Saturday 2 April 2016

Chương 4

CHƯƠNG 4: BIẾN
Nhập nội hành khiến Nguyễn Trãi còn có một giấc mộng khác.
Ngài mơ thấy Phật mẫu Man Nương [1] hiển linh. Người vận áo giao lĩnh [2] sắc đỏ, đầu đội Phù dung quan [3], tiến đến bên tiên sinh mà rằng:
"Ngài sắp gặp phải kiếp nạn tuyệt diệt không thể tránh khỏi, kéo đến ba đời. Nay vì cảm phục ân đức mới mộng báo cho ngài biết trước. Tuy họa diệt thân là không thể ngăn chặn nhưng nạn tuyệt tự thì có thể tránh".
[1] Phật mẫu Man Nương: Vị Phật bà được cho là khởi nguồn Phật giáo đất Việt, là vị Phật mẫu tương truyền sinh ra Tứ pháp trong tôn gíâo Việt Nam là Pháp vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
[2] Áo giao lĩnh; Áo cổ chéo, tay thụng.
[3] Phù dung quan: Mũ Phù dung, được hiểu là mũ của Đạo giáo.
Ức Trai tiên sinh liền hỏi:
"Phải tránh thế nào đây?"
"Ấy là tứ phu nhân Phạm thị [4] đang mang trong mình giọt máu cuối cùng của dòng họ Nguyễn, sinh ra sẽ là một đứa trẻ xuất sắc hơn người, nhất định phải bảo vệ lấy người con ấy. Hơn nữa, ngọc nữ thiên đình được ta cho phép đầu thai thế tục, trở thành con gái ngài, kiếp nạn hôm nay ngài và gia tộc gặp phải, sau này, người con gái ấy sẽ ra tay hóa giải phần nào".
[4] Phạm thị: Tức Phạm Thị Man.
Nói rồi, Phật bà bay mất nhưng câu nói của người vẫn văng vẳng đọng lại, rằng phải cứu lấy hai đứa trẻ.
Tỉnh dậy, Nguyễn Trãi ngồi trên giường hồi lâu, trầm ngâm suy nghĩ. Không như giấc mơ về phụ thân và con rắn, giấc mộng này ngài mới gặp lần đầu. Không biết do ban ngày phải suy nghĩ việc triều chính quá nhiều, đêm đến mới sinh ra mộng mị, hay thực sự đó là điềm báo gì?
Lúc này mới khoảng canh ba, bên ngoài trời tối đen như mực, nếu giấc mộng kia là thật, chậm một khắc cũng là không thể cứu vãn. Nghĩ vậy, người cho gọi lão quản gia vào, kêu sang nhà hậu đánh thức tứ phu nhân dậy.
Tứ phu nhân bước vào, nom người mệt mỏi, xanh xao hơn bình thường, vì bận công này việc nọ mà quả thực tiên sinh không nhận thấy. "Có lẽ nào... " — Một ý nghĩ thoáng hiện ra trong đầu ngài.
"Lão gia cho gọi thiếp có điều gì muốn dạy bảo?" — Tứ phu nhân nhẹ nhàng cất lời khi đã bước hẳn vào trong phòng, khép cửa lại.
"Mấy hôm nay nàng thấy trong người thế nào?
"Nhờ phúc tổ tiên, người vẫn mạnh khỏe, thưa lão gia!" - Người phụ nữ đáp.
"Có khi nào cảm thấy nôn nao, khó chịu, khẩu vị thay đổi?" — Tiên sinh gặng hỏi.
Lúc này, tứ phu nhân mới mỉm cười bẽn lẽn, ánh mắt hướng xuống, tay khẽ vê mép áo.
"Thiếp cũng nhận thấy trong người khang khác nhưng vì chưa dám chắc nên chưa nói với lão gia. Không ngờ người đã sớm đoán biết được!"
Nguyễn Trãi chầm chậm ngồi xuống ghế, dù không muốn tin nhưng dường như những điều ngài được mộng báo là có thật. Chuyện tứ phu nhân mang thai, đến bản thân nàng ấy còn không dám chắc thì làm sao có chuyện ngài tự nhiên nghĩ đến rồi nằm mộng.
"Lão Đại có ngoài đó không, mau cho mời cậu Lê Đạt qua đây!" — Tiên sinh gọi với ra bên ngoài, lệnh cho người quản gia đi mời vị khách trong nhà đến.
Lê Đạt là người học trò cũ của Ức Trai tiên sinh, tuy không phải dạng vô cùng xuất chúng nhưng con người ngay thẳng, lại cần cù, chăm chỉ nên Nguyễn Trãi tin dùng, giữ lại bên mình, coi như tâm phúc, lại coi như con cháu trong nhà, sau đó mai mối cho một đám rất được, lại cất căn nhà nhỏ tại Chí Linh cho hai vợ chồng trẻ. Nguyễn Trãi đối với người đó mà nói, chính là "ơn trọng như núi" nên cả đời đã quyết ghi lòng tạc dạ, chờ ngày báo đáp. Mấy bữa nay, biết ân sư về Côn Sơn vì việc công là chuẩn bị nghênh đón xa giá, Lê Đạt dù đường xa cũng phải cố lặn lội tới thăm hỏi người.
"Bẩm đại nhân! Người cho gọi con?" — Đạt lễ phép thưa.
Khi còn ba người trong phòng, tiên sinh mới từ tốn nói nhỏ: "Ta nằm mộng một giấc lạ lùng lắm! Thánh mẫu hiển linh báo cho ta tai họa sắp giáng xuống gia tộc này, là họa tuyệt diệt. Dù ta không muốn tin nhưng cứ thử cẩn thận một lần xem sao. Nay chỉ có con để ta tin tưởng, ta đành nhờ con ra tay cứu giúp một phen, đưa phu nhân đi xa khỏi chốn này, ngay trong đêm nay, đề phòng biến cố thật sự xảy ra!"
Cả tứ phu nhân và Lê Đạt đều tỏ ra lo lắng, toan thưa lại điều gì nhưng Nguyễn Trãi đã lên tiếng trước:
"Tai họa xảy đến là điều không ai mong muốn nhưng cuộc đời ta đã trải qua lắm phen thăng trầm, đành phải tin rằng số kiếp là do ông trời định đoạt, những gì phải đến ắt sẽ đến. Nếu chuyện báo mộng kia là có thật, ấy là ông trời muốn lưu lại cho gia tộc ta một con đường sống, vì vậy mà phu nhân đừng phụ lòng ta, nhất định phải vượt qua kiếp nạn này!"
Nói đoạn ngài giục giã hai người mau sửa soạn lên đường, lại đích thân tiễn ra khỏi cửa. Khi tiếng vó ngựa đã xa khuất mới trở vào trong, không quên dặn lão quản gia tuyệt đối không được hở cho ai biết chuyện đêm nay, nếu sau này có biến, ai hỏi đến tứ phu nhân thì đều phải nói trong lúc chạy loạn đã lạc mất tung tích người.
Nguyễn Trãi về phòng, khép cửa, nằm trên giường nhưng không ngủ được, cứ vậy mà chờ trời sáng. Giờ Mùi [5] ngày hôm sau, khi ngài đang thảo tấu chương trong thư phòng thì quan quân ập đến trói bắt cả nhà, bất kể chủ tớ cùng giải về kinh. Nằm trong ngục thất, tiên sinh mới hay đêm qua Hoàng thượng băng hà, tam phu nhân là Nguyễn Thị Lộ ở bên hầu hạ không tránh khỏi liên lụy. Mấy ngày sau, tin tức bên ngoài truyền vào cho biết Hoàng thái tử Bang Cơ đã đăng cơ. Nhà vua mới gần hai tuổi, còn nhỏ dại, lên làm vua chỉ là hình thức, quyền lực thực sự ắt hẳn phải nằm trong tay mẫu thân người, Thần phi Nguyễn Thị Anh, nay đã trở thành Hoàng thái hậu.
[5] Giờ Mùi: Từ 1 giờ đến 3 giờ chiều.
"Vậy thì họa này quả thật khó thoát!" — Trong ngục tối, Nguyễn Trãi đã lờ mờ cảm nhận được mối nguy hiểm cận kề.
Trải qua mấy ngày đòn roi tra khảo, cuối cùng, Nhập nội hành khiển kiêm Thừa chỉ đại học sĩ Nguyễn Trãi bị tuyên án tru di tam tộc. Lúc đao sắp chém xuống, người ngửa mặt lên trời kêu lớn một câu:
''Rắn báo oán là đây! Đáng tiếc không nghe lời Hoàng Phúc!" [6]
[6] Đại Việt sử ký toàn thư- Bảo kỷ thực lục, quyển 11: Kỷ nhà Lê - Thái Tông Văn hoàng đế, ghi "Hối không nghe lời của Thắng và Phúc".
Buổi sáng ngày hôm đó, thái giám Đinh Phúc dậy từ rất sớm. Đi theo hầu Hoàng thượng còn dăm ba tên Nội quan nữa nhưng Phúc biết chúng vốn lóng ngóng, lại không hiểu tâm tính người nên e rằng không tránh khỏi sơ sót, vì vậy mà viên thái giám già quyết định ở lại, chờ hầu điểm tâm rồi mới đi làm việc người giao, ấy là truyền chiếu chỉ tới nơi Ngô Thị Ngọc Dao đang tạm lánh.
Đã sang giờ Thìn [7], đáng lẽ theo thói quen, Hoàng thượng đã trở dậy từ lâu. Đinh Phúc đứng chầu bên ngoài trong lòng cảm thấy sốt ruột, lại nghĩ hay Long thể bất an, có gì mệt mỏi, mới lên tiếng gọi lớn:
"Hoàng thượng, đã tới giờ Thìn, người mau thức giấc!"
[7] Giờ Thìn: Từ 7 giờ đến 9 giờ sáng
Gọi đến lần thứ ba vẫn không có tiếng trả lời, Phúc đành đánh liều, đẩy cửa bước vào. Đại Bảo nằm trên giường, quay lưng ra ngoài. Phúc tiến lại gần hơn, cất tiếng gọi:
''Hoàng thượng, người đã dậy chưa ạ?"
Không thấy nhà vua có động tĩnh gì, viên Nội quan mới với tay chạm vào người, định khẽ lay. Bỗng dưới bàn tay của mình, Phúc cảm nhận thấy cơ thể nhà vua cứng ngắc, hoảng hốt, ông ta lao bổ tới, lật người nhà vua nằm ngửa ra, quên cả phép tắc. Gương mặt người nhìn bình thản nhưng không còn trông thấy chút thần khí nào, kiểm tra thấy hơi thả và mạch đập đều không còn, mới la lên thét gọi Thái y. Nhưng đã quá trễ, Đại Bảo đã tịch [8] tự lúc nào.
[8] Tịch: Chết
Một canh giờ sau, thay vì phải đến làng Đô Kỳ tuyên đọc thánh chỉ như lệnh vua hôm trước, Đinh Phúc lại hoảng hốt phi ngựa về Hoàng cung, báo tin nhà vua băng hà. Cả triều đình trở nên hoang mang hỗn loạn, Phúc cũng chẳng còn tâm trí nào để nhớ đến khẩu dụ cuối cùng mà Hoàng thượng để lại về việc của mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao. Phải đến khi cả gia tộc quan Hành khiển Nguyễn Trãi bị bắt giam vào ngục, Thái tử đã đăng cơ làm Hoàng đế, mọi việc trong triều dịu xuống chút đỉnh, Nguyễn Thần phi, giờ đã là Nhiếp chính Hoàng thái hậu, mới gọi Phúc đến hỏi riêng những chuyện xảy ra trong đêm cuối cùng của Tiên đế vì ông ta chính là kẻ luôn bên cạnh hầu hạ người. Đến lúc này, viên Nội quan mới nhớ tới chiếu thư Tiên đế để lại mà hiện ông ta vẫn giữ, chưa kịp ban bố như lời dặn của người.
Nhẩm tính nhanh trong dầu, Phúc nhận thấy rằng ấu chúa lên ngôi mới chỉ hai tuổi, tự cổ chí kim, với những trường hợp như thế này, há chẳng phải sẽ xảy ra việc Thái hậu buông rèm nhiếp chính hay sao? Vậy thì Thái hậu không chỉ là người nắm quyền cao nhất trong Hậu cung mà chính là người đứng đầu triều đình. Di mệnh của Tiên đế tuy quan trọng nhưng cái mạng của Phúc còn quan trọng hơn, mạng của ông ta bây giờ chính là nằm trong tay Thái hậu, do người định đoạt. Nghĩ vậy, Đinh Phúc vội vàng dâng chiếu chỉ của Tiên đế lên cho người. Vừa mở ra đọc, Thái hậu liền sa sầm nét mặt, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, những ngón tay bấu lấy tờ chiếu như muốn xé nát ra thành trăm mảnh. Sau khi lấy lại bình tĩnh, Thái hậu mới hạ giọng nói nhỏ với viên Nội quan:
"Từ giờ trở đi, nhà ngươi hãy quên hết những việc có liên quan tới bức chiếu thư này đi!"
Đinh Phúc nhanh nhảư dạ vâng, rồi vội vã rút lui. Ông ta sợ rằng trong cơn nóng giận, Thái hậu sẽ trút mọi oán hận lên kẻ nô tài biết quá nhiều chuyện này. Tuy không rõ Thái hậu định làm gì với bức chiếu thư nhưng Phúc không quan tâm nữa, chủ nhân bảo quên làm sao ông ta dám nhớ. Vừa cúi gập người bước đi, Phúc ta vừa nghĩ: "Đàn bà thật là thứ sâu hại! Vừa tham lam, vừa quỷ quyệt, lại đố kị và nhỏ mọn!"
Vó ngựa vun vút lao đi trong đêm. Lê Đạt theo lời dặn của ân sư là Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi đưa tứ phu nhân họ Phạm tới làng Đô Kỳ không dám một phút chậm trễ. Khi hai người đến nơi thì trời vừa hửng sáng. Không mấy khó khăn để Lê Đạt tìm thấy tư ấp của ngài Đinh Thế Biểu, cháu gọi Nhập nội tư mã Đinh Liệt là ông nội. Gia nhân trong nhà ra mở cửa, thấy hai người lạ mặt thì tỏ vẻ e ngại, không dám mời vào. Lê Đạt đã được cho biết về việc Ngô Tiệp dư và tứ Hoàng tử hiện đang được giấu ở đây nên có thể hiểu được tâm trạng những người trong nhà này, không dám làm khó, chỉ đưa ra một miếng ngọc bội, dặn nô tì đưa cho "người con gái về thăm mẹ đẻ". Ây là ám hiệu mà cô đã được chủ nhân dặn dò rằng hễ nghe thấy lập tức bẩm báo lại. Cô gái vội chạy đi tìm Ngọc Dao, đưa người mảnh ngọc, nhận ra tín vật của quan Hành khiển, nàng liền hỏi lại:
''Người hiện đang đâu?"
Nô tì trở ra, mở cửa dẫn hai người khách lạ tới trước mặt chủ nhân, vừa nhìn thấy người tự xưng là tứ phu nhân Phạm Thị Man, Ngô Tiệp dư đã nhận ra ngay những nét xanh xao, mệt mỏi trên gương mặt kia là của một người phụ nữ đang kỳ ốm nghén, vội vàng đỡ nàng ta đứng dậy, miễn cho hành lễ.
"Phạm phu nhân chẳng hay vì nguyên cớ gì mà mới sáng sớm đã tìm tới tận đây?" — Ngọc Dao gặng hỏi khi chỉ còn ba người ngồi lại với nhau.
"Kính bẩm, tiện thiếp vốn phận đàn bà, không hay biết những chuyện xảy ra trong triều đình, không rõ đêm qua vì lý do gì, lão gia tỏ ra vô cùng lo lắng, đã đánh thức tiện thiếp dậy lúc nửa đêm, bảo phải đi ngay, cũng không được trở về nhà mẹ đẻ, tin tưởng cậy nhờ đại nhân Lê Đạt đây đưa tới nơi này, dặn rằng khi tới tìm gặp lệnh bà thì đưa ngọc bội ra, người ắt sẽ tiếp".
''Đại nhân có nói rõ xảy ra chuyện gì không?" — Ngọc Dao lại hỏi.
"Kính bẩm, người chỉ nói qua loa rằng có dự cảm không lành, sợ rằng liên lụy gia quyến!"
Ngọc Dao đọc được trên nét mắt của người phụ nữ cũng trạc tuổi mình sự lo lắng bất an khó nói. Phải chăng quan Hành khiển đã gặp chuyện gì chẳng lành? Có lẽ nào lại liên quan đến việc của người và Hoàng tử mới sinh? Nghĩ đến đại nhân, lồng ngực nàng thắt lại, chẳng phải con cái rứt ruột đẻ ra, cũng chẳng phải mắc nợ ân nghĩa mà lại dám đứng ra một lòng bảo vệ nàng cùng Hoàng tử. Con người chính trực như thế đứng ở chốn quan trường như cây ngay vươn thẳng chỉ e gió bão không bẻ cong được ắt sẽ cố công quật gãy.
"Thân phận của tiện thiếp, và cả chuyện tìm đến gặp người, xin lệnh bà hãy giấu kín. Không phải tiện thiếp lo lắng gì cho số phận của mình mà chỉ e xảy ra việc phiền lụy đến người. Dù lão gia không dặn nhưng hẳn ngài sẽ có ý đó!" — Tứ phu nhân khẩn khoản thưa.
"Ta hiểu ý người! Phu nhân cứ yên tâm! Giờ ta sẽ bảo người nhà sắp xếp cho người và đại nhân đây chốn nghỉ, hẳn là đường sá xa xôi mọi người đã mệt cả!"
"Kính bẩm, còn điều này nữa!" — Phạm thị ngập ngừng thưa — "Tin tức của lão gia cùng gia quyến, nếu người biết được điều gì, dù tốt hay xấu, xin đừng ngần ngại nói cho tiện thiếp biết!"
Ngô Thị Ngọc Dao gật đầu bằng lòng rồi giục giã nàng ta mau đi nghỉ ngơi vì sắc mặt xem ra không tốt. Sau đó người sai gia nhân chạy đi mời thầy thuốc trong vùng tới bắt mạch xem sao. Giờ Mùi hôm ấy, tin tức từ trong cung chuyển đến, báo rằng Hoàng thượng băng hà. Nửa canh giờ sau, hung tin về Hành khiển Nguyễn Trãi cùng toàn bộ gia quyến bị bắt giải về kinh sư cũng truyền về. Chỉ khoảng hơn mười ngày sau, đại nhân cùng con cháu ba đời đồng loạt bị lôi ra pháp trường xử chém. Hai người đàn bà cùng trở thành góa phụ khi vừa bước qua ngưỡng tuổi hai mươi mơn mởn nhựa sống.
Thái tử mới hai tuổi có thể thuận lợi đăng quang cũng nhờ sự ủng hộ của cả hai thế lực trong triều đình. Phía các bậc khai quốc công thần như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Trịnh Khả, Lê Thụ, Lê Bôi vì lòng trung với Tiên đế mà chuyên tâm lập Hoàng thái tử do đích thân người sắc phong lên ngai vàng. Dù trước dây có nhiều điều dị nghị không hay về Thái hậu và Thái tử nhưng nghĩ về đại cục, các vị ấy không muốn vì đi ngược lại di nguyện của Tiên đế mà khiến triều đình xảy ra binh biến, bạo loạn. Còn bên phía bọn nịnh thần, hoạn quan như Phạm Đồn, Lê Khuyển, Đinh Phúc, Đinh Thắng, chúng vốn sớm coi mình là tâm phúc của Hoàng thái hậu nên việc hết lòng ủng hộ Bang Cơ lên ngôi là diều không cần bàn cãi.
Hoàng thái tử Lê Bang Cơ đăng cơ, đặt hiệu là Thái Hòa, Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm nhiếp chính, lại có sự phò tá của các đại thần Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Lê Khắc Phục, triều đình trong ngoài dần đi vào ổn định. Nhưng Thái hậu chưa thể kê cao gối ngủ ngon giấc vì một lý do không phải ai cũng biết.
Một đêm, thái hậu cho gọi Tổng quản thái giám Đinh Phúc đến hỏi chuyện:
"Lời nói của Hành khiển Nguyễn Trãi trước giờ hành hình là sao?"
"Dạ bẩm!" — Phúc rụt rè tâu — "Về rắn báo oán thì nô tài không rõ nhưng còn Hoàng Phúc thì thần biết. Ông ta chính là Thượng thư Hoàng Phúc, viên quan cai trị của nhà Minh, nô tài được biết ông ta trước đây khi xem mộ tổ Nguyễn Trãi có phán một câu: "Nhị Khê mạch đoản, họa thảm tru di!" rồi khuyên Trãi sớm từ quan chức về tránh hậu họa. Điều này chính Nguyễn Trãi nói ra với Tiên đế khi lần đầu người có ý mời Trãi quay về triều đình phò giúp việc nước, vì nô tài luôn ở bên theo hầu Tiên đế nên mới nghe được."
Thái hậu đứng lên, đi lại trong phòng, ngẫm nghĩ chốc lát rồi nói với Phúc:
''Vậy thì chi bằng tận dụng triệt để, nhân đó tung tin đồn!"
"Tin đồn ra sao ạ?" — Viên Nội quan dỏng tai lắng nghe.
"Ngươi đã bao giờ nghe được một câu chuyện thế này: Thị Lộ thực chất là con rắn thành tinh, vì có thù với nhà họ Nguyễn mà hóa ra người đàn bà có sắc đẹp mê hoặc lòng người, quyến rũ Tiên đế rồi ra tay sát hại người để giáng họa lên ba đời gia tộc quan Hành khiển: đàn ông bị xử chém, đàn bà bị dìm chết. Đến lượt Thị Lộ bị đem ra xử như án đã tuyên, khi chiếc cũi nhốt bà ta vừa nhấn ngập trong nước, Lộ bỗng rùng mình biến ra con rắn rồi bơi đi mất".
Đinh Phúc nghe tới dâu, đôi mắt đảo liên hồi tới đó.
"Chuyện này… là thật sao?" — Hắn ấp úng hỏi lại, nửa như tò mò, nửa lại bối rối.
Thái hậu không đáp, chỉ phá lên cười không dứt khiến mặt tên hoạn quan càng trở nên ngắn tũn lại, hắn không hiểu vì điều gì mà chủ nhân lại tỏ ra thích thú đến vậy.
Một hồi sau, Thái hậu lấy lại nét mặt nghiêm trang sắc lạnh của mình, nói với hắn:
"Ngươi là kẻ ngốc hay vì muốn lấy lòng ta mà ra vẻ tin vào câu chuyện hoang đường ấy?"
"Nô tài..." — Phúc ấp úng nói không nên lời, cảm thấy mình như đang há miệng mắc quai.
"Thôi bỏ đi!" — Thái hậu cười khẩy nhưng không phải vì khinh bỉ hắn mà bởi thấy tạm hài lòng với những tính toán trong đầu mình — "Chính vì nửa tin nửa ngờ nên người ta mới càng muốn bàn tán về nó! Cơi tàn của đống lửa theo gió bay xa, nếu gặp được một mồi lửa tốt sẽ lại bùng lên thành đám cháy, nhà ngươi hãy làm cơn gió ấy đi! Câu chuyện ta vừa mới kể, hãy mang nó gieo vào trong dân chúng!"
Phúc há hốc mồm kinh ngạc, y không ngờ bốn chục năm sống trong Hậu cung, làm tên nô tài chuyên việc nịnh hót bề trên, công kích kẻ dưới, nghĩ ra trăm phương ngàn kế để rộng đường tiến thân như y lại chẳng thể thâm hiểm bằng một người đàn bà mới hai chục xuân xanh, tiến cung chưa tới hai năm.
"Xin vâng, nô tài sẽ làm theo ý người là tạo ra một tin đồn, biến Thị Lộ thành con rắn báo oán, nung nấu cơ hội hãm hại gia tộc Nguyễn Trãi và rồi đổ mọi tội lỗi lên đầu bà ta!" — Phúc thận trọng xác nhận lại ý muốn, cũng là mệnh lệnh của Thái hậu.
"Đúng thế! Hành khiển Nguyễn Trãi vốn bậc khai quốc công thần, nổi tiếng trung thành, ngay thẳng. Tuy giờ ông ta đã bị xử chém cùng cái tội danh mưu phản, lập mưu hành thích Tiên đế nhưng ngươi nghĩ xem cái đám dân đen đã quen với việc coi hắn như thánh sống liệu có tin vào bản án ấy, hay sẽ đem lòng oán hận ấu chúa mới lên ngôi? Chi bằng, đổ hết lên đầu một mụ đàn bà, để lại trong thiên hạ một câu: ''Nữ sắc làm hại con người ta quá lắm!" [9] chẳng phải là ý hay hơn sao?"
[9] “Nữ sắc làm hại con người ta quá lắm!": Lời bàn của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư, nguyên văn như sau: ''Nữ sắc làm hại con người ta quá lắm! Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?"
Đinh Phúc thoáng rùng mình nhưng rồi nhanh chóng lấy lại được vẻ mặt xu nịnh, gượng cười tấm tắc ngợi khen:
"Hoàng thái hậu bệ hạ anh minh! Thật đúng là diệu kế, diệu kế!"
"Đã biết rồi thì mau lui ra! Ta muốn nghĩ ngơi!" — Thái hậu khoát tay ra hiệu cho hắn lui. Tên hoạn quan cúi đầu ra chiều hiểu ý, lom khom bước di. Chợt dừng lại bậu cửa, như nhớ ra điều gì, mới có ý hỏi thêm: "Vậy còn câu "Đáng tiếc không nghe lời Hoàng Phúc?" người định tính sao?"
Thái hậu không trả lời, chiếc quạt trên tay cũng ngừng phe phẩy, nét mặt tỏ vẻ không hài lòng nhìn tên nô tài khiến hắn giật thót, vội vàng sửa lại: "Nô tài đáng chết! Nô tài đã nhiều lời!" Rồi mau chóng lủi mất. Còn lại một mình trong phòng, Hoàng thái hậu mới điềm nhiên nhấp một ngụm trà, bật cười thành tiếng mà rằng:
"Tất nhiên là ta đã có tính toán khác, lần này là dành cho ngươi, cũng như những kẻ đã biết quá nhiều!"
Một tháng sau, ngày mồng hai tháng hai năm Quý Hợi, Thái Hòa nguyên niên, nhà vua ban chiếu trong thiên hạ:
"Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trâm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lê nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử ổn còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức chú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất: chưa được rửa oan mà đến nổi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng? Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng? Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được ìòng trời, cỉập hết tai biến, hãy chẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót". [10]
[10] Trích Đại Việt sử ký toàn thư, mộc khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697)
Bang Cơ mới ba tuổi nói còn chưa sõi nên những lời ấy thực chất là của Hoàng thái hậu, rõ là cái câu "bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt" hay "kẻ tiểu nhân được tiến dùng" ý tứ sâu xa chính là muốn nhắm đến bọn Đinh Phúc, Đinh Thắng, lấy cớ cho phép mọi người "thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp sửa những điều thiếu sót" mà tìm vài kẻ trong Hậu cung vu cho Thắng, Phúc làm bừa, lộng hành, nhiễu loạn Hậu nội để tống giam vào ngục. Lại bóp méo lời nói Nguyễn Trãi trước khi xử tử thành "Đáng tiếc khồng nghe lời Thắng, Phúc!" để vu cho tội đồng mưu ám sát Tiên đế, lập tức lôi ra chém đầu.
Mấy ngày sau đó, tại tư ấp nhà họ Đinh ở Đô Kỳ, tứ phu nhân của Ức Trai tiên sinh hạ sinh hai đứa trẻ, một trai, một gái, đều mang thần sắc rạng rỡ, xinh đẹp khác lạ. Người liền đặt cho con trai cái tên Anh Vũ, nghĩa là võ nghệ cao cường, với tâm nguyện khi trưởng thành sẽ mạnh mẽ, anh dũng, trở thành bậc quân tử trượng nghĩa, giỏi tài thao lược. Còn người con gái đặt cho cái tên Ngọc Huyên, thanh trong như ngọc và ấm áp như ánh. nắng, mong mỏi cuộc đời cô bé sẽ tròn đầy, viên mãn, êm đềm.
Một năm sau, mùa thu, Thái Hòa năm thứ hai [11], Thái phó Đinh Liệt nhận thấy Thái hậu có nhiều hiềm khích với mình vì không ăn cánh với bè đảng trong triều của người, e sẽ sớm ra tay loại trừ, và có thể nhân cớ ấy bắt quàng sang mẹ con Ngọc Dao dù người đã sớm xa lánh những tranh chấp quyền lực chốn Hậu cung, an phận sống cuộc đời ẩn dật. Nghĩ vậy, ngài vội bí mật đưa nàng cùng Tư Thành trở về lánh tại chùa Dục Khánh, tránh không liên quan đến nhà họ Đinh. Ba mẹ con tứ phu nhân Phạm Thị Man, Anh Vũ và Ngọc Huyên cũng cùng đi theo dưới thân phận gia nhân. Quả nhiên một tháng sau, tháng bảy năm Giáp Tý, Thái hậu ra lệnh bắt giam Thái phó cùng vợ con gia quyến, đồng loạt tống vào ngục thất mà không công bố tội trạng gì rõ ràng.
[11]Thái Hòa năm thứ hai: Năm 1444 dương lịch.
Ngày tháng vẫn cứ trôi qua, trong triều có thêm nhiều biến động nhưng bên ngoài Cung thành, những đứa trẻ vần vô tư lớn lên bên nhau. "Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi", đến khi Ngọc Huyên có thể vừa chạy lon ton theo sau Tư Thành, Anh Vũ, vừa í ới gọi vang: ''Anh ơi! Anh ơi!" thì một chính biến khác lại xảy ra.
Tháng tư năm Ất Sửu, Thái Hòa năm thứ ba, Hoàng thái hậu dưới danh nghĩa Hoàng đế bất ngờ ra chiếu chỉ ân xá cho Ngô Thị Ngọc Dao, tìm rước mẹ con họ trở về Hoàng cung.
Tháng năm năm đó, vâng mệnh Hoàng thượng và Thái hậu, Ngô Thị Ngọc Dao đem Tư Thành cùng gia nhân trở về trình diện bề trên.
Tháng sáu, Hoàng thượng xuống chiếu phục vị danh phận Tiệp dư cho Ngô Thị Ngọc Dao, sắc phong làm Thái phi, đồng thời sắc phong tứ Hoàng đệ Tư Thành làm Bình Nguyên Vương, ban cho tư phủ trong Hoàng thành, cho phép được cùng các Thân vương khác ngày ngày tới điện Kinh Diên học tập.
Khi theo Tư Thành chuyển vào sống trong Vương phủ, tuy vẫn hồn nhiên không hề hay biết những chuyện lớn lao xảy ra trong triều đình và cả những cơn sóng ngầm vẫn ngày đêm âm thầm cuộn xô trong Hoàng cung nhưng bọn trẻ đã lờ mờ cảm nhận được sự thay đổi đến từ cách xưng hô thường ngày khi mà chúng không được phép gọi Tư Thành là ''anh" như trước đây nữa.

Năm ấy Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân lên bảy tuổi, Tân Bình Vương Lê Khắc Xương sáu tuổi, Hoàng đế Lê Bang Cơ năm tuổi, Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành bốn tuổi, Anh Vũ và Ngọc Huyên cùng lên ba. Từ đây, sóng gió chốn kinh kỳ sẽ xoay vần quanh cuộc đời của những đứa trẻ có số mệnh sinh ra làm Thiên tử Đại Việt.

No comments:

Post a Comment