Saturday 2 April 2016

Chương 21

"Chết hết rồi, năm mươi tám mạng người!"
Nguyễn Đức Trưng thả mình xuống ghế, mồ hôi trên trán chảy thành dòng xuống gương mặt lấm lem bụi khói. Ngài nói, không giấu nổi vẻ thẫn thờ trong ánh mắt khi vừa phải tận mắt chứng kiến gần sáu chục xác người cháy đen co quắp được người ta cật lực bới ra từ đống tro tàn đổ nát sau trận hỏa hoạn kinh hoàng.
''Năm... mươi tám?" — Đại công tử run giọng nhắc lại, gương mặt vốn đã xanh xao lại như càng thêm tái.
"Khi ta tới nơi, ngọn lửa đã bốc cao hơn đầu, vòng trong vòng ngoài bốn bề đều một màu đỏ rực, không có cách nào tiến gần, đành bất lực đứng nhìn thần lửa tàn phá mọi thứ trước mắt..."
''Khủng khiếp quá!" — Người tì nữ của phu nhân nghe vậy thì bưng mặt sợ hãi, không dám nghĩ tiếp.
''Đứa trẻ đó thế nào rồi?" — Nguyễn lão gia thở dài buồn bã — "Đã tỉnh lại hay chưa?"
Công tử Vĩnh đáp lại câu hỏi của cha bằng một cái lắc đầu chậm rãi.
"Thầy lang nói sao?"
"Thưa cha, cô bé bị kiệt sức, thêm vào đó tinh thần lại hoảng loạn quá độ!"
"Dù sao cũng phải đợi con bé tỉnh lại mới có thể hỏi kĩ về chuyện đã xảy ra! Trong khi ta đó, quân lính cũng vừa hay tin mà kéo tới nhưng đã quá muộn, ngọn lửa đã thiêu rụi tất cả, những gì còn lại chỉ là một đống tro tàn đổ nát cùng những xác người cháy đen không thể phân biệt già trẻ, gái trai!"
"Cha có nói cho họ biết về việc cô bé ấy chạy tới cầu cứu?"
"Chưa!" — Ngài trả lời ngắn gọn, đơn giản hơn nhiều so với những gì đang suy nghĩ trong đầu. Linh tính mách bảo ngài có chuyện gì đó rất kỳ lạ, khó hiểu, thậm chí là mờ ám đằng sau vụ hỏa hoạn tàn khốc ấy. Tuy cảm giác đó chỉ mơ hồ thoáng qua nhưng vẫn khiến Nguyễn Đức Trung bận lòng không yên, cho nên ngài đã lặng lẽ rời đi mà không nói với bất kỳ ai khác về đứa trẻ đang ở chỗ mình.
''Mẹ con đâu?"
''Thưa cha, từ lúc bấy đến giờ mẹ vẫn luôn ở bên cô bé!"
Nguyễn lão gia khẽ gật đầu, cầm lấy chiếc khăn nhúng vào thau nước mà tì nữ vừa bưng tới cho mình, dùng nó để lau sạch mặt và đôi bàn tay ám khói, lại thay lớp áo ngoài bằng một tấm áo mới sạch sẽ, xong đâu đó mới bước vào gian phòng bên trong.
Trên chiếc giường đơn giản kê sát tường, đứa trẻ nằm bất động, mồ hôi rịn lấm tấm trên trán được phu nhân nhẹ nhàng thấm khô. Bà nắm lấy bàn tay với những ngón dài mảnh dẻ của cô bé trong tay, ánh mắt không lúc nào rời khỏi gương mặt tái nhợt non nớt ấy, ngay cả khi cảm nhận được những bước chân khẽ khàng của chồng đang tiến đến bên cạnh.
"Thật tội nghiệp! Con bé không ngừng khóc cả trong cơn mê sảng!" — Bà nói mà không ngẩng lên nhìn chồng.
''Những người chết ở đám cháy đó có lẽ đều là người thân của cô bé!" — Ngài buông tiếng thở dài đầy thương cảm.
"Có chuyện gì đã xảy ra với gia đình con bé vậy?"
"Đó là..." — Nguyễn Đức Trung ngập ngừng giây lát rồi mới tiếp tục — "Nơi xảy ra vụ hỏa hoạn là phủ Bình Nguyên!"
Phu nhân nghe nói, đôi mắt ánh lên vẻ sững sờ, rất lâu sau mới cất nên lời:
"Năm mươi tám mạng người phủ Bình Nguyên ư? Điều này còn hơn cả sự kinh khủng! Thực khiến lòng thiếp hồi tưởng lại sự việc xảy ra với chúng ta năm đó!"
Bà nghẹn ngào, biết bao suy nghĩ trong đầu chỉ muốn giãi bày ra cùng chồng nhưng lời nói bỗng tắc nghẹn nơi cổ họng, biến thành tiếng nấc khẽ tuôn ra cùng hai hàng nước mắt.
Ngài xích lại gần hơn, áp đầu vợ vào mình, đôi bàn tay chai sạn thô ráp vì nghiệp cung kiếm nhẹ nhàng trượt theo mái tóc đã điểm bạc, không còn mượt mà xuống tới đôi bờ vai đang rung lên khe khẽ.
Phu nhân bất giác thả lỏng mình, tựa hẳn vào người chồng rấm rứt thành tiếng. Họ ôm lấy nhau, mỗi người một tâm trạng nhưng ánh mắt cùng nhìn về đứa trẻ đang nằm mê man trên chiếc giường bên cạnh.
“Nghĩ lại thì chuyện này quả thực vô cùnq kỳ lạ!" — Phu nhân đột nhiên nhớ ra, vội rút khăn thấm khô nước mắt trên hai gò má, ngẩng lên nhìn chồng — "Rõ ràng ban nãy toán người ấy còn hùng hổ nói rằng đang lùng bắt một nô tì trộm đồ của chủ nhân! Sao đứa trẻ trộm đồ ấy giờ lại biến thành thân nhân của những người chết cháy ở phủ Bình Nguyên?"
Nguyễn Đức Trung gật gù:
"Ngay từ lúc bọn chúng xộc đến chặn đầu nằng nặc đòi khám xét xe ngựa của người qua đường, ta đã cảm thấy có điều gì đó khuất tất! Lại thêm đứa trẻ này được tìm thấy trên người còn nguyên mùi khói khét, quần áo cháy xém, nhiều chỗ trên cơ thể phỏng rộp, khi được đỡ lên chỉ nói được một câu xin hãy cứu lấy người nhà con bé. Kế cả phu nhân không có ý bao che thì ta cũng không định tin lời đám người đó mà giao nộp đứa trẻ này ra!"
"Chủ nhân của phủ Bình Nguyên chẳng phải là tứ Vương gia và Ngô Thái phi hay sao? Liệu các vị ấy có gặp nạn trong đám cháy hay không?" — Phu nhân hỏi, giọng căng thẳng.
Ngài ngẫm nghĩ giây lát rồi lắc đầu, khẳng định chắc nịch:
"Ta đoán là không đâu! Hôm nay là Tết Trung thu, trong cung hẳn đang tổ chức yến tiệc lỉnh đình. Khách khứa được mời tới dự chắc chắn đều đã nhập cung trước giờ Dậu. Từ Bình Nguyên phủ tới Cung thành muốn đi thong thả mà vẫn đến đúng giờ, ta đoán Vương gia và lệnh bà đã rời khỏi phủ muộn nhất cũng là đầu giờ Thân. Còn phủ Bình Nguyên bất lắm cũng chỉ mới bốc cháy chừng độ hơn canh giờ trước thôi, thời gian ấy tứ Vương gia và lệnh bà đã yên vị trong cung lâu rồi!"
Nguyễn phu nhân khẽ thở phào khi biết được Bình Nguyên Vương và Ngô Thái phi vẫn bình an, nếu không Tết Trung thu lại trở thành ngày đại tang của đất nước.
"Vậy thì đám người kỳ lạ kia hẳn có liên quan tói nguyên nhân của vụ cháy! Đây có lẽ không phải là tự nhiên phát hỏa mà do có người cố ý gây nên!"
''Phu nhân cũng cảm thấy như vậy ư?" — Nguyễn Đức Trung gật gù đồng tình — "Cho nên ta đã không nói với ai về việc tìm thấy đứa trẻ này! Chúng ta cần đợi cô bé tỉnh dậy để nghe chính miệng cô bé kể lại những gì nó biết hoặc nhìn thấy!"
"Con bé... thật là... giống với..." — Phu nhân nhìn chăm chăm xuống đôi mắt nhắm nghiền của đứa trẻ, nghẹn ngào nói không nên câu.
Nguyễn lão gia ngồi xuống bên vợ, nắm chặt lấy đôi bàn tay đang run rẩy của bà, nhẹ nhàng khuyên nhủ:
"Con gái chúng ta đã qua đời cách đây mười năm! Đứa trẻ này tuy có vẻ ngoài rất giống nhưng không phải là Hằng, phu nhân đừng nghĩ ngợi nhiều!"
"Thiếp biết chứ!" — Bà đáp, đôi mắt ngân ngấn lệ — "Nhưng quả thực là chúng giống nhau đến kỳ lạ! Dù thêm chục năm nữa, thiếp cũng không thể quên được gương mặt con gái chúng ta! Con bé mới xinh đẹp làm sao, ngoan ngoãn làm sao, đáng thương làm sao! Hằng, con ơi!"
Nguyễn Đức Trung thở dài không nói. Chẳng riêng gì phu nhân, bất cứ ai đã từng biết mặt Hằng nếu nhìn vào đứa trẻ ngày hôm nay chắc sẽ đều lầm tưởng trông thấy cùng một người. Ngay cả ngài, một người đầy lý trí cũng không tránh khỏi một khoảnh khắc đầy nghi hoặc, bối rối.
Đứa con gái đầu lòng của ngài, một đứa trẻ thật xinh đẹp, đáng yêu mà sau mãi bảy năm lấy nhau vợ chồng ngài mới có được. Phu nhân vẫn luôn tin rằng đó là đứa con cầu tự thần Phật ban cho, con bé cũng được sinh ra vào một đêm trăng rằm sáng rõ như đêm nay nên ngài đã chọn đặt cho con cái tên Hằng vừa dịu dàng, vừa diễm lệ.
Năm năm sau đó, tin vui lại đến trong nhà, phu nhân sinh hạ một tiểu công tử kháu khỉnh đặt tên là Vĩnh, ghép tên con trai và con gái được chữ "vĩnh hằng", ngụ ý nguyện ước cuộc đời bọn trẻ sẽ mãi được ấm êm, an lành. Gia đình đầy đủ cả nếp lẫn tẻ, tròn đầy viên mãn khiến người khác nhìn vào thì không khỏi ngưỡng mộ.
Thêm mấy năm nữa, trong triều xảy ra rất nhiều biến cố, lôi kéo hầu hết đại thần văn võ vào vòng thị phi sóng gió. Theo ai, chống ai, từng đường đi nước bước đều phải cân nhắc kĩ lưỡng nếu không muốn chịu cùng số phận thảm khốc như Đại tư đồ Lê Sát, Đại đô đốc Lê Ngân, Quận vương Lê Tư Tề... cuộc đời từng có lúc vô cùng oanh liệt, đến cuối cùng lại ê chề bỏ mạng vì một chén độc tửu vua ban.
Chiến trường và triều chính đều khốc liệt như nhau, có khác chăng một bên là những trận chiến thiên binh vạn mã, máu chảy thành sông nhưng ít nhất còn có thể nhìn rõ kẻ địch phía trước, còn một bên là những cuộc đấu đá ngấm ngầm, không chỉ bàn tay vấy máu mà nội tâm cũng hôi tanh, mới vừa là bằng hữu nhưng chỉ cần một cái ngoảnh mặt quay lưng, tức thì đã biến thành kẻ thù chẳng đội trời chung.
Giữa vòng xoáy thị phi ấy, sự xuất hiện của sủng phi họ Nguyễn bên cạnh Hoàng đế đã làm thay đổi tất cả. Chỉ sau một cái chớp mắt của mỹ nhân, Hậu cung thay chủ khiến cho cán cân quyền lực giữa các phe phái trong triều đình cũng phải xoay chuyển theo.
Sau khi Tiên đế băng hà, tam Hoàng tử lên nối ngôi, Thần phi trở thành Nhiếp chính Hoàng thái hậu. Tuy bề ngoài nhìn vào mọi việc đều thuận lợi nhưng bên tronq Thái hậu và ấu chúa chính là cảnh mẹ góa con côi, phải đối mặt với biết bao hiểm nguy không thể nhìn thấy trước. Thế lực lớn nhất đe dọa tới ngôi vị và mạng sống của họ chính là phe thân cận Thái tử Lê Nghi Dân, cho rằng Tiên đế vì yêu mẹ bế con mà phế trưởng lập thứ là quyết định chẳng những không thỏa đáng mà còn đi ngược lòng người. Cục diện trong triều khi ấy hết sức rối loạn, nếu không phải Thái hậu là người cứng rắn, khôn ngoan, lấy được sự ủng hộ từ những đại thần như Trịnh Khả, Lê Thụ thì có lẽ người và Hoàng thượng đã sớm bị kéo xuống khỏi ngai vàng tuy vinh quang mà chông gai, lạnh lẽo.
Trong những tháng ngày căng thẳng ấy, công lao của Điện tiền đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung đối với hai vị chủ nhân Cung thành là không hề nhỏ. Tuy không phải nghị chính đại thần, cũng không ở trên triều trực tiếp tham gia luận bàn chính sự nhưng an nguy của người trong Hoàng thất, đặc biệt là Thái hậu và Hoàng thượng, đều đặt cả trong tay Điện tiền đô chỉ huy. Không ít kẻ từng tìm đủ mọi cách để lôi kéo thậm chí gây sức ép buộc Nguyễn tướng quân về theo phe lật đổ ấu chúa, nếu khi đó, Đức Trung ngài là kẻ hám lợi hay hèn nhát, nảy sinh chút lòng nào phản trắc thì e rằng tính mạng của bề trên đã khó mà giữ được.
Đêm ấy, Nguyễn tướng quân ở trong cung nhận được mật báo đã bày binh mai phục, một mẻ quét sạch đám loạn đảng, đập tan âm mưu hành thích Thái hậu. Thật chẳng ngờ, cùng lúc đó, phủ Điện tiền xảy ra một trận hỏa hoạn lớn. Nguyễn Đức Trung bảo vệ được Thái hậu và Hoàng thượng nhưng lại không ngăn chặn được tai họa giáng xuống gia đình mình, vĩnh viễn để mất đi đứa con mà vợ chồng ngài yêu thương hết mực trong tai nạn đó.
Có lẽ cả cuộc đời này, Nguyễn tướng quân sẽ không bao giờ quên được hình ảnh vợ mình ở giữa đống tro tàn, ôm trong tay thi thể đứa con bé bỏng bị ngọn lửa hung tàn hủy hoại, miệng không ngừng gào khóc gọi tên Hằng.
Phải tận mắt chứng kiến cái chết của con gái, hằng ngày nhìn con trai vật lộn trong đau đớn vì hít phải nhiều khói độc, phu nhân đau lòng đến ngã bệnh.
Một năm sau ngày giỗ của con, mọi việc trong cung cũng đã dần ổn thỏa, Nguyễn Đức Trung quyết định từ quan, đưa gia đình rời khỏi Đông Kinh về quê hương phu nhân ở lộ Lang Giang để bà được ở nơi cảnh sắc yên bình, thân thuộc mà an tâm dưỡng bệnh. Thái hậu tuy muốn giữ ngài ở lại nhưng trước sự khẩn cầu tha thiết của ngài, lại nghĩ đến nỗi đau mà Nguyễn Đức Trung đã phải trải qua, đành miễn cưỡng gật đầu chấp thuận.
Lời cuối cùng người nói với ngài trước lúc rời khỏi Đông Kinh chính là:
"Quan tướng đau lòng vì việc nhà, ta hoàn toàn thấu hiểu nhưng thiếu đi một người có thể tin tưởng đối với ta mà nói chính là một tổn thất không nhỏ. Nay tuy khanh không còn muốn lưu lại trên chốn quan trường nhưng vẫn là người của ta, đến một lúc nào đó khi ta và Hoàng thượng cần quan tướng góp sức, khanh nhất định không được chối từ!"
Và như thế, gần mười năm Nguyễn Đức Trung sống cuộc đời lặng lẽ cách xa Kinh thành là mười năm ngài âm thầm dõi theo những biến cố xảy ra trong Hoàng cung, linh tính sẽ có một ngày phải trở lại nơi ấy. Thật không ngờ ngày trở lại Đông Kinh ngài đã gặp được đứa trẻ giống hệt với đứa con đã mất của mình, chạy thoát khỏi bàn tay thần lửa - kẻ năm xưa đã tước đoạt mạng sống của Hằng, cũng vào một đêm trăng tròn như đêm nay.
"Phải chăng đây chính là số mệnh?" — Ngài nhìn đứa trẻ được phu nhân ôm trong vòng tay, miệng mấp máy muốn nói nhưng chẳng bật thành lời.
"Cháy! Cháy rồi!"
"Mau dập lửa!"
"Cứu hỏa! Cứu hỏa! Mang nước lại đây nhanh lên!"
Giữa những tiếng hô hoán, giục giã, đám người làm trong nhà phải cố gắng lắm mới phá được một phần vách tường bên hông căn buồng để đưa phu nhân thoát ra ngoài sau khi không cách nào vào bằng đường cửa chính vì lửa bén dữ dội đã khiến những thanh xà trên trần rơi rụng xuống đất chắn ngang lối đi.
Phu nhân cơ thể mềm oặt vì sặc khói, đôi mắt cay xè không thể nhìn rõ những ai xung quanh, vẫn cố túm lấy cánh tay đang dìu mình bước xa khỏi đám cháy, giọng hoảng loạn pha lẫn cầu xin:
''Còn công tử Vĩnh! Các người mau quay lại cứu con trai ta!"
''Phu nhân nói sao cơ? Đêm qua công tử không ngủ với bà vú mà ở lại chỗ người ư?" — Đứa nô tì kinh hãi kêu lên.
Bà gật đầu lia lịa, chỉ tay về phía đám cháy, nơi bà vừa được kéo ra, hổn hển nói:
"Công tử vẫn còn ở trong đó! Mau lên!"
Gã cuống quýt quay sang gắt bọn nô tài:
''Còn không nghe thấy sao? Mau đi cứu công tử!"
"Nhưng lửa bốc dữ quá rồi! Chỉ e là bây giờ..." — Giọng một người khác vang lên bên tai.
Phu nhân mở bừng mắt, lao bổ lại túm lấy cổ áo hắn, bao nhiêu sức lực còn lại trong người đều dồn cả vào cái gồng mình ấy. Bà nói như hét, lại như kêu khóc van xin:
"Mau cứu lấy con ta! Xin các người!"
Gã bật lùi lại mấy bước, ánh mắt hoang mang liếc nhìn về nơi lửa đang bốc cao ngùn ngụt. Ban nãy xông vào để cứu phu nhân, khắp nơi trong căn phòng đều là một màu đỏ rực, khói bốc mù mịt vây bủa toàn thân, suýt nữa thì không thở được, gã chỉ kịp nhìn thấy một cơ thể người lớn đang nửa nằm, nửa ngồi dưới chân giường, rũ ra vì ngạt khói, chẳng kịp nghĩ ngợi quan sát, vội lao tới xốc nách phu nhân chạy băng ra ngoài. Vừa chạy vừa cảm thấy sau lưng lưỡi lửa gần táp đến, chui ra tới bên ngoài thì nghe tiếng loảng xoảng rơi vỡ vọng ra, xem chừng lại có thêm nhiều xà nhà bị lửa bắt cháy rơi rụng xuống dưới. Ngay lúc ấy nếu có biết là công tử vẫn còn ở bên trong chưa chắc đã có người dám quay trở vào để ứng cứu chứ đừng nói là đến tận giờ này.
"Phu nhân..."
Đương khi gã còn đang bối rối tìm lời thoái thác thì một bóng người chạy vụt qua, lao về biển lửa. Những người có mặt chỉ kịp hét lên một tiếng: "Tiểu thư!" thì cái bóng đã chui vào màn lửa.
Phu nhân kinh hãi nhìn theo, ú ớ không ra hơi, ánh mắt dâng đầy sự bất lực, lảo đảo suýt ngã.
Tất cả cùng nhào về phía ấy, kẻ hét, người la, í ới gọi tên:
"Tiểu thư! Mau quay ra! Nhà sắp sập rồi, nguy hiểm lắm!"
Sau màn lửa bập bùng, Hằng bỏ ngoài tai những lời can ngăn ấy, thoăn thoắt trở mình luồn lách qua những chướng ngại để tìm ra khe hỡ mà chỉ có cơ thể trẻ con mới có thể lọt qua. Thoắt cái đã không còn thấy bóng dáng nàng đâu nữa. Ai nấy đứng ngoài đều nín thở chờ đợi.
Những tiếng nổ lách tách mỗi lúc một mau hơn, từng đợt gió thổi đến như luồng hơi từ chiếc quạt ba tiêu làm bùng thêm ngọn lửa.
Đúng lúc ấy thì cánh cửa thông gió bật ra, công tử Vĩnh thò đầu ra ngoài vừa ho sặc sụa, vừa khóc mếu vì sợ hãi. Mọi người ùa tới, hò nhau bắc ghế đứng lên phụ đỡ công tử trườn ra.
Cái cửa thông gió ấy chỉ cỡ trẻ con chín mười tuổi trở xuống mới chui lọt, lại ở tít trên cao nên ban nãy không ai nghĩ tới việc chui vào bằng đường ấy- Nay tiểu thư liều lĩnh xông vào bên trong mói phát giác ra chỗ đó lửa chưa kịp bắt tới, đủ thông thoáng để hai đứa trẻ cùng thoát. Hằng tìm thấy Vĩnh đang một mình khóc mếu góc nhà, vội chạy tới xé mảnh chân váy làm dải khăn bịt quanh mũi miệng cậu bé, kéo tay em trai chạy về hướng mình vừa chui vào nhưng lửa phía ấy đã bốc lên ngùn ngụt, không thể luồn qua được nữa. Đảo mắt một vòng đánh giá tình hình, cuối cùng Hằng quyết định chạy về phía chưa bắt lửa. Hằng trông lên ô cửa thông gió rồi quỳ xuống nhìn thẳng vào mắt Vĩnh, dặn dò:
''Em nín đi! Bây giờ đứng lên vai chị, xô mạnh cánh cửa trên cao kia ra, đến lúc ấy tha hồ khóc thật to để gọi người lớn tới, nghe không?"
Đứa trẻ tròn năm tuổi đang cơn hoảng loạn vẫn cố gắng gật đầu đáp lại lời dặn của chị gái. Hằng dùng hết sức bình sinh nhấc bổng Vĩnh đặt lên vai mình, gồng người vịn vào tường đứng thẳng dậy. Chiều cao của hai đứa trẻ gộp lại vừa đủ để Vĩnh tới được ô cửa ấy. Nhớ lời chị dặn, cậu bé xô mạnh một cái, cánh cửa bật mở, luồng dưỡng khí từ bên nqoài lùa vào khiến đứa trẻ trở nên tỉnh táo hơn, Vĩnh vừa ho, vừa cố gào thật to.
Công tử được người lớn lôi ra ngoài lành lặn, tuy toàn thân mềm nhũn vì vừa phải trải qua những phút giây kinh sợ nhưng sắc mặt vẫn hồng hào. Mọi người khẽ thở phào mừng rỡ. Nhưng tiểu thư vẫn kẹt lại bên trong, cửa thông gió lại cao hơn khả năng với tới của một đứa trẻ.
"Tiểu thư đâu rồi?" — Đám người làm nhốn nháo giục giã.
"Tôi ở ngay đây! Tôi không sao! Giờ sẽ đứng lên ghế để chui ra!"
Nhưng đó là câu nói cuối cùng mà người ta nghe thấy từ nàng.
Hàng loạt những âm thanh rơi vỡ khủng khiếp vang lên tạo ra một cơn rung lắc kinh hoàng. Đám người bên ngoài hét lên một tiếng, bám tay nhau bật lùi, bất lực nhìn toàn bộ ngôi nhà đổ sập xuống. Lửa chờm lên, khói bụi phun ra tạo thành một lực đẩy rất mạnh ủn tất cả mọi thứ xung quanh bắn ra xa.
Gương mặt thoáng bừng lên hi vọng khi công tử Vĩnh được đưa ra ngoài lành lặn của phu nhân chợt chuyển màu tím ngắt, bà rú lên một tiếng thê lương rồi đổ ập người xuống như thân cây bị quật ngã trong dông tố.
"Thí chủ! Người vừa trông thấy ác mộng sao?"
Nguyễn phu nhân choàng mở mắt, giọng của vị đại sư trầm trầm vang lên bên tai. Bà đờ đẫn đưa mắt nhìn ngài, cảm nhận rõ rệt dòng chảy của những giọt mồ hôi lăn từ trên trán qua má xuống hõm vai.
Phu nhân mệt mỏi cúi đầu trước vị đại sư, sực nhớ ra mình đang trong thời gian tụng kinh cầu siêu cho con gái, vừa nhắm mắt lại lắng nghe tiếng gõ mõ thì đã chìm sâu vào cơn mộng mị hoang đường.
"Bạch thầy! Phật tử vừa trông thấy lại cảnh tượng kinh hoàng trước đây, chính là vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng đứa con gái bé bỏng của con! Mọi thứ bày ra trước mắt chân thật quá khiến con tưởng như trái tim mình phải chết lần thứ hai!" — Bà nói, lồng ngực như thắt lại.
"Điều mà thí chủ vừa trải qua ấy gọi là "thân trung uẩn chiêm bao".
''Thân trưng uẩn chiêm bao? Bạch thầy, xin thứ lỗi cho Phật tử mông muội không hiểu hết ý tứ sâu xa!"
"Thân trung uẩn là "trạng thái trung gian", thời gian quá độ giữa "chết" và ”đầu thai", có thể hiểu nôm na đó là sự sống sau khi chết, trước khi thần thức của con người đi tái sinh vào nơi mà mình có thể khế hiệp với nghiệp của mình trong sáu cõi [1]. "Thân trung uẩn chiêm bao" là một trong sáu "thân trung uẩn", cũng là một trạng thái trung gian dung chứa tiềm năng cho các trạng thái thâm sâu của tâm thức, tuy chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi lẫn lộn giữa thực và ma nhưng đã thấy được những sự vật mà người trần mắt thịt không thấy được".
[1] Sáu cõi: lục đạo luân hồi. Theo quan điểm Phật giáo, tùy vào nghiệp của chún sinh mà sau khi chết, chúng sinh đó có thể tồn tại dưới dạng thân trung ẩn một thời gian, rồi tái sinh vào một trong sáu cõi với cuộc đời mới. Sáu cõi bao gồm: Cõi trời (deva)/ Cõi thần (asura)/ Cõi người (manussa)/ Cõi súc sinh (tiracchanayoni)/ Cõi ngạ quỷ (quỷ đói) (petta)/ Cõi địa ngục (niraya). Sau khi tái sinh, đa số các chúng sinh sẽ không còn nhớ bất cứ điều gì về kiếp trước đó.
"Bạch thầy, vậy điều Phật tử đã thấy mang ý nghĩa gì?"
"Giấc mơ về cái chết chính là điềm báo của sự sống! Người mà thí chủ nhìn thấy có lẽ đã sớm được đầu thai chuyển kiếp!"
"Nếu đã đầu thai, còn sống trong kiếp này liệu có cách nào để Phật tử nhận ra thế thân của con gái mình?" — Phu nhân vội hỏi lại, đôi mắt ánh lên tia hi vọng xen lẫn hồi hộp.
"Đứa trẻ của thí chủ là nhờ thành tâm cầu khẩn mà có được, tuy sinh ra mang tới bao hạnh phúc cho cha mẹ nhưng đáng tiếc lại sớm phải lìa xa. Trước đây bần tăng từng nói với thí chủ: Những đứa con cầu tự cũng giống như người thần tiên thác xuống trần gian, đối với họ, sự sống và sự chết xảy ra trong cõi đời trần tục đều bởi vì cần gánh vác một sứ mệnh nào đó. Nay thí chủ hỏi về việc có thể nào nhận ra được chuyển thế của con gái mình, bần tăng chỉ có thể trả lời bằng một câu: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng". Nếu sứ mệnh người ấy gánh vác lần đầu thai chuyển kiếp này có liên quan tới thí chủ thì sớm muộn gì hai người cũng sẽ nhận ra nhau, bằng không hãy cứ sống cuộc đời của mỗi người đừng kiếm tìm vô ích!"
Vị đại sư nói rồi chậm rãi đứng lên, bước ra ngoài. Phu nhân một mình ngồi dưới chân tòa Tam bảo, bần thần nhẩm lại những lời ngài nói, đôi mắt dán chặt vào bóng dáng đang dần đi xa. Chợt đại sư dừng bước, không ngoảnh lại, giọng nói âm vang như khánh ngọc vẳng đưa tới bên tai phu nhân:
''Người đã đầu thai, hà tất phải tụng kinh cầu siêu! Từ nay về sau thí chủ không cần tiếp tục làm những việc này nữa, cũng đã tới lúc nên buông bỏ nỗi khổ đau giày vò tâm trí ấy đi rồi!"
Tiếng nói còn ở lại mà bóng người đã khuất dạng từ lâu, phu nhân ngỡ ngàng nhìn quanh nhưng chỉ thấy một vùng trống vắng, tòa Tam bảo trước mặt cũng tự nhiên nhạt nhòa đi không còn trông rõ nữa. Phu nhân cất giọng thảng thốt gọi với theo: ''Thưa đại sư! Thưa đại sư!"
"Phu nhân! Thưa phu nhân!"
Phu nhân giật mình mở mắt mới biết rằng mình vừa thiếp đi trên ghế, hóa ra tất cả đều là mơ.
Mộng lồng trong mộng khiến người ta không khỏi cảm thấy mơ hồ như người lạc trong màn sương mà mất phương hướng. Bà mệt mỏi ngước lên nhìn người tì nữ vừa lay gọi mình, khẽ hỏi:
"Có chuyện gì thế?"
"Thưa, hình như đứa trẻ ấy đã tỉnh lại rồi!" — Cô ta đáp, rụt rè đưa mắt liếc nhìn về phía chiếc giường bên cạnh.
Phu nhân nghe xong thì bừng tỉnh, bật khỏi lưng ghế, ghé sát lại gần gương mặt đứa trẻ, nỗi vui mừng khấp khởi vô cớ dâng lên trong mắt.
Cô bé quả thực đã tỉnh lại, hai hàng mi khẽ động đậy rồi từ từ mở ra, để lộ đôi mắt đen thăm thẳm. Đứa trẻ nhúc nhích cánh tay, khó nhọc giơ lên, hướng về phía người phụ nữ ngồi trước mặt mình, miệng mấp máy muốn nói điều gì đó. Nguyễn phu nhân chìa tay đỡ lấy bàn tay đang cố với lên ấy, lại trao về con bé cái nhìn vừa chăm chú, vừa âu lo.

"Mẹ... ơi!" — Đứa trẻ nhìn sâu vào đôi mắt bà, khẽ cất tiếng gọi, đứt quãng nhưng rõ ràng.

No comments:

Post a Comment