Saturday 2 April 2016

Chương 9

THỔ CHƯƠNG: BANG CƠ

"Bên phía các Thân vương gần đây thế nào?" — Nhà vua nâng tách trà lên, hít hà một hai, khoan khoái thưởng thức hương sen thoang thoảng bay lên theo làn hơi nghi ngút, trong lúc đang nhàn nhã thưởng trà chợt nhớ tới các huynh đệ mình, người liền quay sang hỏi.
"Bẩm, các Vương gia vẫn ngày ngày chăm chỉ tới điện Kinh Diên học tập!" — Đào Biểu, Nội quan thân cận Hoàng thượng, cũng là đứa nô tài trẻ nhất trong Hậu cung, chỉ sàn tuổi Bang Cơ, gương mặt trẻ măng, trắng trẻo, nghe thấy bề trên hỏi liền kính cẩn tâu.
"Vậy à? Nghĩ lại thì dạo này hiếm khi thấy Hoàng đệ vào cung, không có chuyện gì đặc biệt chứ?"
"Điều này…" Đào Biểu lưỡng lự, ánh mắt đảo quanh một vòng, ám chỉ là chuyện khó nói trước mặt người khác.
"Các người lui cả ra đi!" Bang Cơ hiểu ý, ra lệnh cho đám cung nữ, thái giám lui khỏi phòng.
Khi bọn họ đã ra ngoài hết, Đào Biểu mới thôi khom lưng, đứng thẳng người dậy, làm vài động tác vươn vai khoan khoái. Trước mặt người khác nó là tên nô tài của Hoàng thượng nhưng vì sàn sàn tuổi nhau, lại sớm hầu hạ bên cạnh người nên Bang Cơ coi Biểu như bạn, cho phép nó đi đứng, nói năng thoải mái khi chỉ có hai người với nhau.
"Mau nói ta nghe!" — Nhà vua tỏ vẻ sốt ruột.
"Bẩm, nghe nói là vì ngôi Trữ cung chưa định! Các đại thần vừa dâng tấu xin Hoàng thái hậu sớm chọn người kế vị. Có khả năng ngồi vào vị trí đó chỉ có thể là các huynh đệ của người mà thôi!" — Đào Biểu tỏ vẻ am tường.
"Là vậy sao?" — Bang Cơ xoa cằm ra chiều suy nghĩ — ''Vì thế mà không muốn vào cung, sợ bị hiểu nhầm là lợi dụng sự ủng hộ của ta và Hoàng mẫu để đạt được vương vị... Đúng là tính cách của Hoàng đệ!"
''Hiện giờ đang là thời điểm nhạy cảm, tuy ai cũng biết trong các Thân vương, Thái hậu bệ hạ luôn thiên vị tứ Vương gia hơn cả, nếu phải chọn một người vào ngôi Trữ cung, chắc chắn người sẽ không ủng hộ ai khác ngoài ngài ấy nhưng chính sự là những việc cần thể hiện ra ngoài cho người khác thấy sự khách quan. Nếu cứ vô tư ra vào Hậu cung như trước đây, sau này dù kết quả thế nào cũng không tránh khỏi những lời dị nghị khiến ngài ấy khó giữ được sự tôn kính trong mắt các đại thần trong triều."
"Đào Biểu!" — Hoàng thượng hắng giọng — "Ngươi không nói thì cũng không ai bảo ngươi câm! Những điều như thế chả nhẽ ta lại không hiểu sao?"
Viên Nội quan nhận ra sự thiếu tinh tế của mình, vội cười cầu hòa. Hoàng thượng vốn vô cùng không thích bị coi là người kém hiểu chuyện, cho rằng kẻ nào lên giọng giảng giải cho người nghe những điều người đã biết, hoặc lẽ ra phải biết thì chính là đang có suy nghĩ coi thường người. Đào Biểu vừa chớm phạm phải lỗi lầm đó liền bị người chặn họng nhắc nhở.
"Nào, lại gần đây nghe trẫm nói!" — Bang Cơ khoát tay ra hiệu cho tên thái giám lại gần để người nói thầm vào tai.
Tháng bảy năm Thuận Thiên nguyên niên [1], vua Lý Thái Tổ khởi sự dời đô, chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Lý Thái Tổ cùng quần thần đã gấp rút xây dựng những công trình cơ bản của Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm Thuận Thiên thứ hai [2] thì hoàn thành và theo mô hình Tam trùng thành quách, tức là ba vòng thành. Vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, vòng thành thứ hai là Hoàng thành, giữa hai lớp thành này ỉà nơi sinh sống của cư dân, lớp thành còn lại là Tử cấm thành, Cấm thành, Long Phượng thành hay Cung thành là nơi ở của Hoàng đế. Các thời sau đều theo cách ấý mà phân chia. Từ bấy đến nay đã trải qua hơn bốn trăm năm thăng trầm với bốn triều đại và hàng chục lần ngai vàng thay chủ.
[1] Năm Thuận Thiên nguyên niên: Nãm 1010 dương lịch.
[2] Năm Thuận Thiên thứ hai: Năm 1011 dương lịch.
"Ngươi biết không Đào Biểu?" — Bang Cơ phe phẩy quạt, vừa thong dong thả bước trên con đường buổi sớm còn thưa thớt người qua lại, vừa vui thích ngắm nhìn nhà cửa hai bên, nói với viên Nội quan "Kinh thành Thăng Long sau thời Lý -Trần, đến thời Hồ đã đổi tên thành Đông Đô để phân biệt với thành nhà Hồ ở Thanh Hoa là Tây Đô. Năm ấy [3], khi quân nhà Minh sang xâm lược Đại Ngu [4], đánh bại cha con Hồ Quý Ly, đã đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan. Khi Thái Tổ Cao Hoàng đế dấy binh dẹp quân Ngô, giành được thắng lợi đã tiếp tục chọn nơi đây là Kinh đô, đổi từ Đông Quan thành Đông Kinh, hàm Ý đó là kinh đô của một nhà nước độc lập chứ không phải là phủ quan như ý muốn của nhà Minh. Sau khi đức Thái Tổ lên ngôi, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt, nơi đây mới một lần nữa trở thành kinh đô của Đại Việt ta".
[3] Tức năm 1408 dương lịch.
[4] Đại Ngu: Quốc hiệu nước ta dưới thời nhà Hồf được đặt vào năm 1400, chữ Ngu ở đây mang nghĩa là sự yên vui, hòa bình.
''Vâng, thưa Hoàng thượng!" — Đào Biểu tỏ ra hứng thú.
"Suỵt!” Nhà vua vội ra hiệu "Đã ra đến đây thì đừng gọi ta là "Hoàng thượng", hãy gọi là "công tử" đi!"
"Vâng, thưa Hoàng... à, thưa công tử!"
Chẳng mấy chốc hai người đã đến trước phủ Bình Nguyên. Cũng như các phủ đệ khác, Bình Nguyên phủ nằm giữa lớp Hoàng thành và Cưng thành. Nếu còn là Hoàng tử, Tư Thành cùng Nghi Dân, Khắc Xương sẽ sống trong Cưng thành. Nhưng một khi Hoàng đế băng hà, Thái tử đăng quang, các Hoàng tử trở thành Thân vương thì phải chuyển ra phủ đệ riêng bên ngoài Cung thành.. Đến khi đủ trưởng thành, các Thân vương lại một lần nữa phải rời khỏi Kinh thành, đi đến các châu, trấn [5] xa xôi, trên danh nghĩa là người đứng đầu một trấn nhưng điều hành các công việc hành chính, quân sự tại đó đã có các quan Chuyển vận sứ, Tuần sát sứ [6] đảm trách. Vì thế, việc điều chuyển ấy thực chất là chặt đi đôi cánh quyền lực để không cách, nào tơ tưởng tới ngai vàng.
[5] Đơn vị hành chính của nước ta thời xưa, tương đương với tỉnh, huyện bây giờ.
[6] Các chức quan đứng đầu một huyện từ thời Lê Thái Tổ đến Lê Nhân Tông.
Dù nhìn từ ngoài hay khi đã bước vào trong, Bình Nguyên phủ đều toát lên vẻ thanh nhã hơn là phú quý. Ngô Thái phi và Bình Nguyên Vương trong những năm tháng lưu lạc đã có một thời gian dài nương nhờ cửa Phạt, sống đời chay tịnh, gần gũi đạo môn. Kể cả khi đã được Thái hậu và Hoàng thượng khôi phục danh phận, ban cho được hưởng vinh hoa phú quý giống như các Hoàng thân quốc thích khác thì nếp sống của người vẫn luôn giản dị, thanh đạm, không có gì đổi khác. Vì thế mà Bình Nguyên phủ tuy là tư phủ của một Vương gia nhưng lại toát lên vẻ thanh tịnh như chốn chân tu.
Buổi sớm tháng tám [7] đã là giữa mùa thu, tiết trời hơi se lạnh, sương giăng nhè nhẹ trên những ngọn cây, cành lá, cảnh vật lúc ẩn lúc hiện như sương khói càng làm quang cảnh nơi đây thêm phần thanh khiết, huyền ảo, khiến Bang Cơ bỗng có cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
[7] Tính theo lịch âm, tức khoảng tháng 10 hoặc 11 dương lịch.
“Đây là giống cày gì? Sao lại vừa mong manh, vừa cổ kính?" Trông thấy những cành cày mảnh khảnh, khẳng khiu như đã chết khô từ lâu nhưng lại có thể trổ ra vô số lộc lá xanh biêng biếc, lấm tấm điểm thêm sắc hoa trắng mong manh, thanh khiết, Bang Cơ cảm thấy làm lạ liền hỏi Đào Biểu.
"Thứ lỗi cho nô tài ngu muội, quả thực nô tài cũng không rõ đây là giống cây gì!" — Biểu tỏ vẻ băn khoăn.
Khi ấy bỗng có tiếng nữ nhân cất lên, chất giọng thanh trong như ngọc:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chị mai
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
(Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch)
Giữa khung cảnh huyền ảo của khu vườn hoa trắng, một người con gái xiêm y trắng muốt như bước ra từ làn sương khói, khiến Bang Cơ sửng sốt, tưởng mình đang đối diện với tiên nữ. Đào Biểu sau giây phút ngỡ ngàng, bỗng như sực tỉnh, vội tiến lên đứng chắn trước nhà vua, lăm lăm cây kiếm trong tay sẵn sàng hộ giá, lớn tiếng hỏi người vừa mới đến:
"Ai đứng ở đó? Mau xưng danh tính?"
Nữ nhân kia nghe thấy mới tiến lại gần hơn để hai người trông cho rõ mình. Nhưng vừa nhìn thấy nàng, Bang Cơ càng thêm kinh ngạc trước vẻ xinh đẹp của người con gái. Dung mạo, dáng dấp nàng đều toát lên vẻ thanh tú, mong manh như hạt sương trong nắng sớm, vô cùng lấp lánh.
''Tiểu nữ là gia nhân trong phủ, thấy quan khách có ý tò mò về loài hoa quý mới bạo miệng trả lời, nếu chẳng may thất lễ, xin công tử rộng lòng tha thứ!" — Người con gái khẽ cúi đầu trước nhà vua và Đào Biểu, tỏ ra khuôn phép, mực thước như khuê nữ nhà quyền quý được nuôi dạy cẩn thận chứ không giống như lời nàng nói rằng chỉ là một gia nhân trong Bình Nguyên phủ.
''Hai câu thơ nàng vừa đọc có phải trích từ cáo tật thị chúng [8] của Mãn Giác Thiền sư [9] , vị cao tăng đời nhà Lý?" — Bang Cơ ướm hỏi.
[8] Cáo tật thị chúng: Có bệnh bảo mọi người.
[9] Mãn Giác thiền sư (1052 – 1096) là vị cao tăng thời Lý. Tên thật của ông là Lý Thường. Mãn Giác đại sư là pháp danh do vua Lý Nhân Tông tặng khi ông viên tịch. Đương thời ông thường được gọi là Sùng Tín trưởng lão.
''Thưa công tử, quả không sai! Chính là hai câu cuối trong bài thơ Cáo tật thị chúng của Sùng Tín Trưởng lão!"
"Đình tiền tạc dạ nhất chi mai", phải chăng đây chính là ''nhất chi mai" trong truyền thuyết? Cây mai trong "tứ quý": tùng - cúc - trúc - mai, cũng là nó?"
"Thưa công tử, quả vậy!" — Nàng mỉm cười.
"Thật hố thẹn cho ta, tuy vẫn thường nghe nhắc đến trong rất nhiều sách vở nhưng tới giờ mới được "Mục kích sở thị” [10] Bang Cơ nâng một nhánh cây, thích thú ngắm nhìn.
[10] Mục kính sở thị: Tận mắt trông thấy.
"Mai trắng tuy mảnh dẻ nhưng cứng cáp, hoa nhỏ nhưng đẹp thuần khiết, mùi thơm nhẹ nhàng, kín đáo. Người xưa lấy cái khí phách của mai ví như người quân tử. Các nhà nho gặp thời loạn lạc thường ví mình như cành mai nở trong gió đông để giữ mình thanh sạch. Người cao tuổi chuộng cái già nua của lão mai, mong muốn tuổi già khỏe mạnh, trường thọ. Vóc dáng của mai còn được ví như người con gái quyền quý, khuê các." Nàng thấy quan khách tỏ ra yêu quý loài cây này liền nhẹ nhàng giải thích thêm.
Nghe thế, Bang Cơ cao hứng đọc lên bốn câu vịnh:
Xuân thiên mai nhụy phô thanh bạch
Hạ nhật hồng hoa đấu hảo kỳ
Cúc ngạo thu tình hương vạn hộc
Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi
Trời xuân mai trắng khoe thanh bạch
Rực thắm hồng hoa giục hạ sang
Ngạo nghễ tình thu hương ngan ngát
Đông về ngàn tuyết bọc ôm cành
(Yên Ba dịch.)
Người và cảnh, hoa và thơ như hòa làm một, không còn phân biệt được ranh giới giữa thực và ảo, nơi đây là cõi trần gian hay chốn tiên cảnh, nàng là cô gái phàm trần hay tiên nữ thiên đình. Khi Bang Cơ còn đang say trong thi vị thì bỗng đâu có tiếng gọi từ xa vọng lại:
"Ngọc Huyên! Con đang ở đâu?"
Người con gái nghe thấy tiếng ai gọi mình liền thưa: "Dạ, thưa mẹ, con trở lại ngay!" Nàng cúi đầu xin phép: "Tiểu nữ xin cáo lui!" rồi nhanh chóng lùi bước, chẳng mấy chốc lại biến mất vào làn sương sớm, bí ẩn và ảo diệu giống như cái cách nàng xuất hiện khiến nhà vua không khỏi ngẩn ngơ.
"Ngọc Huyên là tên nàng sao? Thanh trong như ngọc và ấm áp như ánh nắng, thật là một cái tên đầy ý vị!"
Ngày hôm ấy, Bang Cơ không gặp được Tư Thành. Bình Nguyên Vương đã cùng mẫu thân tới chùa Dục Khánh đi lễ mồng một rồi ở lại một đêm vẫn chưa trở về. Lại thêm Đào Biểu liên tục thúc giục người trở về tẩm cung nên Bang Cơ không có cách nào nán lại lâu hơn được.
Trong số bốn anh em trai, Hoàng thượng luôn gần gũi và tỏ ra đặc biệt yêu mến Bình Nguyên Vương bởi Tư Thành tính tình phóng khoáng, cởi mở, tâm tư trong sáng, lại thêm tư chất thông minh, văn chương võ nghệ đều hơn người khiến Bang Cơ không khỏi thán phục, thường cùng Hoàng đệ luận bàn sách vở, tập tành cung kiếm. Bang Cơ từ lâu đã hiểu rõ Tư Thành là một nhân tài hiếm có, người luôn mong muốn có Hoàng đệ giúp sức trong việc triều chính.
Tuy là vua một nước nhưng Bang Cơ trước nay chưa từng tự mình đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan tới việc triều chính, thực quyền vẫn ở trong tay Hoàng mẫu và những vị quan tai to mặt lớn, giọng nói sang sảng hùng hồn như sấm sét mỗi khi có việc tấu trình. Nhưng Bang Cơ cũng chẳng lấy đó làm điều phiền não, người vốn yêu thích thơ phú, nghiên cứu học thuật hơn là làm chính trị, về điểm này, người cảm thấy mình có chút đồng cảm với Hoàng huynh Khắc Xương, có khác chăng chỉ là Bang Cơ đã được chọn để gánh vác trọng trách quốc gia.
Hoàng thượng vốn biết cái ngày người sẽ thực sự làm chủ ngai vàng, tự mình đưa ra những quyết định trọng đại, liên quan đến vận mệnh đất nước và hàng vạn con dân sẽ chẳng còn bao xa. Chính vì vậy mà người nửa thì muốn thả lỏng bản thân để tận hưởng nốt những tháng ngày nhàn tản không ưu tư phiền não, nửa lại muốn dốc sức học hành, nghiền ngẫm chính sự, dành chút thời gian còn lại dùi mài kinh sử, ngẫm kế tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bang Cơ không nuôi tham vọng trở thành một Hoàng đế vĩ đại, mang quân đi chinh phạt mở mang bờ cõi nhưng người mong muốn chí ít mình có thể làm một vị vua sáng suốt, biết phân biệt phải trái, gần gũi trung thần, xa lánh nịnh thần.
Để làm được điều ấy, Hoàng thượng nhất thiết phải giữ được bên mình những người tài đức vẹn toàn như Hoàng đệ Tư Thành. Nhưng Tư Thành nếu chỉ là một Vương gia bình thường, sẽ phải sống xa Kinh thành, càng không được phép bước chân vào chốn quan trường, tham gia chính trị, đó là thông lệ muôn đời nay, kể cả Hoàng thất bên Minh quốc [11] cũng phải nghiêm chỉnh tuân theo. Điều này khiến Bang Cơ không khỏi vì luyến tiếc mà luôn cảm thấy trăn trở.
[11] Minh quốc: Chỉ nước Trung Quốc đời nhà Minh.
"Hoàng thượng, người đang nghĩ gì mà đăm chiêu vậy?"
Một giọng nói cất lên, kéo Bang Cơ trở lại thực tại. Người ngẩng lên, đứng trước mặt là Đà Quốc Trưởng công chúa [12], Diên Trường.
[12] Trưởng công chúa: Con gái của vua gọi là Hoàng nữ, khi được sắc phong thì trở thành Công chúa và có tên hiệu riêng, công chúa về sau có anh hay em Làm vua thì được gọi là Trưởng công chúa (để phân biệt với công chúa con vua đang trị vì). Ở dây, Hoàng nữ Diên Trường (con gái vua Lê Thái Tông) được sắc phong là Đà Quốc Công chúa, khi Thái Tông băng, Bang Cơ là em trai lên làm vua (vua Lê Nhân Tông), được gọi là Đà Quốc Trưởng công chúa.
"Hoàng tỷ! Chị mới đến ư?" — Bang Cơ mỉm cười, đặt quân cờ đang mân mê trong tay xuống.
"Người đang chơi cờ sao?" — Công chúa hỏi, nhìn xuống bàn cờ đang đánh dở.
"Chỉ là rảnh rỗi nên tự mình nghiền ngẫm vài ván cờ thôi!" — Hoàng thượng đáp.
Diên Trường nhìn chăm chú một hồi rồi với lấy một quân đen trong lọ đặt lên mặt bàn cờ, lập tức, thế cờ thay đổi, quân đen đang lép vế bỗng trở nên chiếm ưu thế.
"Nước cờ hay tuyệt!" — Bang Cơ bật lên xuýt xoa.
"Trong tứ tuyệt là cầm, kỳ, thi, họa, những món khác có thể không nói nhưng cờ chẳng phải nên chơi cùng người khác hay sao? Từ nay về sau, mỗi khi cần người cùng đánh cờ, hi vọng Hoàng thượng nhớ đến thần thiếp. Tuy chẳng phải là hạng cao thủ gì nhưng cũng tự tin vì đã nắm được luật lệ cơ bản, có thể hầu cờ người được".
"Hoàng tỷ quá khiêm tốn rồi! Chỉ đi một bước đã bộc lộ ra tài năng hơn người, thật là một nước cờ xuất chúng khiến trẫm không khỏi cảm thấy hổ thẹn!"
''Đội ơn Hoàng thượng ban khen ! Nhưng cũng dám xin người thứ tội!" — Diên Trường lém lỉnh nói lời cảm ơn và xin lỗi cùng lúc khiến Bang Cơ bật cười ha hả, liền khoát tay ra hiệu:
“Nào, Hoàng tỷ cũng ngồi xuống đây, cùng trẫm chơi nốt ván cờ, ít ra cũng phải cho trẫm cơ hội được gỡ gạc lại chút thanh danh chứ!"
Công chúa mỉm cười dịu dàng, đoạn ngồi xuống bên cạnh, nhập vai đối thủ mà tiếp tục ván cờ.
Đà Quốc Trưởng công chúa là Hoàng tỷ của Bang Cơ và Tư Thành, năm nay vừa tròn mười bốn tuổi, người chính là con đẻ của Ngô Thái phi. Khi mẫu thân vì phạm trọng tội mà bị đuổi ra khỏi cung đương lúc mang Long thai, Diên Trường lúc đó mới chưa đầy hai tuổi, bơ vơ, côi cút, vô cùng đáng thương. Sau đó, Ngô Thị Ngọc Dao khi trở về lánh nạn nhà ngoại, rồi một lần nữa được đem giấu đến chùa Dục Khánh, suốt bốn năm ròng rã, không một ngày nào người không khắc khoải ngóng tin con gái. Biết Công chúa được chính Thần phi Nguyễn Thị Anh, sau đó trở thành Nhiếp chính Hoàng thái hậu, đưa về tẩm cung của mình nuôi dạy, Ngọc Dao vừa kinh ngạc, lại vừa vô cùng cảm kích, đã nguyện trong lòng cả đời này sẽ ăn chay niệm Phật, sống cuộc đời ẩn dật, che giấu thân phận của mình và nhi tử, không để Thái hậu cảm thấy bất kỳ mối đe dọa nào từ sự tồn tại của họ, chỉ cốt mong sao người mãi mãi đối tốt với Diên Trường.
Chính vì lẽ đó, Diên Trường tuy là nữ tử [13] của Ngô Thái phi, chị ruột của Tư Thành nhưng lại lớn lên cùng Bang Cơ trong sự nuôi dạy của Thái hậu. Cũng bởi cơ duyên kỳ lạ đó mà mối quan hệ giữa ba người Bang Cơ — Diên Trường — Tư Thành gần gũi đến độ khó có thể dùng vài ba câu mà cắt nghĩa hết được.
[13]Nữ tử: Con gái.
"Sớm nay thấy người lặng lẽ rời khỏi tẩm cung, chẳng hay lại bắt Đào Biểu dẫn tới nơi nào?" — Diên Trường vừa chai cờ, vừa ướm hỏi.
"Hoàng tỷ trông thấy sao?" Bang Cơ tỏ ra kinh ngạc "Cứ ngỡ là lúc đó trời chưa sáng rõ, sẽ không ai nhận ra trẫm!"
''Thần thiếp chỉ là gặp hôm thức dậy quá sớm nên thong thả tản bộ rồi vô tình trông thấy! Hoàng thượng đừng lo, sẽ không có chuyện thần thiếp thưa lại với Hoàng mẫu!"
"À! Trẫm không lo việc ấy! Trẫm rất tin tưởng Hoàng tỷ, chẳng qua là có chút ngạc nhiên khi bị phát hiện!"
"Có thể nói cho thần thiếp hay người đã đi đâu vào lúc sớm như vậy không?"
"Trẫm tới tìm Hoàng đệ!"
"Tứ Vương gia ư?"
''Phải! Lâu rồi không thấy Hoàng đệ nhập cung, trẫm đoán là vì việc các đại thần dâng sớ xin lập một người trong số các Thân vương vào ngôi vị Trữ cung!"
"Có cả chuyện ấy sao?" — Công chúa sửng sốt quên cả việc đã đến lượt mình đi nước cờ tiếp theo.
"Theo trẫm đó là việc tốt! Nếu Hoàng đệ được chọn thì còn gì đáng mừng hơn? Người tài như Tư Thành không thể để bị mai một bởi việc cả đời chỉ được yên phận làm một Thân vương bình thường. Một khi chính thức chấp chính, trẫm muốn có Bình Nguyên Vương ở bên giúp sức!"
''Vậy người có gặp được Hoàng đệ không?"
"Đáng tiếc là không!" Bang Cơ thở dài nhưng bỗng nét mặt người trở nên rạng rỡ như nhớ ra điều vui mừng "Tuy nhiên trẫm lại gặp được một người khác! Thật sự là thần kỳ!"
"Ai vậy?" — Diên Trường tò mò.
"Một tiên nữ!"
"Tiên nữ?"
''Phải! Một tiên nữ giáng trần, vô cùng xinh đẹp, thoát tục! Xuất hiện và biến mất như một làn khói, khiến trẫm vẫn ngỡ như mình đang chìm trong ảo mộng!"
Quân cờ trong tay Diên Trường rơi xuống nền nhà. Bang Cơ ngẩng lên, sửng sốt nhận ra vẻ thất thần của Hoàng tỷ với hàng lệ lăn dài trên má. Công chúa bối rối quay mặt đi chỗ khác lảng tránh ánh mắt người, vừa vội vàng lau khô nước mắt, vừa gượng cười giải thích:

"Hoàng thượng đừng để tâm, là hạt bụi vô ý bay vào đó thôi!

No comments:

Post a Comment