Saturday 2 April 2016

Chương 3

CHƯƠNG 3: ĐỘNG

Nhiều năm trước, thi thoảng Ức Trai[1] tiên sinh vẫn thường lặp lại một giấc mơ kỳ lạ về phụ thân mình, Tư nghiệp Quốc tử giám thời nhà Hồ, Nguyễn Phi Khanh.
[1] Ức Trai: tên hiệu của Nguyễn Trãi
Trong giấc mơ, ông cụ khi còn dạy học có lần cho học trò dọn cỏ. Đêm trước đó, ông nằm mộng thấy một người phụ nữ đến khẩn khoản nói rằng xin thư lại cho ít hôm để dọn nhà vì chồng đi vắng, các con còn nhỏ. Nguyễn tiên sinh choàng tỉnh dậy, còn mơ hồ chưa hiểu ý nghĩa của giấc mơ thì học trò đã chạy vào báo thầy rằng họ đương lúc dọn cỏ đào phải một hang rắn, vì rắn định cắn nên đã đánh chết con mẹ cùng ba con con, còn một con con đã chạy thoát. Phi Khanh chợt hiểu ra người đàn bà trong giấc mơ là rắn đội lốt. Ông thở dài: "Thế là ta đã không cứu được họ rồi!"
Mấy ngày sau, khi ông cụ đang ngồi đọc sách thì trên xà nhà xuất hiện một con rắn trắng. Đuôi của nó nhỏ máu xuống trang sách của ông đúng vào chữ "đại"[2] và máu thấm qua ba trang giấy.
[2]: Đại: nghĩa là Đời.
Mơ đến đó thì Nguyễn Trãi choàng tỉnh giấc. Giấc mộng ngắn ngủi, lạ lùng và khó cắt nghĩa luôn khiến ngài băn khoăn. Nghe phu quân kể lại, tam phu nhân là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ nói:
"Phàm là nghiệp chướng đòi trước để lại thì khó mà tránh được, thôi thì đành phải chờ xem số mệnh ông trời ban cho rồi sẽ thế nào? Đến lúc cần hiểu ắt sẽ hiểu ra!"
Ngài cho là phải, thôi không nghĩ đến. Sau đó quả nhiên không còn gặp lại giấc mơ kỳ lạ ấy nữa, lâu dần thành, ra quên mất. Nhưng cầu chuyện đồn đại trong Hậu cung về duyên phận thần kỳ giữa Thánh thượng và vị sủng phi họ Nguyễn mà tam phu nhân trong những lần ra vào Cung thành dạy về lễ nghi cho các cung nữ nghe được từ đám này khiến một lần nữa dấy lên trong lòng ngài một mối dự cảm mơ hồ. Hai con rắn trắng trong giấc mộng của ngài và Hoàng đế liệu có liên quan gì đến nhau?
Đã như vậy đáng ra không nên động vào nhưng hiềm một nỗi, Nguyễn Trãi xưa nay vốn tính cương trực, thấy Hoàng thượng sắp phạm phải sai lầm lớn thì chẳng thể vì lo giữ thân mà nín thinh không can gián.
Cuộc đời ngài vốn nhiều thăng trầm, lắm nỗi truân chuyên. Mười năm phiêu dạt, rồi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, lại mười năm phò trợ Thái Tổ Cao, đánh đuổi giặc Ngô[3], giành lại quốc gia. Những tưởng khi xã tắc thái bình, một vị khai quốc công thần như ngài sẽ được triều đình trọng dụng nhưng những màn đấu đá và thói phe cánh chốn quan trường khiến những ngày tháng êm ả chẳng được là bao.
[3]Giặc Ngô: Tên gọi khác của quân Minh.
Lập công, rồi thất sủng, từng bị tống giam, rồi thả ra, lại được trọng dụng... con đường quan lộ mà Ức Trai tiên sinh đã bước chân đi quả thật gian nan. Nhưng xét cho cùng, những nỗi truân chuyên mà tiên sinh gặp phải cũng chỉ bởi người không muốn sống thẹn với lòng mình là thấy chuyện bất bình thì nhắm mắt làm ngơ, chọn cách yên lặng để mưu cầu bình an.
Lần này cũng vậy, vốn biết Nguyễn Thần phi được lòng Hoàng thượng, nắm quyền Hậu cung, lại thêm nhi tử mà nàng ta sinh ra vừa được lập làm Thái tử nhưng ngài chẳng vì e sợ mà không ra mặt can ngăn. Ngay cả tam phu nhân của người là Nguyễn Thị Lộ, tuy chỉ là phận nữ nhi mà còn chẳng nề hà, đã dám tâu lên Hoàng thượng, thẳng thắn bênh vực Ngô Tiệp dư. Có người thiếp can trường như thế chẳng nhẽ đường đường là nam tử hán đại trượng phu như ngài lại để thua kém sao? Vậy nên, hang rắn cũng đã chọc vào rồi, chỉ chưa biết nọc rắn độc đến đâu thôi.
"Ngọc Dao đã hạ sinh Hoàng tử! Là Hoàng tử đấy!" — Thần phi nổi giận quăng luôn chén ngọc trên tay xuống nền nhà ngay chỗ Đinh Thắng đứng, cái tin Thánh thượng mới có thêm Hoàng tử nối dõi truyền đến cung Khôn Thái ngay trong đêm khiến Thần phi bừng bừng lửa giận.
Kẻ mang tin đến chẳng ai khác chính là Đinh Thắng. Hắn dù không muốn làm cái việc này nhưng không phải hắn thì ngày hôm sau Thần phi cũng sẽ biết từ mồm kẻ khác mà như vậy thì tội của hắn còn lớn hơn. Biết mà không báo, hoặc không biết để mà báo, đối với người đàn bà nóng nảy, dã tâm như Nguyễn Thần phi cũng đều bị coi là đáng tội chết như nhau thôi.
"Nô tài đáng chết!" — Tên thái giám vẫn đứng lom khom, không nhích một bước dù biết trong can giận dữ, chủ nhân có thể vớ lấy bất kỳ thứ gì để quăng về phía hắn.
Thần phi hít lấy một hơi dài, kiềm chế tính nóng nảy, cười nhạt:
"Nói xem nhà ngươi phạm tội gì mà tự nhận mình đáng chết!"
"Dạ bẩm, tội chủ quan! Tội không chu đáo! Tội vô dụng! Tội ngu dốt! vì những tội ấy mà việc người giao nô tài mới làm không xong, để nên cớ sự này khiến người thất vọng! Ây là đáng muôn chết tâu lệnh bà!"
''Ta giao cho ngươi việc gì?" — Thần phi đanh giọng hỏi lại.
Đinh Thắng đứng chôn chân câm lặng. Nhiệm vụ mà Thần phi đã giao cho hắn ấy là phải nghĩ cách loại bỏ bằng được cái gai trong mắt người, khiến đứa trẻ kia đáng lẽ phải không được sinh ra, và vị Tiệp dư kia phải biến mất khỏi Hoàng cung. Nhưng hắn chỉ mới lo được một nửa, ấy là khiến Ngô Tiệp dư bị phế truất, đưa ra khỏi cung. Đáng lý ra hắn phải tính được rằng với Ngô Tiệp dư, người nổi tiếng đoan trang, hiền thục, chưa bao giờ thể hiện ra ngoài những tham vọng thì cái việc sử dụng bùa ngải kia mới nghe qua sẽ chẳng ai tin. Là lỗi của hắn khi đã quá chủ quan, vội vã ra tay mà chưa hiểu hết sức mạnh của kẻ địch, một kẻ được Hoàng thượng tin tưởng, đám nữ nhân kính trọng và quần thần ủng hộ. Lần này, cái mũi chó của hắn đã đánh hơi sai về kẻ thù.
Thần phi cười khẩy khi thấy Đinh Thắng dù câm như hến nhưng vẫn lộ rõ vẻ bối rối. Chiếc quạt trên tay bắt đầu phe phẩy, ấy là lúc nàng ta đang suy tính. Tháng bảy, trời oi bức, những làn hơi nóng theo chiều đưa của chiếc quạt phả vào mặt khiến Thần phi khẽ nhíu mày.
''Đúng là cái thứ khó chịu!" — Thần phi nghiến chặt răng sau câu nói, còn Đinh Thắng hoàn toàn không đoán được chủ nhân ý nói đến điều gì.
"Việc đã đến nước này..." — Thần phi ngưng lại lưng chừng, rồi khó nhọc kết thúc câu nói dang dở — ''Việc đã đến nước này, đành ẩn mình giữ yên ắng để chờ thời vậy! "
Đinh Thắng thừa biết Thần phi đang nghĩ gì. Bây giờ động đến Ngọc Dao chẳng khác tự đào mồ chôn mình, là việc làm tự rước họa vào thân. Cho dù Hoàng thượng có tin vào chuyện bùa ngải mà cả đời ghét bỏ mẹ con họ thì vẫn còn đó những đại thần, vì việc phế Nghi Dân để lập Bang Cơ lên ngôi Thái tử, Thần phi đã động đến khá nhiều người, cả Thần phi lẫn bọn Phúc, Thắng đều biết những kẻ bị động chạm ấy vô cùng gai mắt với vị sủng phi mới của Thánh thượng, người mà từ khi xuất hiện tới nay đã gây ra không ít sóng gió trong Hậu cung của Hoàng đế Đại Bảo. Trước đây, khi chưa rõ Long thai mà Ngọc Dao mang là Hoàng tử hay Hoàng nữ, việc ra tay còn có phần dễ dàng, nhưng bây giờ tứ Hoàng tử đã được sinh ra, nếu động đến mẹ con họ, không cẩn thận lại biến thành cái cớ hay để những kẻ muốn hạ bệ nàng nắm lấy. Con dao hai lưỡi này phần sắc nhọn hơn đang chĩa về phía Thần phi, nàng quyết không thể liều mạng mà sử dụng nó trong lúc này-
''Vậy thì nô tài sẽ cử người giám sát chặt chẽ quanh chùa Dục Khánh, nhất cử nhất động của mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao đều nhanh chóng bẩm báo lên người!" — Thắng khôn khéo đưa ra câu nói nhằm khiến chủ nhân yên lòng.
Thần phi không đáp lời, chỉ khẽ phẩy chiếc quạt về phía hắn ra hiệu hãy lui ra nhưng viên Nội quan lập tức hiểu rằng đó chính là sự bằng lòng không muốn nói hẳn thành lời của chủ nhân. Tên nô tài khẽ cúi đầu, lom khom bước đi. Còn lại một mình trong phòng, Thị Anh thả người ra sau ghế, thầm nghĩ: "Có lẽ cuộc chiến bây giờ mới thực sự bắt đầu! Đê xem ông trời sẽ đứng về phía ai!"
Ấy là ngày hai mươi tháng bảy, mùa thu năm Đại Bảo thứ ba [4], Ngọc Dao một mình hạ sinh tứ Hoàng tử bên ngoài Cung thành. Nhìn đứa trẻ mới lọt lòng còn đỏ hỏn trong tay nhưng đường nét gương mặt đã sớm lộ vẻ thanh tú, rạng rỡ, thật giống với phụ hoàng, Ngọc Dao không tránh khỏi quặn lòng khi nghĩ tới người, mới đặt cho con cái tên Tư Thành [5] để biểu đạt nỗi nhớ mênh mang.
[4] Đại Bảo năm thứ ba: Năm 1442 dương lịch.
[5] Tư Thành: Tư như trong từ "tương tư", mang nghía là mến nhớ, thương, nghi đến. Thành trong "lòng thành", mang nghĩa là thành thực, chân thực.
Mùa thu năm ấy, tiết trời oi bức khiến lòng người bồn chồn không yên. Ức Trai tiên sinh liên tục đi ra đi vào, cảm thấy trong lòng nóng như lửa đốt. Đắn đo một lúc lâu, mới đem ra giãi bày cùng tam phu nhân:
"Thánh thượng đã có tin vui rồi nhưng xem chừng chưa chắc đây đã là việc lành!"
Tam phu nhân biết chồng muốn nói đến điều gì. Người đang lo lắng cho số phận của mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao, nếu nàng sinh ra một Hoàng nữ, may ra còn có thể quay về Hậu cung, sống cuộc đời thanh đạm, yên ổn như trước đây. Có lẽ giờ này tin tức người vừa hạ sinh Hoàng tử đã bay vào cung Khôn Thái, đến tai Nguyễn Thần phi, tương lai thật là lành ít dữ nhiều.
"Có thể trước mắt mọi việc sẽ yên nhưng sau này có như thế nào chưa ai biết được! Phải chăng chúng ta nên liệu xa, đưa mẹ con họ lánh tới một nơi ít người biết đến trong một thời gian?” — Tam phu nhân nói ra suy nghĩ của mình với chồng.
"Lánh đi?" — ức Trai tiên sinh cẩn thận nhìn trước sau, rồi hạ giọng hỏi lại — ''Biết lánh đi đâư? cả Kinh thành này đâu đâu cũng có tai mắt của Thần phi!"
"Có lẽ Hoàng thượng vì chưa nguôi cơn giận nên chưa muốn đón Ngọc Dao về, mà như thế, để hai mẹ con người đơn độc bên ngoài Cung thành lại e an nguy không được đảm bảo. Tốt nhất chúng ta nên bí mật đưa người và Hoàng tử giấu đến nơi nào đó, xa khỏi tai mắt bọn người trong Hậu cung. Thiếp nghĩ, đưa họ về lánh tạm nhà mẹ đẻ làng Đô Kỳ [6] là đúng đắn hơn cả. Ngọc Dao vốn xuất thân trong gia đình thế hiển, một khi Thái bảo Ngô Từ và cả Nhập nội tư mã Đinh Liệt vẫn còn trụ vững trong triều đình thì không ai dám đến nơi đó làm bậy!"
[6] Làng Đô Kỳ khi ấy thuộc đất Thần Khê, Diên Hà, nay thuộc xã Đông Đô, huyện Hung Hà, tỉnh Thái Bình.
Nguyễn Trãi trầm ngâm suy nghĩ. Đàn bà thường hiểu lòng nhau, nói không chừng lời phu nhân tiên đoán là đúng, nếu để lâu dễ sinh chuyện, tính mạng của Ngọc Dao và Hoàng tử mới sinh sẽ bị đe dọa.
"Vậy cứ theo kế của nàng mà làm! Chẳng bao lâu nữa Hoàng thượng sẽ tuần du về miền Đông, rồi duyệt quân ở thành Chí Linh, ta cũng phải mau quay lại Côn Sơn, chờ đón rước người trên đường trở về Đông Kinh [7]. Thời gian chẳng còn bao nhiêu, phải làm cho xong việc này trước khi ta đi kẻo không còn cơ hội. Việc của Ngọc Dao sau này đành nhờ nàng khi có cơ hội hầu bên Thánh thượng thì liệu tình hình tâu lên với người, cho phép đón mẹ con họ trở về, hóa giải hiểu lầm".
[7] Đông Kinh: Tên gọi của Kinh thành Thăng Long thời Lê Sơ.
"Thiếp xin vâng!" — Nguyễn Thị Lộ nhẹ nhàng đáp lời.
Không ai biết đó lại là đêm cuối cùng họ bên nhau, và đó cũng là những lời cuối cùng họ nói với nhau.
Đúng như dự liệu, sau chuyến tuần du về phía Đông đế tham dự lễ duyệt quân thành Chí Linh, trên đường trở về kinh sư, nhà vua có ghé qua khu vườn vải [8] ở huyện Gia Định, tư gia của Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi, lúc này chỉ có tam phu nhân là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ở nhà tiếp đón.
[8] Vườn vải: Tên thường gọi của Lệ Chi Viên.
Sở dĩ tam phu nhân đoán trước được sự tình bởi bà biết gần đây trong lòng Hoàng thượng có điều trăn trở khó tỏ cùng ai, mà những lúc như thế, người thường vời bà vào cung trút mọi nỗi niềm, nhờ bà hiến kế. Trước đây cũng từng có lần, sau khi Hoàng thượng xuống chiếu phế truất Quý phi Dương thị, ban bố cho thiên hạ biết ngôi Thái tử chưa định, người mới nhận thấy tẩm cung của mình thực vô cùng loạn, phi tần thì chia bè kết phái, cung nữ thì không biết nề nếp, phép tắc. Thấy Hoàng thượng phiền lòng, Lễ nghi học sĩ mới dâng lên kế bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, ấy là đánh một người để thị uy trăm kẻ, nhờ vậy mà trật tự, kỷ cương trong Hậu cung mới được thiết lập lại. Sau lần ấy, nhà vua càng thêm tin dùng Lễ nghi học sĩ, thường cùng bà đàm luận những chuyện ngoài chính sự.
"Hoàng thượng!" — Tam phu nhân lên tiếng, kéo Đại Bảo ra khỏi những suy nghĩ mông lung đang diễn ra trong đầu — "Kính mời người thưởng trà long nhãn, tuy chẳng có gì cao quý nhưng là thứ cây nhà lá vườn tốt nhất có thể dâng lên người, hi vọng người không chê cười!"
Nhà vua nhìn xuống chén trà tì nữ mới dâng lên đặt trên mặt bàn theo lệnh của chủ nhân, thứ nước trong chén màu lục trong vắt, tỏa ra một thứ mùi thơm dễ chịu, quyện giữa hương trà và vị nhãn lồng phơi nắng tháng sáu. Nhà vua đưa lên, nhấp một ngụm nhỏ, cảm thấy vị ngọt thanh tao thấm nơi đầu lưỡi, chảy xuống cổ họng, khiến tinh thần bỗng sảng khoái lạ thường, vẻ mặt người dãn ra, vô cùng thư thái.
"Trà ngon!" — Đại Bảo tấm tắc khen, rồi lại chợt trầm ngâm — "Quả nhãn còn tươi vốn trong, đẹp là thế, vậy mà lại không có được cái vị ngọt sắc như khi đã khô héo!"
"Muôn tâu Hoàng thượng, nghe lời người nói, thần thiếp chợt liên tưởng tới cuộc đời người phụ nữ: khi còn son trẻ thì người ta chỉ mải nhìn ngắm nhan sắc, đến khi sắc đã phai tàn, tâm hồn như thứ vị ngọt sắt son kia mới được người đời nhắc đến".
"Có phải ý khanh muốn nói đến những người đàn bà trong tẩm cung của trẫm? Kẻ có sắc chưa chắc đã nên hương, người có hương đôi khi lại không được trẫm nhận ra mà nâng niu cho đáng?"
"Muôn tâu, thần thiếp không dám mạo phạm, càng không có ý ám chỉ đến ai!" — Nguyễn Thị Lộ khẽ cúi đầu, tỏ ra cung kính.
Đại Bảo đặt tách trà xuống, nhìn sang viên Nội quan Đinh Phúc nói:
"Trẫm có việc muốn nói riêng với Lễ nghi học sĩ!"
Đinh Phúc hiểu ý, liền hất hàm ra hiệu cho các thái giám và cưng nữ trong phòng cùng lui cả ra ngoài, bản thân mình cũng mau chóng rời bước, nhẹ nhàng khép cửa phòng lại.
Khi đám người đã đi ra cả, trong gian phòng đan sơ, chỉ còn lại hai người, vừa là quân thần vừa là tri kỷ. Nhìn vị vua trẻ ngồi trước mặt, dung mạo anh tuấn, trong sáng, chợt Nguyễn Thị Lộ cảm thấy có chút chạnh lòng. Ông trời se duyên để bà về làm vợ Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi từ khi người còn phò tá Thái Tổ Cao Hoàng đế, thấm thoát cũng đã hai mươi năm, nếu sớm có con, có lẽ con của người và Ức Trai tiên sinh cũng tầm tuổi Hoàng thượng.
Nhà vua sớm lại mất di thân mẫu, mới chín tuổi đã ngồi lên ngai vàng, mang trên mình gánh nặng quốc gia. Những ngày đầu lên ngôi, kẻ làm bề tôi số ít là các bậc trung thần mẫn cán, còn lại, người thì tham quyền cố vị, nuôi dã tâm thâu tóm triều đình, kẻ thì tham lam vơ vét, nhân ấu chúa còn nhỏ mà giở trò lũng đoạn, tham ô, lại có kẻ tài cán chẳng có nhưng ham mê hư vinh danh lợi, thường buông lời siểm nịnh làm hại trung thần, tâng bốc bản thân, định lấy tay che mắt thánh. Trải qua bao biến loạn trong triều, cuối cùng, Hoàng thượng cũng đi đến được ngày hôm nay, một cách mệt mỏi và cô đơn. Đối với người mà nói, nữ nhân trong cuộc đời là sắc, là hương nhưng để thưởng ngắm chứ không có tình tri kỷ. Phải đến khi Hoàng thượng nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, tam phu nhân của Hành khiển Nguyễn Trãi là người hay chữ, vời đến phong làm Lễ nghi học sĩ, giúp người uốn nắn đám cung nữ trong cung, Đại Bảo mới cảm thấy tìm được một điều mà người vẫn thiếu bấy lâu nay. Bà với cái vẻ đoan trang, cứng cỏi, khi thì hiền hậu, thấu hiểu, lúc lại sắc sảo, mưu lược khiến vị vua trẻ vừa cảm phục, vừa mến mộ, thường tự hỏi nếu mẫu thân người vẫn còn, không biết có đối với người giống như tam phu nhân, vừa gần gũi, vừa nghiêm khắc?
"Hoàng thượng! Có phải trong lòng người đang có điều chi phiền muộn?" — Nguyễn Thị Lộ lên tiếng.
"Ưu phiền của trẫm chắc khanh cũng đã biết cả!"
"Có phải ý người muốn nói đến chuyện xảy ra trong Hậu cung gần đây với Ngô Thị Ngọc Dao?"
''Phải! Giờ thì Ngọc Dao đã sinh cho trẫm một Hoàng tử, các quan trong triều nhất định sẽ lấy cớ đó để ép trẫm đưa nàng ấy hồi cung!"
"Đó chẳng phải cũng là mong muốn của người sao?" — Tam phu nhân tỏ ra thấu hiểu tâm can nhà vua.
"Tuy trẫm không phản đối..." — Hoàng thượng đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng — "Nhưng lại cảm thấy các vị đại thần ấy nên lo cho tốt việc của mình hơn là luôn nhúng mũi vào những việc xảy ra trong Hậu cung của trẫm! Chính những tiếng nói đồng thanh của họ khiến trẫm cảm thấy khó chịu lắm, tiếng nói ấy càng lớn, trẫm lại càng muốn làm ngược lại!"
Hoàng thượng dù là đấng chí tôn, đứng cao hơn vạn người nhưng vẫn còn quá trẻ, ở cái tuổi mà lòng kiêu hãnh cá nhân được đặt cao hơn tất thảy, có lẽ tâm lý hiếu thắng của người không phải là quá khó để có thể lý giải. Nguyễn Thị Lộ mỉm cười, nhẹ nhàng tâu lên:
"Hoàng thượng, vậy thì chi bằng người nhân cơ hội này sớm ra chiếu chỉ khôi phục danh phận Tiệp dư cho Ngọc Dao, đồng thời cho phép mẹ con Hoàng tử trở về Hậu cung, đợi người hồi kinh. Như vậy chính là Hoàng thượng dã nghĩ trước, làm trước, quyết định của người chẳng phải do sức ép nào tác động".
Gương mặt Đại Bảo trở nên sáng rỡ, người bật cười thành tiếng.
''Đơn giản như vậy sao trầm lại không thể nghĩ ra? Làm theo ý khanh! Hãy làm theo ý khanh!"
Nói rồi, nhà vua lớn tiếng kêu Đinh Phúc:
''Người đâu, mau mang giấy mực đến đây, trẫm cần thảo chiếu chỉ!"
Bên ngoài, viên Nội quan nghe khẩu dụ, "vâng" lớn một tiếng rồi nhanh nhẹn sai người đi chuẩn bị theo lời nhà vua. Chốc lát, giấy, bút và nghiên mực đã sẵn sàng trước mặt Hoàng thượng, người cầm bút, thảo lên những nét phóng khoáng:
"Ngày hai mươi tháng bảy năm Nhâm Tuất, dân nữ Ngô Thị Ngọc Dao đã hạ sinh hạ cho trẫm một Hoàng tử. Trước đây do phạm phải điều cấm kị mà bị phế làm thường dân, đuổi ra khỏi cung. Nay vì công trạng ấy, cho khôi phục lại danh phận như cũ, đồng thời truyền đón mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao trở lại cung Khánh Phương".
Ngọc ấn đóng vào rồi trao lại chiếu chỉ cho Đinh Phúc, nhà vua căn dặn:
"Sáng sớm mai, ngươi đem chiếu chỉ này về làng Đô Kỳ, quan Hành khiển Nguyễn Trãi đã tâu trẫm biết hiện giờ Ngọc Dao đã được đưa về đó. Sau khi ban bố chiếu chỉ, lập tức đón mẹ con nàng ấy trở về kinh sư. Trẫm sẽ hồi cung sau!"
Đinh Phúc vâng mệnh, đón lấy, cẩn thận cất vào ống tay áo, lom khom bước ra. Đoạn ông ta gọi người sai đi chuẩn bị ngựa để sáng sớm mai sẽ lên đường theo lời dặn của Hoàng thượng. Sau khi Đinh Phúc đi khỏi, Nguyễn Thị Lộ cũng được phép của Hoàng thượng cho lui. Nhà vua như cất được một gánh nặng trong lòng, vừa có thể rộng lượng tha thứ cho Ngọc Dao, vừa không mất đi cái uy của bậc Quân vương. Ngày đoàn tụ còn có thêm niềm vui nữa là đứa con mới chào đời. Hoàng thượng thư thái đặt mình xuống giường, bên ngoài văng vẳng vọng lại tiếng mõ tuần báo đã canh hai, hẳn là đêm nay sẽ rất ngắn.
Nhưng không ngờ rằng đó là đêm dài nhất trong đời của Đại Bảo, Hoàng thượng đã vĩnh viễn không tỉnh lại nữa. Ngày đoàn tụ mà người mơ tới đã không bao giờ xảy ra, kéo theo sau đó là hàng loạt những sự kiện đẫm máu, tang thương được sử sách ghi lại dưới cái tên "Thảm án Lệ Chi Viên":
"Tháng tám, ngày mồng bốn vua về đến vườn vải huyện Gia Định, bỗng bị bạo bệnh rồi băng.
Ngày mồng sáu về tới kinh, nửa đêm vào cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.
Ngày mười hai, đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi. Lúc ấy vua mới hơn một tuổi. Lấy năm sau là năm Thái Hòa thứ nhất.
Ngày mười sáu, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ [9]... " [10]
[9] Bắt tội đến ba họ: Chính là "tru di tam tộc".
[10] Trích Đại Việt sử ký toàn thư, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697).
"Nhà vua được an táng tại Hựu Lăng: Lam Kinh, thụy hiệu là Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tông. Chính sử gọi tắt là Thái Tông Văn Hoàng đế hoặc Lê Văn Hoàng, Văn Hoàng, Văn Đế. [11]

[11] Trích văn bia Hựu lăng do Hàn lâm viện thị độc học sĩ Nguyễn Thiên Tích soạn năm 1442.

No comments:

Post a Comment