràng của trống quân cổ [7].
[1] Đường hạ chi nhạc: “đàn nhạc tấu dưới thềm”, góp vui trong yến tiệc, khác với “đường thượng chi nhạc” là dàn nhạc tấu trên triều đường trong những nghi thức, lễ tế trang nghiêm, chính thống.
[2] Huyền phương hưởng: Nhạc khí gồm 16 miếng kim loại hình chữ nhật, dày mỏng khác nhau, treo trên giá, tấu bằng cách dùng dùi gõ vào
[3] Tiếng chầy, tiếng phi: kỹ thuật đánh đàn tỳ bà.
[4] Tứ huyền cầm: đàn bốn dây, là tên gọi khác của đàn tỳ bà.
[5] Đàn không hầu: đàn cổ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
[6] Quản địch: Sáo cổ, dài hơn 1 thước.
[7] Quân cổ: một loại trống cổ truyền.
Liền sau đó, đoàn cung nữ lần lượt nối nhau mang lên đủ thức sơn hào hải vị, nem công chả phượng trình bày đẹp mắt, đặt trên mặt bàn trước mặt từng vị quan khách, kế đến là trà thơm, mĩ tửu được dâng lên trong ấm nạm ngọc, bình bọc vàng vô cùng tinh xảo, độc đáo.
Nhạc hay, thịt ngon, rượu say, lòng người phơi phới tràn đầy hứng khởi. Giữa lúc cao hứng, nhà vua nâng chén của mình lên cao, nhìn xuống đám quần thần đang hân hoan vui vẻ, mỉm cười mà nói:
"Trẫm dùng trà thay rượu, nâng ly này chúc cho: Thiên khai thục cảnh, nhân lạc phong niên!"
''Trời mở cảnh thịnh, người vui bội thu!" Đây quả thực là lời chúc ý nghĩa tới con dân bách tính!" [8] — Thái hậu gật gù khen ngợi — ''Xem ra việc học tập, trau dồi của Hoàng thượng ngày càng tiến bộ, -ắt hẳn là công lớn của thầy giáo, ta cảm thấy cần phải trọng thưởng!"
[8] Lễ hội Trung thu có nguồn gốc gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mùa thu là mùa thu hoạch, mùa cây trái trưởng thành, người làm nghề nông thường tổ chức ăn mừng mùa màng bội thu, một năm lao động vất vả đến ngày hái quả.
Nói rồi đưa mắt ra hiệu cho Nội quan chánh trưởng An Quế, y cung cúc làm theo, thoáng cái đã thấy trở ra, theo sau là vài đứa tiểu thái giám, trên tay nào hòm to, hòm nhỏ, y dõng dạc đọc lên:
"Trực học sĩ Nguyễn Bá Ký cùng các quan Thái học viện! Ban thưởng!"
Đám người Nguyễn Bá Ký lập tức đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, bước ra chính giữa quỳ xuống tạ ân:
"Đội ơn Hoàng thái hậu bệ hạ rộng lượng khen tặng! Chúng thần không dám nhận ban thưởng, chúng thần chẳng qua chỉ cố gắng làm hết chức phận của mình, không dám có chút nào sao nhãng. Hoàng thượng tư chất thông minh, học một hiểu mười, lại chăm chỉ, chú tâm, ấy mới thực là lý do cho việc học tập ngày càng tiến bộ, tuệ mẫn ít ai bì kịp của người!"
"Đứng dậy cả đi!" — Thái hậu khoát tay ra hiệu cho đám người đang quỳ trước mặt miễn lễ — "Có gì mà không dám? Tuy là chức phận nhưng làm tốt thì nên ban thưởng! Hơn nữa, sắp tới đây khi ta rút lui khỏi việc triều chính để an hưởng tuổi đã xế chiều ở nơi Hậu cung thanh tĩnh, Hoàng thượng có thể thuận lợi chấp chính, trở thành một vị vua anh minh, sáng suốt thì công đầu phải kể đến các khanh, những người làm thầy bấy lâu nay luôn tận tụy bảo ban, kèm cặp!"
Giữa tiếng đồng thanh "Chúng thần muôn vàn đội ơn Hoàng thái hậu bệ hạ!" từ đám Nguyễn Bá Ký là những âm thanh xôn xao bàn tán của những người đang có mặt tại đây. Vậy là chính miệng Thái hậu vừa mới nói ra thời điểm mà Nhiếp chính Hoàng thái hậu từ bỏ vị trí của mình, trao lại thực quyền cho Hoàng thượng đã rất cận kề. Tuy đã chuẩn bị tâm lý từ trước khi cuộc thi đấu giữa các Thân vương diễn ra nhưng lời tuyên bố của Thái hậu vào giữa lúc này vẫn khiến tất thảy mọi người đều kinh ngạc. Hoàng thượng cũng không ngoại lệ.
''Hoàng mẫu bệ hạ..." — Người ngập ngừng nhìn sang.
"Hoàng thượng không phải lo lắng!" — Thái hậu mỉm cười — "Ta quan sát đã lâu, nhận thấy người đã trưởng thành, có thể tự mình quyết định mọi việc. Người có tài năng, có tấm lòng, lại có cả các nghị chính đại thần bên dốc lòng phò trợ, tin rằng Hoàng thượng sẽ trở thành một Hoàng đế anh minh! Để ta rút lui khỏi mọi việc triều chính còn có lúc nào thích hợp hơn lúc này?"
"Nói hay lắm, còn có lúc nào thích hợp hơn lúc này?" — Nghi Dân nhủ thầm, khẽ nhếch môi kín đáo mỉa mai "Thái hậu quả thực đã khổ công tính toán, mượn yến ẩm để chuốc say lòng người, cầu hân hoan để đập tan phòng bị! Bấy lâu nay bà luôn chọn cách im lặng để đo dò dư luận, còn dùng thái độ lạnh nhạt để trấn áp các phe phái trên triều, giờ đột nhiên giữa lúc tiệc tùng vui say lại đem ra bàn bạc, hẳn là muốn tự mình lèo lái không cho kẻ khác có cơ hội trở tay!"
Lạng Sơn Vương liếc mắt nhìn quanh đánh giá tình hình. Không khí của buổi tiệc quả nhiên đã chùng hẳn xuống, các vị hết nhìn lên Hoàng thượng, Thái hậu, lại ngơ ngác quay sang nhìn nhau, đùn đẩy, thăm dò, chờ đợi có người tiên phong lên tiếng nhưng chẳng có ai ngoài giọng Thái hậu cất lên:
"Các khanh đã nghe rõ cả rồi chứ! Đây là đại hỷ, cũng là đại sự của nước nhà! Hi vọng từ nay về sau khi ở bên giúp việc cho Hoàng thượng các ái khanh sẽ càng nỗ lực, tận tâm hơn!"
''Chúng thần rõ cả!" — Tất cả đồng thanh hô lên.
''Sau khi Hoàng thượng đích thân chấp chính, mùa xuân sang năm sẽ bắt đầu tuyển tú!" — Thái hậu cao giọng dõng dạc — "Chuyện lập Trữ cung hãy dời lại sau đó!"
Đám đại thần phía dưới lại được phen xôn xao, tất thảy đều vì quá bất ngờ mà chẳng biết nên bày tỏ thái độ gì vào lúc này. Nếu là đang đứng trên đại điện luận bàn chính sự các vị sẽ chẳng ngại ngần đưa ra ý kiến nhưng hiện giờ lại đương là lúc giữa buổi tiệc rượu yến ẩm vui ca, liệu ai dám lên tiếng phản bác lời của Thái hậu, chỉ e ý chưa toại lại phải gánh tội danh bất kính làm mất nhã hứng của bề trên.
Lạng Sơn Vương nhíu mày suy nghĩ, cảm thấy mình như đang lạc giữa một vùng sương mù mờ mịt. Thâm ý Thái hậu quả thực khó dò, những tưởng Thái hậu sẽ tìm mọi cách đưa người của mình ngồi lên ngôi vị Trữ cung rồi mới bằng lòng rút khỏi việc can dự triều chính, chẳng ngờ đột nhiên lại tuyên bố điều ngược lại.
Thái hậu lui vào Hậu cung khi ngôi Trữ cung vẫn còn bỏ trống, hành động ấy giống như của một người chẳng còn chút toan tính, luyến lưu nào tới quyền lực. Dễ dàng buông tay như vậy, chẳng lẽ Thái hậu là thực lòng cam tâm tình nguyện đứng ngoài cuộc tranh đoạt này, an phận để mặc mọi chuyện được định đoạt bởi tay kẻ khác hay sao? Lạng Sơn Vương càng nghĩ càng cảm thấy đây hoàn toàn chẳng giống với tác phong của Thái hậu, phải chăng hậu trường phía sau màn kịch còn ẩn giấu một điều gì khác?
Nghi Dân liếc nhìn về phía Tư Thành, vẻ mặt Hoàng đệ hoàn toàn tĩnh lặng như thể những lời vừa rồi của Thái hậu chẳng làm người có chút động trong tâm. Bắt gặp cái nhìn dò xét của Lạng Sơn Vương, Tư Thành bình thản nhìn lại, ánh mắt lạnh lẽo sâu thẳm như đáy giếng khiến Nghi Dân tự nhiên ớn lạnh, bỗng cảm thấy nghi ngờ bản thân, cho rằng hình như mình đã tính toán sai điều gì đó.
"Đại huynh! Là em đã phụ lòng anh! Nhưng em hoàn toàn không có mưu đồ tranh đoạt ngôi vị! Vì anh không muốn gặp để em có cơ hội giải thích nên em chỉ còn cách tự mình chứng minh mà thôi!"
Mạch suy nghĩ của Lạng Sơn Vương bị gián đoạn bởi tiếng ai nói khẽ bên tai, chỉ vừa mới kịp nhận ra đó là giọng của Khắc Xương, chưa kịp phản ứng thì đã thấy Tân Bình Vương vụt đứng dậy, tiến ra giữa hai hàng quan khách, quỳ xuống tâu lên:
''Thần xin chúc mừng Hoàng thượng! Thánh mẫu Hoàng thái hậu bệ hạ anh minh sáng suốt! Hoàng thượng vạn tuế! Hoàng thái hậu thiên tuế!"
Lời của Tân Bình Vương khiến tất cả như bừng tỉnh, cùng lũ lượt đứng dậy, tiến ra giữa thềm quỳ xuống hô vang:
"Chúng thần xin chúc mừng Hoàng thượng! Hoàng thái hậu anh minh! Hoàng thượng vạn tuế! Hoàng thái hậu thiên tuế!"
Nghi Dân quỳ giữa đám người, lòng đầy bất an. Điều an ủi duy nhất chính là cục diện trước mắt không gây bất lợi cho toan tính tranh đoạt ngôi vị của Lạng Sơn Vương. Thái hậu đã buông tay, dù là thật lòng từ bỏ hay chỉ mượn kế hoãn binh để có thêm thời gian chuẩn bị cho điều gì đó sâu xa hơn, đối với Nghi Dân mà nói cũng là một cơ hội tốt để củng cố cho sức mạnh của chính mình. Điều quan trọng nhất chính là sự hiện diện của người trong Kinh thành này sẽ giúp phe phái ủng hộ Lạng Sơn Vương thêm vững tâm. Dù trong lòng Thái hậu chọn ai và đanq mưu tính điều gì, Lạng Sơn Vương vẫn là trưởng tứ của Thái Tông Hoàng đế, huynh trưởng của Hoàng đế, chính là lựa chọn số một cho ngôi vị đã từng bị kẻ khác cướp mất cách đây mười ba năm.
"Chư vị ái khanh mời bình thân!" — Giọng Hoàng thượng cất lên, vui vẻ xen chút ngượng ngùng.
Đám người cùng hô: "Đội ơn Hoàng thượng!" và lần lượt đứng dậy lui về chỗ ngồi. Nghi Dân nhân đà náo nhiệt ấy, trong lúc không ai để ý đã quay sang nói thầm vào tai Tư Thành quỳ ngay bên cạnh:
"Hoàng đệ hãy liệu tính, nếu đồng ý với điều kiện ta đưa ra thì ngay sau đây hãy tâu lên việc từ bỏ cạnh tranh ngôi vị, bằng không ta coi như là lời từ chối cơ hội cuối cùng để bảo toàn danh dự và mạng sống cho Ngô Thái phi! Toàn bộ phủ Bình Nguyên giờ này đã được người của ta tiếp quản, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ còn chờ một cái lắc hay gật đầu của Hoàng đệ mà thôi!"
Nói rồi đứng dậy, quay bước về bàn của mình.
"Bẩm Hoàng thượng, thần có điều muốn nói! Thần xin được rút lui khỏi việc cạnh tranh ngôi vị Trữ cung!"
Lạng Sơn Vương nghe thấy giọng nói vang lên sau lưng, ngoảnh đầu nhìn lại để xác minh thì nhận ra người vừa tấu xin không phải là Tư Thành.
''Kìa Hoàng huynh! Sao đột nhiên..."
"Xin Hoàng thượng thành toàn cho thần!" — Khắc Xương tỏ rõ sự quyết tâm của mình bằng cái cúi gập người, đặt trán trên nền đất.
"Tân Bình Vương, khanh có lý do gì không?" — Đốn lượt Thái hậu lên tiếng cắt ngang tiếng xì xào bàn tán nổi lên mỗi lúc một lớn hơn của đám đại thần văn võ.
"Thưa, thần cảm thấy gần đây sức khỏe của mình không được tốt, muốn rời xa Kinh thành ồn ào náo nhiệt đi tới vùng quê thanh vắng để tĩnh dưỡng một thời gian!"
Nói rồi ho lên mấy tiếng nặng nhọc. Đám đại thần theo phe ủng hộ Tân Bình Vương quay sang nhìn nhau, mặt mũi ai nấy đều xám xịt, đầy bất mãn mà chẳng dám lên tiếng can ngăn. Họ chẳng ngờ vị chủ nhân mà mình đã lựa chọn để đặt cược cả tiền đồ mai sau lại dễ dàng buông tay đến vậy, không phải bị ngã ngựa trong chiến đấu mà lại là tự mình rời bỏ cuộc chơi.
"Là vì như vậy sao?" — Thái hậu chăm chăm nhìn xuống, hồi lâu sau hai đầu mày từ từ dãn ra, nơi khóe môi khẽ đọng một nụ cười nhưng không đủ làm tan giá băng trên gương mặt uy nghi, lạnh lẽo.
"Trẫm... chuẩn y!" — Hoàng thượng ngập ngừng nói lời đồng ý.
"Thần đội ơn Hoàng thượng! Hoàng thượng vạn tuế!" — Khắc Xương dập đầu khấu tạ ba lần.
Lạng Sơn Vương từ từ thả người xuống ghế, hóa ra cái gọi là "tự mình chứng minh không có mưu đồ tranh đoạt ngôi vị" mà nhị Vương gia nói thầm với người ban nãy chính là điều này. Nghi Dân tự rót đầy ly rượu trước mặt, nâng lên dốc cạn, hơi rượu cay nồng xộc thẳng lên mũi khiến người thoáng váng vất.
Tân Bình Vương đã từ bỏ tư cách tranh ngôi, nếu tại đây hôm nay cả Bình Nguyên Vương cũng xin rút lui vĩnh viễn thì ngôi vị kia há chẳng phải chỉ còn lại mình Lạng Sơn Vương để tiến cử đó sao?
Siết chặt chiếc ly trên tay, Nghi Dân ném về phía Tư Thành một cái nhìn đầy ẩn ý, cả hăm dọa lẫn hối thúc.
"Thưa, thần đệ cũng có điều muốn thỉnh cầu Hoàng thượng!" — Tư Thành đứng dậy, tiến lại quỳ xuống bên cạnh Khắc Xương,
"Có chuyện gì khiến các huynh đệ của trẫm ngày hôm nay mang nhiều tâm sự như vậy? Bình Nguyên Vương nói thử xem!"
''Thần đệ..."
"Bẩm Hoàng thượng, Hoàng thái hậu bệ hạ, mạt tướng xin được cấp báo!" — Điện tiền ty chỉ huy Lê Đắc Ninh xồng xộc xông vào, chạy lại quỳ xuống đằng sau hai vị Vương gia, vẻ gấp gáp nghiêm trọng.
"Điện tiền ty, có chuyện gì mà vội vội vàng vàng quên hết phép tắc như vậy?" — Thái hậu nhíu mày, tỏ ý không vui.
Viên tướng chắp hai tay giơ lên trước mặt, vừa thở hồng hộc vừa bẩm báo:
"Mạt tướng vô phép xin Hoàng thượng, Hoàng thái hậu bệ hạ lượng thứ! Nhưng quả thực có việc vô cùng cấp bách phải lập tức bẩm báo lên không dám chậm trễ!"
"Mau nói!"
"Bẩm, ngoại vi phía Tây Nam thành, ngơi của Bình Nguyên Vương đã xảy ra một trận hỏa hoạn rất lớn, thiêu rụi gần như mọi thứ! "
Lê Đắc Ninh vừa nói dứt câu, Ngô Thái phi và Bình Nguyên Vương đều đồng loạt đứng bật dậy quay lại nhìn hắn, Thái phi thốt lên một tiếng đầy lo lắng:
''Sao cơ?"
"Thiệt hại thế nào khanh mau trình báo!" — Đến lượt Hoàng thượng thúc giục.
''Bẩm... thiệt hại..." — Viên Điện tiền ty chỉ huy hít một hơi thật sâu, cảm thấy có chút khó mở lời vì những điều sắp phải nói ra đây quả thực chẳng dễ chịu chút nào — "Trong đống tro tàn chỉ tìm thấy năm mươi tám cái xác người đã cháy đen không còn nhận diện được!"
Hoàng thượng, Thái hậu, Lạng Sơn Vương, Tân Bình Vương và tất thảy những người có mặt lúc đó đều không giấu nổi vẻ sửng sốt, kinh hãi. Ngô Thái phi đổ ập vào vòng tay Bình Nguyên Vương ngất lịm, mọi người nhốn nháo rời khỏi vị trí, xen lẫn tiếng lay gọi của Tư Thành là giọng viên Nội quan An Quế hô hoán gọi Thái y. Đám thái giám, cung nữ xúm xít chạy lại, khẩn trương đỡ lấy Thái phi từ tay Bình Nguyên Vương dìu vào bên trong.
Thái hậu tiến tới trước mặt Lê Đắc Ninh, cao giọng hỏi y:
''Khanh còn điều gì khác cần bẩm báo không? Đã điều tra được nguyên nhân gây hỏa hoạn chưa? Có người nào trong phủ may mắn sống sót để làm nhân chứng không?"
"Bẩm, tất cả người trong Bình Nguyên phủ đều chết cả, không còn ai để đối chứng! Tuy nhiên, gần hiện trường đám cháy bắt được một toán người có hành tung khả nghi lại đem theo bên mình một lượng lớn dầu hỏa!"
''Những kẻ đó hiện ở đâu? Chúng khai nhận những gì?"
"Bẩm, mạt tướng đã ra lệnh giam giữ chúng ở ty Hình, bước đầu bọn chúng khai nhận..." — Lê Đắc Ninh nói đến đây thì chợt dừng lại, len lén đưa ánh mắt về phía Lạng Sơn Vương, vẻ ngập ngừng lo lắng như sắp phải bẩm báo điều khó khăn.
Nghi Dân bắt gặp cái nhìn kỳ lạ ấy của viên Điện tiền ty thì giật thót, linh cảm chẳng lành ập đến vây bủa toàn thân.
"Tất cả bọn chúng đều khai nhận mình là người của đại Vương gia!" — Lê Đắc Ninh kết thúc câu nói còn dang dở.
"Láo toét!" — Nghi Dân đập bàn đứng dậy, chỉ thẳng tay vào mặt y quát lớn "Ngươi định vu khống ta ư?"
''Lạng Sơn Vương hãy bình tĩnh!" — Thái hậu lên tiếng can ngăn — "Ta không phải người hồ đồ đến mức nghe sao tin vậy! Nếu quả thực Bình Nguyên phủ không tự nhiên bốc cháy mà là do có kẻ cố ý phóng hỏa thì kẻ đó chắc sẽ đủ thông minh để đổ vấy nqhi ngờ lên người khác! Việc này cần phải điều tra cho rõ nhưng trước mắt các vị đều trở về cả đi, ta sẽ sai phái quân cấm vệ canh giữ bên ngoài để bảo đảm an toàn cho hai vị Vương gia! Còn Bình Nguyên Vương, vì phủ đệ đã cháy nên tạm thời hãy ở lại trong cung Long Đức, chờ cho Ngô Thái phi được Thái y điều trị khỏi bệnh!"
"Nhi thần xin nghe theo sự sắp đặt của Thánh mẫu Hoàng thái hậu bệ hạ!" — Tư Thành khấu đầu nhận ý chí từ Thái hậu. Đám đại thần cũng lục đục tiến ra giữa kính cẩn làm theo.
Tân Bình Vương đờ đẫn đưa mắt nhìn khắp lượt mọi người. Nhìn Đinh Liệt, đáy mắt dâng đầy oán giận:
''Năm mươi tám mạng người cháy đen không thể nhận diện?"
Nhìn Bình Nguyên Vương, giọng nghẹn ngào chất chứa khổ đau:
"Không còn ai sống sót để làm chứng, chỉ có một đám người mang theo mồi lửa tự nhận là người của Lạng Sơn Vương?"
Nhìn Thái hậu khóe môi khẽ nhếch lên chua chát:
"Cung Long Đức vốn là dành cho Thái tử, chỉ vì phủ Bình Nguyên không còn mà Hoàng đệ sẽ vào ở bên trong?"
Cuối cùng, ngoảnh lại nhìn Nghi Dân, cười phá lên cay đắng:
''Hoàng huynh, anh thua rồi! Bao năm toan tính cũng chỉ để biến thành quân cờ trong tay kẻ khác mà thôi!"
Từng gương mặt tưởng đã thân quen mà hóa ra xa lạ cứ bày trước mắt, căm phẫn có, nhâng nháo có, u uất có, hả hê có... Tất. thảy đều khiến Khắc Xương cảm thấy cổ họng dâng lên một cơn buồn nôn khó tả, cứ nuốt xuống nó lại đầy lên, càng cố kìm nén, lồng ngực càng như muốn vỡ tung ra vì đau đớn.
Cuối cùng không thể chịu đựng nổi, Tân Bình Vương dồn sức gào lên một tiếng thê thiết như mắng chửi, lại như oán trách:
"Rốt cuộc các người đang diễn vở kịch gì đây?"
Rồi hộc ra một ngụm máu đen, chảy tràn qua kẽ tay xuống cổ áo, hòa lẫn vào dòng lệ không màu nhưng mặn chát.
Bên tai loáng thoáng những âm thanh la lối khẩn trương:
"Nhị Vương gia thổ huyết rồi!"
''Mau đỡ lấy Điện hạ!"
"Thái y! Thái y đâu?"
Những gương mặt quen thuộc với muôn vàn biểu cảm xa lạ lại bày ra phía trước, Khắc Xương khép chặt mắt lại để khỏi phải tiếp tục nhìn thấy. Giữa một vùng u tối mênh mang, gương mặt xinh đẹp tựa như ánh trăng với đôi mắt xanh trong như màu nước giếng hòa lẫn với màu trời cứ trông về phía người mỉm cười duyên dáng. Khắc Xương đưa tay ra với hình bóng tưởng tượng ấy, thều thào trong cơn mê man:

"Là sự hèn kém của ta đã hại chết em rồi!"

No comments:

Post a Comment