Saturday 2 April 2016

Chương 2

CHƯƠNG 2: LOẠN

Tháng mười một năm Tân Dậu, Đại Bảo năm thứ hai [1], vừa đúng một năm sau, Hoàng thượng đột ngột ra chiếu chỉ phế truất Thái tử Lê Nghi Dân, lập tam Hoàng tử Lê Bang Cơ lên thay thế. Đối với đám dân đen và nô tì quanh năm đầu tắt mặt tối, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, việc ai làm Thái tử vốn chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống của họ. Nhưng dẫu thế họ vẫn thích bàn tán đến những chuyện thị phi trong Hậu cung, trong đó có việc Thái tử mới được lập là con đẻ của vị phi tần họ Nguyễn mới nhập cung đã được Hoàng thượng vô cùng sủng ái.
[1] Đại Bảo năm thứ hai: Năm 1441 dương lịch.
Khắp trong ngoài, ai ai cũng biết từ ngày có nàng, Hậu cung của nhà vua chẳng lúc nào sóng yên biển lặng. Quý phi họ Dương, tự là Tiếu Hoàn [2], còn có tên húy là Bí, trước đó từng là người có địa vị cao nhất trong Hậu cung vì sinh được cho bệ hạ đại Hoàng tử Lê Nghi Dân và nhị Hoàng tử Lê Khắc Xương. Dương Quý phi vốn được Hoàng thượng vô cùng sủng ái, tên tự Tiểu Hoàn của nàng cũng là do đức Hoàng thượng ban cho, ngầm có ý so sánh nhan sắc yêu kiều của nàng như một tiểu Quý phi Dương Ngọc Hoàn [3] thời Đường quốc. Những tưởng sau khi đại Hoàng tử được lập làm Hoàng thái tử, vinh hoa phú quý của Dương Quý phi từ nay về sau sẽ mãi đầy thêm, chẳng ngờ đang trong những tháng ngày nhận được ân điển mênh mông ấy, Thánh thượng lại đột ngột thay lòng đổi dạ, quay sang sủng ái một nữ nhân khác, người con gái bí ẩn người đưa cùng về sau chuyến tuần du xuống phía Nam.
[2]Tiểu Hoàn: Nghĩa là "chiếc vòng ngọc nhỏ", đây là tên tự mà tác giả cố ý đặt thêm cho nhân vật Dương Thị Bí.
[3] Quý phi Dương Ngọc Hoàn: thường được gọi là Dương Quý phi, một trong tứ đại mỹ nhân Trung hoa. Gồm có: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Ngọc Hoàn.
Nguyễn Thị Anh nhập cung mà chẳng cần thông qua cuộc tuyển chọn tú nữ khắt khe như thường lệ, lại một bước được Hoàng thượng phong làm Quý phi, đứng hàng cao nhất trong: Tam phi, cửu tần, Lục chức [4], ngang hàng với mẫu thân của Hoàng thái tử, quả thực xưa nay chưa từng có tiền lệ nào như thế, thật khiến cho kẻ khác vừa ganh tị lại vừa kiêng nể. Hoàng thượng còn đích thân ban cho nàng phong hiệu "Thần” [5] để luôn nhớ tới giấc mơ kỳ lạ như có thần linh dẫn lối chỉ đường cho hai người gặp nhau. Trong lòng Thánh thượng, vị trí chủ nhân của trái tim người sớm đã được định đoạt, vì vậy mà việc Hậu cung thay chủ chỉ còn là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
[4]: Tam phi: Quý Phi, Minh Phi, Kính Phi. Cửu tần: Chiêu Nghi, Chiêu Dung, Chiêu Viên, Tu Nghi, Tu Dung, Tu Viên, Sung Nghi, Sung Dung, Sung Viên. Lục chức: Tiệp Dư, Dung Hoa, Tuyên Vinh, Tài Nhân, Lương Nhân, Mỹ Nhân.
[5] Ngoài cấp bậc phi tần được quy định theo quy chế như Quý Phi, Minh Phi, Kính Phi… phi tần được vua ban phong hiệu sẽ được gọi theo phong hiệu, ví dú Nguyễn Thị Anh sẽ được gọi là “Thần phi” nhưng thực chất vẫn là một Quý Phi.
Chẳng thế mà một Dương Quý phi cao quý bậc nhất, mẫu thân của Hoàng thái tử, người sẽ thừa kế ngai vàng, lại có thể mất đi quyền lực chỉ trong nháy mắt, bị giáng xuống làm Chiêu nghi [6], cuối cùng, cực điểm của sự thất sủng, nàng bị phế làm thường nhân, tẩm cung diễm lệ bỗng biến thành lãnh cung hoang vắng vì Hoàng thượng đã quyết đoạn tuyệt mọi quan hệ, chẳng bao giờ thèm ngó ngàng tới nàng nữa.
[6]: Chiêu nghi: Đứng hàng thứ nhất trong Cửu tần.
Hoàng thượng "yêu mẹ, bế con" không ngoài dự đoán, chẳng bao lâu sau khi mẫu thân bị phế, Hoàng thái tử Lê Nghi Dân mới vừa hai tuổi cũng không thể giữ được ngôi vị của mình. Tam Hoàng tử Lê Bang Cơ do Nguyễn Thần phi sinh ra được lập làm Thái tử, Hậu cung một lần nữa lại rung chuyển.
Trong chiếu thư Thánh thượng ban xuống đã nói rõ rằng:
"Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phân là con đích tôn quý. vậy sai Nhập nội đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử". [7]
[7]: Trích Đại Việt sử ký toàn thư, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697)
Đại Hoàng tử Nghi Dân phong làm Lạng San Vương, nhị Hoàng tử Khắc Xương phong làm Tân Bình Vương.
Nguyễn Thần phi không ngừng đi đi lại lại trong tẩm cung của mình, sắc mặt kém vui hơn bao giờ hết. Nàng đang nghĩ tới giấc mộng kỳ lạ đêm qua.
Trong mơ, Thần phi thấy mình ở trước mặt Ngọc Hoàng đại đế sụp xuống cầu xin nhưng người lại một mực ngoảnh đi. Ngọc Hoàng bứt ra một viên dạ minh châu trên áo đưa cho vị tiên đồng bên cạnh, vị tiên đồng ấy ngậm dạ minh châu, lập tức biến thành đứa bé trai xinh xắn kháu khỉnh nằm gọn trong tay Ngọc Hoàng, người đã trao đứa trẻ cho Thái Thượng lão quân rồi chỉ tay về hướng Bắc. Mơ đến đây thì Thần phi giật mình choàng tỉnh giấc.
Nàng quờ tay sang bên cạnh, thấy giường chiếu lạnh ngắt, vậy là đêm nay Hoàng thượng cũng không đến. Đã hơn một tuần nay người không ghé qua cung Khôn Thái, trước đây, lâu nhất chỉ là ba ngày, xem ra sự mặn nồng người dành cho nàng đã nguội đi ít nhiều. Thần phi chợt rùng mình nhớ lại điệu cười ngạo mạn của Dương Quý phi trước khi cửa cung Vĩnh Xuân của nàng ta bị Nội quan thị hậu chánh trưởng [8] niêm phong vĩnh viễn, nàng ta đã chỉ tay vào mặt nàng mà nói:
"Có thể giờ trong lòng ngươi đang cảm thấy đắc thắng nhưng cứ chờ đi, Hoàng thượng còn trẻ, loại nữ nhân có chút nhan sắc và thủ đoạn như ngươi còn rất nhiều trên đời, ngươi rồi cũng sẽ sớm bị những kẻ đó tìm mọi cách tàn nhẫn nhất để kéo xuống! Hãy ghi nhớ thật kĩ hình ảnh của ta ngày hôm nay, biết đâu sau này ngươi sẽ còn bi thảm han gấp trăm ngàn lần!"
[8] Nội quan thị hậu chánh trưởng: Như đại tổng quản thái giám trong hậu cung.
Họ Dương kia nói chẳng sai, trong chốn Hậu cung này những kẻ muốn dìm nàng xuống chưa bao giờ ít, liệu nàng sẽ trụ vững được bao lâu ở vị trí chủ nhân Hậu cung và ở trong lòng Hoàng thượng? Không một ai, dù là nàng hay ngay bản thân Hoàng thượng có thể biết chắc.
"Đinh Thắng!" — Thần phi lớn tiếng gọi kẻ tâm phúc đang đứng túc trực bên ngoài.
"Có nô tài!" — Tiếng người đáp vọng vào, liền sau đó viên Nội quan đẩy cửa bước vào, khúm núm quỳ xuống trước mặt nàng — "Lệnh bà cần gì ạ?"
"Canh mấy rồi?"
"Dạ, đã sang canh hai [9] rồi ạ!"
[9] Canh hai: từ 9h đến 11h đêm.
"Đêm nay Hoàng thượng ngự lại cung nào?"
"Điều này... Nô tài..." — Đinh Thắng ấp úng.
"Nói!" — Thần phi quát lên một tiếng khiến tên nô tài đang quỳ dưới đất phải giật bắn người, lảo đảo suýt ngã.
"Dạ, là cung Khánh Phương, thưa lệnh bà!" — Hắn lắp bắp.
"Cung Khánh Phương chẳng phải của Ngô Tiệp dư sao?"
"Dạ bẩm, vâng!"
"Nếu là Ngọc Dao..." — Thần phi khẽ thở phào, mỉm cười khoát tay ra hiệu cho Đinh Thắng — "Được rồi, ngươi có thể lui ra!"
Trong Hậu cung này, người có thể khiến Thần phi an lòng tuyệt đối chỉ có mình Ngô Thị Ngọc Dao, không phải do nàng ta chỉ là một Tiệp dư mà vì lẽ con người nàng ta tính tình ôn hòa, nhã nhặn, chẳng bao giờ bon chen, tranh chấp với ai. Thần phi đã từng gặp qua Ngọc Dao vài lần, đều cảm thấy có ấn tượng tương đối dễ chịu về nàng ta. Nghe nói ngày trước, khi Ngô Tiệp dư sinh hạ cho Hoàng thượng một Hoàng nữ, đặt tên Diên Trường. Hoàng thượng đã lập tức sắc phong Hoàng nữ là Đà Quốc Công chúa, lại có ý định phong Ngọc Dao thành Chiêu nghi nhưng chính nàng lại một mực khước từ, nói rằng có thể cùng người đàn ông mình yêu thương sinh ra những đứa con khỏe mạnh chính là hạnh phúc lớn nhất của mọi người phụ nữ, nàng không cần có thêm bất kỳ phần thưởng nào khác nữa. Chính bởi lời nói và thái độ ấy mà Ngọc Dao không giống như bao kẻ khác, có thể sống những năm tháng bình yên nơi nhiều sóng gió này. Đã nhiều năm kể từ ngày nàng nhập cung đến nay, Ngô Tiệp dư luôn được tiếng là người khiêm nhường, hiền thục, luôn giữ mình đứng ngoài các cuộc tranh chấp của đám phi tần, mỹ nữ.
"Đã là người không màng tới danh vọng thì có gì đáng sợ chứ!" — Nguyễn Thần phi nghĩ thầm, cảm thấy an lòng dù đêm nay Hoàng thượng lại trong cung Khánh Phương.
Đinh Thắng thấy chủ nhân hạ rèm, ngả lưng nằm xuống thì biết ý định lặng lẽ lui ra. Đột nhiên, Thần phi nhỏm dậy, như sực nhớ ra điều gì, nàng gọi giật viên Nội quan lại, hỏi hắn:
"Cung Khánh Phương nằm ở hướng nào?"
"Bẩm, là chính Bắc, thưa lệnh bà!" — Thắng ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời.
"Chính Bắc?" — Nàng lặp lại, vẻ hoang mang.
"Bẩm, nô tài chắc chắn nhớ không sai bởi vì đã từng cùng Nội quan Đinh Phúc dành hơn một tháng để vẽ lại sơ đồ bố trí các cung, điện trong Cung thành để dâng lên Thánh thượng theo lệnh của người!"
"Được rồi! Ta biết rồi! Ngươi mau lui ra!" — Thần phi lần nữa ra lệnh cho hắn lui đi nhưng lần này thái độ căng thẳng khác hẳn vẻ dễ chịu trước đấy.
Thắng cúi đầu bước lui từng bước ra tới cửa, trong lòng cảm thấy có chút khó hiểu, tính khí của Thần phi dạo gần đây thật thất thường khiến kẻ làm bề tôi như hắn đến thở mạnh cũng không dám.
Nhưng nếu như Đinh Thắng biết về giấc mơ của chủ nhân hắn, và liền sau đó chuyện Ngô Tiệp dư đã đậu Long thai trở thành tin tức lan ra khắp Hậu cung thì viên Nội quan sẽ chẳng còn cảm thấy việc tâm tính Nguyễn Thần phi bỗng trở nên bất ổn là điều kỳ lạ nữa.
Ngọc Dao đã có mang! Người đàn bà lúc nào cũng tỏ ra ôn nhu, kín đáo mà ngay cả con người nổi tiếng là ngạo mạn và khắc nghiệt như Dương Tiểu Hoàn trước kia cũng chưa từng dám động tới, đến giờ Thần phi cũng bắt đầu cảm nhận được sức hút tiềm ẩn bên trong vẻ dịu dàng, khiêm tốn của Ngọc Dao, đồng thời hiểu ra nàng ta chính là kình địch đáng gờm nhất - vị phi tần ở Hậu cung chính Bắc.
Không giống như những nữ nhân khác trong Hậu cung, Ngọc Dao chưa bao giờ để mình bị lôi kéo vào những chuyện ghen tuông tranh sủng hay kéo bè kết cánh, có thể là vì tính cách nàng vốn ưa thích sự yên ổn hơn là danh vọng, cũng có thể đó là lòng tự tôn gia tộc, khi mà Tiệp dư có ông nội là Thái phó, Hưng quốc công Ngô Kinh và phụ thân là Thái bảo, Chương khánh công Ngô Từ, còn bên ngoại là dòng họ Đinh hiển hách, dứng đầu là Thái bảo Đinh Liệt, một trong những khai quốc công thần đã cùng sát cánh bên Thái Tổ Cao Hoàng đế [10] đánh dẹp đại quân Minh quốc khỏi bờ cõi Đại Việt, lập nên nhà Lê. Đối với người có thân thế cao quý như nàng, nếu cùng đám nữ nhân trong Hậu cung làm ra những việc tranh đoạt đáng xấu hổ thì chính là tự phá bỏ tôn nghiêm của mình.
[10] Thái Tổ Cao Hoàng đế hay Lê Cao Hoàng: Lê Lợi, hoàng đế đầu tiên của nhà Lê sơ.
Chính vì vậy, Thần phi đã sớm lường trước rằng để tìm ra điểm yếu của Ngọc Dao là điều chẳng dễ dàng gì nếu không muốn nói là khó khăn nhưng nếu bây giờ không hành động mà đợi đến lúc đứa trẻ trong bụng nàng ta ra đời thì đã quá muộn. Không chừng đúng như những gì nàng thấy trong mơ, đứa trẻ mà Ngô Tiệp dư đang mang thực sự là tiên đồng đầu thai. Nếu là vậy, dù có phải chống lại ông trời, Thần phi cũng quyết không để nó được sinh ra trên đời này, đe dọa đến ngôi Thái tử mà khó khăn lắm nàng ta mới đoạt được từ tay kẻ khác cho con trai mình.
Dù Ngọc Dao trước kia không phải là người thích bon chen tranh đoạt nhưng biết đâu đó là vì nàng ta chỉ sinh được cho Hoàng thượng một Hoàng nữ, Đà Quốc Công chúa. Dù được phụ hoàng yêu quý nhưng thân phận nữ nhi sinh ra vốn đã không thể so sánh với các Hoàng tử, cùng lắm cũng chỉ được ưu ái tìm cho một tấm chồng thật tốt để gả đi, yên tâm sống một cuộc đời an nhàn, sung túc. Còn nếu lần này, Long thai trong bụng Ngô Tiệp dư đích thị là Hoàng tử thì mọi việc sẽ xoay vần theo chiều hướng khác. Ai dám đảm bảo rằng một Ngọc Dao hiền lành, nhẫn nhịn không thể vì con trai mình mà nảy sinh dã tâm?
Trong chốn Hậu cung này, sinh được một Hoàng tử là phúc, hay là họa không ai nói trước được. Có đôi khi, "cây muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng", dù không muốn bon chen nhưng liệu kẻ khác có chịu để yên? Sớm muộn gì cũng sẽ bị kéo vào vòng thị phi, phải trả giá bằng máu và nước mắt của mình hoặc người khác. Rồi sau này, khi đứa trẻ ấy lớn lên, thân làm Hoàng tử, sao có thể điềm nhiên đứng ngoài chính sự, cứ thêm một Hoàng tử được sinh ra, ngôi vị Hoàng thái tử lại lung lay thêm một chút, vậy thì chi bằng diệt cỏ, phải diệt tận gốc, diệt ngay từ khi nó chưa kịp bám rễ, đâm chồi.
Thần phi chưa bao giờ quên việc mình hạ sinh Bang Cơ chỉ sau sáu tháng nhập cung từng bị bao kẻ gièm pha. Hiện giờ, vì còn sủng ái mà Hoàng thượng luôn có lòng tin rằng nàng giống như những gì người được báo mộng, là con gái của Bạch xà tướng quân đầu thai chuyển kiếp, vì thế mà chuyện sinh nở cũng không hoàn toàn thuận theo lẽ tự nhiên. Nhưng ai biết lỡ đâu một mai, khi nàng không còn giữ nổi trái tim Hoàng thượng thì lòng tin của người cũng sẽ theo đó ra đi, đến lúc đó số phận hai mẹ con nàng ra sao chẳng ai biết trước được. Nghĩ đến đây, Thần phi thoáng rùng mình.
"Khởi bẩm Hoàng thượng, có tin mật báo!" — Đinh Thắng nói vọng từ ngoài vào bằng chất giọng the thé đặc trưng.
"Hoàng thượng!" — Thần phi tỉnh giấc, khẽ lay người dậy — ''Hoàng thượng! Dường như Đinh Thắng có điều gì cấp báo!"
Đại Bảo khẽ nhíu mày, cảm thấy khó chịu vì giấc ngủ bị quấy nhiễu, lớn giọng hỏi:
"Chuyện gì?"
"Muôn tâu, binh lính đi tuần bắt được một kẻ đang làm phép trong cung!"
Cái gì?" — Nhà vua mở choàng mắt, bật hẳn người dậy, tỏ ra phẫn nộ — "Có kẻ dám giở trò yêu thuật trong Hậu cung của trẫm ư?"
Nói đoạn, người khoác vội áo, bước xuống giường, xỏ chân vào giày, lệnh cho tên thái giám đẩy cửa bước hẳn vào trong tâu trình. Đinh Thắng trẻ hơn Đinh Phúc tới gần hai chục tuổi nhưng gương mặt hắn lại có vẻ dạn dày, tinh quái hơn hẳn so với viên Nội quan già Đinh Phúc chỉ suốt ngày mở miệng ra là can ngăn, khuyên nhủ. Đinh Thắng luôn khôn khéo nói đúng những điều mà Hoàng thượng muốn nghe. Tên thái giám lom khom tiến vào, gương mặt hắn tộ rõ vẻ căng thẳng đúng với điệu bộ của kẻ đang mang đến một tin tức tồi tệ. Hắn ngước nhìn nhà vua, lúc này đã đứng giữa phòng lớn, đằng sau bức hoành phi kia hẳn là Thần phi cũng đang chăm chú lắng nghe:
"Muôn tâu Hoàng thượng, là một mụ đàn bà, ăn mặc quái dị, đang đốt bùa ngải làm phép thì bị lính tuần phát hiện và bắt giữ!"
"Người đang ở đâu?" — Đại Bảo cảm thấy cơn thịnh nộ đang trào dâng trong người. Đối với nhà vua mà nói, có hai điều tuyệt đối không thể dung thứ, một là âm mưu tạo phản, và hai là sử dụng bùa chú yêu ma trong cung.
Trước đây, từng có nàng Lê Nhật Lệ, "vị cây dây leo" - nhờ phụ thân làm quan lớn trong triều mà được tiến cung phong làm Huệ phi. Phụ thân nàng ta, Nhập nội đại đô đốc Lê Ngân cảm thấy như thế là chưa đủ, muốn Hoàng thượng chỉ sủng ái con gái mình liền lập bàn thờ cúng, sử dụng bùa ngải. Thời gian đó, trong cung xảy ra rất nhiều biến cố, các phi tử của người kẻ bệnh chết, kẻ hóa điên, bản thân Đại Bảo cũng cảm thấy đầu óc u mê, mụ mị bất kể ngày đêm như có ai chuốc rượu, chỉ khi trở về bên cạnh Huệ phi mới thấy khoan khoái, dễ chịu lạ thường. Sau này, nhờ có người mật báo mà Hoàng thượng biết được, lập tức ra lệnh lục soát tư gia họ Lê, quả nhiên phát hiện tượng Phật cùng rất nhiều vàng, bạc, lụa màu dùng trong thờ cúng, liền bắt lũ nô tì xét hỏi, còn Đô đốc Lê Ngân bị giao tới tòa Pháp ti luận tội. Dù Đô đốc không thừa nhận nhưng Hoàng thượng vẫn ban cho được chết, tịch biên gia sản, giáng Huệ phi xuống làm thường nhân và bị người lạnh nhạt cả đời, khổ sở hơn cả cái chết.
"Dạ thưa, kẻ đó hiện đang quỳ ngoài ạ!" — Đinh Thắng tâu.
Nhà vua lập tức bước ra, tên thái giám quay người bám theo, làm điệu bộ lo lắng, hạ thấp giọng, e dè tâu:
"Bẩm Hoàng thượng, người này..."
Đại Bảo lập tức hiểu ra ý nghĩa của sự ngần ngại, lấp lửng trong câu nói bỏ ngang giữa chừng của hắn khi trông thấy người đàn bà đang quỳ gối giữa sân, hai bên là hai tên lính hộ vệ canh giữ. Ánh đuốc cháy bập bùng soi rõ gương mặt bà ta dù ngoài trời tối đen như mực. Thật là một đêm không trăng, không sao, bầu trời đầy mây âm u khiến người ta cảm thấy có đôi chút bất an trong lòng.
"Tại sao lại là ngươi?" — Nhà vua trừng mắt, nửa kinh ngạc, nửa căm giận.
"Hoàng thượng!" — Bà ta rú lên, quỳ mọp xuống đất, thảm thiết van xin — ''Xin người rộng lòng tha thứ! Nô tì hoàn toàn không có ý đồ gì xấu xa!"
Mụ đàn bà ấy chính là cung nữ hầu cận bên Ngô Tiệp dư, là người mà nàng ta luôn thân thiết, tin tưởng. Đinh Thắng liền dâng lên những tờ giấy cháy nham nhở các góc chưa kịp đốt hết. Rõ ràng đó là những lá bùa với nét chữ và hình vẽ nguệch ngoạc bằng mực màu đỏ ối bên trên.
"Đây là cái gì?" — Đại Bảo lớn tiếng hỏi lại bà ta.
''Hoàng thượng! Xin người tha tội cho nô tì! Nô tì không biết gì cả!"
"Vô lễ! Nhà ngươi còn không mau khai ra?" — Đinh Thắng thay mặt nhà vua lên tiếng thị uy.
"Nô tì... Nô tì chỉ làm theo lời chủ nhân! Đó là... là phải đôt bỏ những lá bùa cầu nhi tử [11]... phải đốt trong đêm nay, khi ánh trăng bị che khuất... ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc!" — Người đàn bà vừa khóc lóc, vừa run rẩy khai, câu nói đứt quãng từng đoạn.
[11] Nhi tử: Con trai.
"Nhi tử?" — Đại Bảo ngẩn, người. Người nghĩ đến Long thai mà Tiệp dư đang mang, cũng không còn bao lâu nữa là đến ngày sinh nở. Hơn ai hết, người mong mỏi đó sẽ là một Hoàng tử khôi ngô, tuấn tú, khí chất phi phàm, xứng với dòng dõi cao quý. Nhưng dùng đến cách này để cầu tự thì quả là trái với đạo lý, không thể chấp nhận dù chẳng phải là loại bùa ngải yêu ma nhằm trù úm hãm hại ai.
"Tiệp dư quả thật khiến trẫm thất vọng!" — Hoàng thượng khẽ than lên, cảm thấy trong lòng chua chát lẫn phẫn nộ.
Nguyễn Thần phi không chỉ có sắc đẹp mê hoặc lòng người mà còn là người vô cùng thông minh.
Khi mới bước chân vào Hậu cung, nàng dù được Hoàng thượng hết lòng sủng ái, yêu chiều nhưng sau lưng người, trước mặt những phi tần khác, nàng chỉ là một nữ nhân tầm thường, chân ướt chân ráo tới đây, không có lấy một kẻ thân cận bên để kết thành vây cánh. Thân thế không có, chỉ có một chút dung nhan đủ làm nhà vua mê muội ban đầu, chẳng có gì đảm bảo được ngày mai của nàng ta vẫn sẽ tươi đẹp như hôm nay. Trong Hậu cung này thiếu gì người có dung mạo xinh đẹp, lại cũng chẳng phải không có một hai tấm gương những mỹ nhân đã từng một thời được Hoàng thượng sủng ái nhưng rồi cũng nhanh chóng thất thế khi người vì mải ôm ấp giai nhân khác mà ngoảnh mặt làm ngơ. Chính vì thế mà đám phi tần trong cung chẳng mấy ai coi trọng Thần phi, cho rằng số phận nàng rồi cũng sẽ sớm giống như những giai nhân thoáng qua trước đây của Hoàng thượng, nhất là khi Hậu cung này vốn đã sớm định chủ nhân, chính là Dương Quý phi, người vừa xinh đẹp, lại là thân mẫu của Hoàng thái tử Lê Nghi Dân và nhị Hoàng tử Lê Khắc Xương, tiền đồ vô cùng sáng sủa.
Nhưng bấy nhiêu đó không làm Thần phi họ Nguyễn nao núng, nàng ta biết mình cần phải làm gì để tồn tại ở chốn thị phi này- Trong khi các nữ nhân khác chỉ mải xun xoe quanh Dương Tiểu Hoàn, người có địa vị cao nhất Hậu cung, rồi ngấm ngầm kéo bè kết đảng, cấu thành vây cánh, cắn xé lẫn nhau thì Thần phi đã đi nước cờ cao hơn. Hai quân cờ đầu tiên mà nàng muốn giành về tay mình chính là Đinh Phúc và Đinh Thắng, những Nội quan cận kề bên Hoàng thượng. Những lúc quấn quýt bên cạnh nhà vua, nàng luôn dành lời ngợi khen tới họ, mọi ân điển là ngọc ngà, châu báu, gấm vóc vua ban, nàng không bao giờ quên phần cho Phúc, Thắng. Chính điều này đã giúp nàng thu về dưới trướng hai tên nô tài tuy bề ngoài có địa vị thấp kém nhưng thực chất lại có vị thế vô cùng quan trọng bởi chúng mới đích thực là những kẻ gần gũi và được ở bên Hoàng thượng nhiều nhất. So với việc lấy lòng đám phi tần cả đời chỉ được gặp Hoàng thượng số lần đếm trên đầu ngón tay thì việc làm thân với hai tên Đĩnh Phúc, Đinh Thắng hẳn phải có ích hơn.
Đương lúc được Đại Bảo vô cùng sủng ái, lại có sự giúp sức đắc lực của hai thái giám bên cạnh nhà vua, Thần phi ngày càng nâng cao được vị thế của mình trong hậu cung. Thêm vào đó, Dương Quý phi vốn trước nay thấy được Hoàng thượng yêu chiều, lại nghĩ mình lập công lớn khi sinh được hai Hoàng tử nên mang thói kiêu căng, ngạo mạn, dù ngoài mặt mọi người tỏ ra kiêng nể nhưng trong lòng bất phục, thậm chí là căm ghét. Điều này giúp Nguyễn Thần phi chẳng mấy khó khăn để hạ bệ uy tín của họ Dương kia cả trong Hậu cung lẫn trong mắt Hoàng thượng.
Việc sớm đậu thai rồng càng củng cố thêm địa vị của nàng ta trong chốn cung cấm. Lúc này, Hậu cung hầu như đã nghiêng hẳn về phía Thần phi, Dương thị bị giáng xuống hàng Cửu tần chỉ còn có thể bám trụ vào lý do mình là thân mẫu của Hoàng thái tử mà giữ lấy vẻ cao ngạo. Nhưng khi Nguyễn Thần phi hạ sinh tam Hoàng tử Lê Bang Cơ chính là lúc dấu chấm hết được đặt lên danh phận của Dương Tiểu Hoàn và đe dọa đến tiền đồ của các con nàng ta. Chắng bao lâu sau, Hoàng thượng đã ra chiếu chỉ công bố với toàn dân việc phế Thái tử Nghi Dân, lập con thứ là Bang Cơ lên thay bất chấp nhiều lời sàm tấu cho rằng gốc gác của Banq Cơ có phần đáng nghi hoặc.
Tuy đã hạ bệ được Dương Quý phi nhưng Tiểu Hoàn kia cũng chính là tấm gương mà nàng luôn lấy ra để răn đe mình không bao giờ được lơ là mất cảnh giác, ngay cả trong những ngày tháng vinh quang nhất. Chốn Hậu cung này, không có chuyện gì là không thể xảy ra, không có nqôi vị nào là vĩnh viễn, cũng không có ai là hoàn toàn vô hại. Kẻ thù có thể nhìn thấy ít nguy hiểm hơn nhiều những kẻ không tự nhận mình là kẻ thù. Một người như thế đã xuất hiện, không dã tâm, không thủ đoạn nhưng dường như lại trở thành mối nguy hại vô cùng to lớn, đè nặng lên tâm trí Thần phi.
Ngô Tiệp dư có xuất thân cao quý, gia thế hiển hách, được lòng đám phi tần Hậu cung, lại được sự ủng hộ ngấm ngầm từ đa số đại thần trong triều. Hơn nữa nàng ta vốn xưa nay vẫn được Hoàng thượng coi trọng, tin yêu, chẳng thế mà Đà Quốc Công chúa được phụ hoàng đối đãi hơn hẳn những Hoàng nữ do các phi tần khác sinh ra. Đối phó với một Tiểu Hoàn kiêu căng, ngu xuẩn dễ hơn nhiều so với một Ngọc Dao khiêm nhường, thận trọng, điều này khiến Nguyễn Thần phị hao tâm tổn trí không ít. Nhưng cuối cùng nàng đã ngộ ra một điều: điểm mạnh của một người nếu không cẩn thận lại chính là tử huyệt của kẻ đó. Ngô Tiệp dư vốn thường ngày được Hoàng thượng hết mực tin tưởng nhưng một khi lòng tin ấy bị lung lay thì đó cũng chính là lúc tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ theo.
"Hoàng thượng! Yểm bùa trong cung là tội khi quân không thể tha thứ!" — Thần phi tỏ ra vô cùng khó hiểu khi Hoàng thượng chần chừ không xuống tay khép Ngô Tiệp dư vào tội voi giày, hình phạt mà đáng lẽ một kẻ sử dụng bùa chú để cầu tự trong cung nếu bị phát giác sẽ phải gánh chịu
   "Nếu người có ý thương tiếc đứa con trong bụng Tiệp dư, người hãy nghĩ rằng có lẽ đứa bé ấy cũng bị bùa yểm rồi! Nếu để một đứa trẻ bị ma quỷ ám nhập được sinh ra, chưa biết chừng sẽ gây đại họa cho quốc gia này!"
Những điều Thần phi nói, Đại Bảo đều đã nghĩ đến. Nhưng Tiệp dư Ngọc Dao vốn xưa nay đoan chính, luôn đứng ngoài các cuộc tranh đoạt trong Hậu cung, thậm chí còn không màng đến tước vị, danh phận, một lòng giữ đúng lễ nghi, phép tắc, người như thế liệu có vì hoang mang không rõ Long thai trong bụng là nam hay nữ mà sử dụng bùa ngải để cầu tự? Nhân chứng vật chứng đều đã có đủ, đó là lời khai của cung nữ xưa nay luôn kề cận bên Ngọc Dao, những lá bùa cháy dở và cả những tấm bùa chú được tìm thấy tại cung Khánh Phương đều khiến Hoàng thượng có thể lập tức khép nàng vào tội voi giày. Nhưng phần vì cảm thương đứa con chưa được sinh ra, phần vì các đại thần mà đứng đầu là Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi hết mực can gián, bênh vực, xin giảm nhẹ án mà người chưa nỡ xuống tay.
Không chỉ các đại thần mà cả các nữ nhân trong chính Hậu cung của Đại Bảo cũng tỏ ý bênh vực Ngô Tiệp dư, thật là chuyện xưa nay hiếm. Ngay cả Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vốn phụ trách việc dạy dỗ các cung nữ, người gần gũi và được nhà vua tôn kính, cũng nhất mực cho rằng những chuyện bùa chú yêu ma không phải là điều mà con người chân phương, hiền thục như Ngô Tiệp dư có thể bày ra. Quá nhiêu tiếng nói đứng ra bênh vực khiến Hoàng thượng không thể không động lòng mà trăn trở suy nghĩ.
Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi, khai quốc công thần nhất mực trung thành của hai triều đã ra mặt bênh vực Ngô Tiệp dư, cho rằng án này còn nhiều điểm khuất tất. Lại thêm Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người xưa nay luôn khách quan, công bằng với những sự việc xảy ra trong Hậu cung của trẫm cũng tin tưởng vào đức hạnh, phẩm giá của Ngọc Dao. Trẫm là vua một nước, tuy nắm quyền sinh sát trong tay nhưng không vì thế mà có thể nhắm mắt bịt tai, khăng khăng làm theo ý mình, bỏ qua mọi lời can gián của các bậc trung thần. Hơn nữa, giết bỏ đứa con trong bụng còn chưa sinh ra, tự cổ chí kim, đều bị coi là việc làm vô cùng thất đức. Nhưng chuyện đến nước này, trẫm cũng không thể hoàn toàn coi như không có gì nên giáng Ngô Tiệp dư xuống làm thứ dân, đưa ra khỏi cung, giam lỏng ở Dục Khánh tự [12] chờ ngày sinh nở, ngày ngày phải ăn chay niệm Phật, tụng kinh hối cải những chuyện đã làm, để Phật tổ và chư vị Bồ tát gột rửa linh hồn Long nhi".
[12] Dục Khánh tự: chùa Dục Khánh ở làng Huy Văn, nay là chùa Huy Văn ở phường Văn chương, quận Đống Đa, Hà Nội.
Những lời Đại Bảo nói với nàng cũng giống như ý tứ người viết trong thánh chỉ ban xuống cho Ngọc Dao. Mức án không quá khắc nghiệt khiến những người đã đứng ra nói đỡ cho Ngô Tiệp dư cảm thấy yên lòng, ngược lại, khiến Nguyễn Thần phi hết sức tức qiận, bao nhiêu cônq sức đổ sông đổ bể, vậy là mối họa tiềm ẩn vẫn còn, chưa được trừ bỏ, sao có thể yên lònq ăn ngon ngủ kĩ?

"Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, ta nhất định sẽ nhớ những cái tên này!" — Thần phi rít qua kẽ răng, tức tối gạt phăng đồ đạc trên bàn. Những thứ nữ trang quý giá mà Hoàng thượng ban tặng vương vãi khắp nơi trên mặt đất lạnh lẽo.

No comments:

Post a Comment